
Trước đó, ngày 7/4, trong bối cảnh đối mặt với khủng hoảng tài chính nghiêm trọng, WFP thông báo Washington đã quyết định chấm dứt viện trợ khẩn cấp cho toàn bộ nhóm 14 quốc gia đang đối mặt với tình trạng đói nghèo và khủng hoảng nghiêm trọng.
Tuy nhiên, một quan chức của WFP cho biết Mỹ đã thay đổi lập trường và quyết định tiếp tục hỗ trợ lương thực cho 6 nước gồm Somalia, Syria, Liban, Jordan, Iraq và Ecuador. Tám quốc gia còn lại - bao gồm Afghanistan, Cộng hòa Dân chủ Congo, Niger, Yemen, Chad, Mali, Nigeria và Madagascar - vẫn nằm trong diện bị cắt viện trợ.
WFP cảnh báo rằng việc cắt giảm này có thể khiến nạn đói trở nên nghiêm trọng hơn, đe dọa tính mạng hàng triệu người và làm gia tăng nguy cơ bất ổn tại nhiều khu vực. Riêng tại Afghanistan, nơi hiện có khoảng 2 triệu người đang nhận viện trợ lương thực, nguồn hỗ trợ có thể cạn kiệt trong năm nay, trong khi có tới hơn 400.000 phụ nữ và trẻ em suy dinh dưỡng cũng đứng trước nguy cơ mất đi cơ hội điều trị.
Tổng Giám đốc WFP, bà Cindy McCain, nhấn mạnh sự cần thiết của việc Mỹ tiếp tục hỗ trợ viện trợ lương thực trong bối cảnh nạn đói toàn cầu chạm mức nghiêm trọng nhất. Trên trang chính thức, WFP cũng gửi lời cảm ơn tới chính quyền Washington vì đã duy trì hỗ trợ cho một số quốc gia.
Chính quyền Tổng thống Trump đã cắt giảm sâu ngân sách dành cho Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) - cơ quan viện trợ nhân đạo chủ lực của Mỹ. Trước đây, ngân sách hàng năm dành cho USAID là 42,8 tỷ USD, chiếm 42% nguồn viện trợ toàn cầu của Mỹ.