Hội đồng Bắc Đại Tây Dương, cơ quan có thành viên là đại diện thường trực các nước NATO đã nhất trí chọn Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte làm Tổng Thư ký tiếp theo của khối này, thay ông Jens Stoltenberg, người sẽ kết thúc nhiệm kỳ tháng 10 tới.
Quyết định được đánh giá là mang tính thủ tục, sau khi Tổng thống Romania Klaus Iohannis, đối thủ duy nhất của ông Rutte trong cuộc đua vào vị trí Tổng Thư ký NATO, thông báo rút lui do không giành được ủng hộ từ các thành viên liên minh.
Ông Mark Rutte, 57 tuổi, lãnh đạo nền kinh tế lớn thứ 5 của Liên minh châu Âu trong 14 năm qua, đã nhận được sự ủng hộ của các thành viên quan trọng trong NATO như Mỹ, Anh, Pháp, Đức và Thổ Nhĩ Kỳ. Ông được đánh giá cao nhờ khả năng lãnh đạo mạnh mẽ và có lập trường linh hoạt trong việc tìm kiếm sự đồng thuận.
Người tiền nhiệm của ông Rutte, đương kim Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg cùng ngày đã bày tỏ ủng hộ Thủ tướng Hà Lan. "Ông Mark là một người theo chủ nghĩa xuyên Đại Tây Dương thực sự, một nhà lãnh đạo mạnh mẽ và là người xây dựng sự đồng thuận", ông Stoltenberg nói.
Theo truyền thống NATO, ghế Tổng Thư ký NATO thường thuộc về người châu Âu. Vị trí này có nhiệm kỳ 4 năm và có thể gia hạn. Ông Stoltenberg đã giữ chức Tổng Thư ký NATO từ năm 2014.
Ông Rutte đang là Thủ tướng tạm quyền và sẽ rời vị trí này trong vài tuần tới, khi Hà Lan thành lập chính phủ mới sau cuộc bầu cử năm 2023. Trên cương vị Tổng Thư ký NATO, ông sẽ phải giải quyết các thách thức trong duy trì ủng hộ của đồng minh đối với nỗ lực viện trợ cho Ukraine, trong khi tránh để liên minh bị kéo vào xung đột trực tiếp với Nga.
Nhiệm kỳ sắp tới của ông được dự báo sẽ không dễ dàng. Người đứng đầu NATO sẽ phải đối mặt với cuộc xung đột Nga - Ukraine cũng như tìm kiếm sự cân bằng các xung đột lợi ích giữa 32 thành viên NATO để tổ chức này có tiếng nói thống nhất.