Theo đó, vào khoảng 15 giờ 45 phút ngày 15/8, anh Hoàng C. (36 tuổi, trú tại thôn Bãi Bằng, xã La Pan Tẩn, huyện Mường Khương) khi làm vườn đã hái khoảng 1kg nấm có màu trắng mọc ở thân cây gỗ mục trong vườn mang về nhà để nấu ăn tối. Trong bữa ăn tối có 4 món gồm: Nấm xào (khoảng 800g), canh rau bí, cá khô và cơm. Sau khi ăn khoảng 40 - 50 phút thì cả 3 người ăn (vợ anh C, con dâu và con trai) đều có biểu hiện chóng mặt, buồn nôn và nôn.
Đến khoảng 22 giờ 8 phút cùng ngày, 3 người đã được người nhà đưa đến Phòng khám Đa khoa khu vực Cao Sơn và được chẩn đoán ngộ độc chất độc do ăn thực phẩm (ngộ độc nấm không rõ loại). Các bệnh nhân được xử trí sơ cứu ngộ độc ban đầu: Rửa dạ dày, truyền dịch, lợi tiểu, nhuận tràng, sau đó được chuyển về Khoa Hồi sức - Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa huyện Mường Khương để tiếp tục điều trị. Ngày 16/8, cả 3 bệnh nhân đã ổn định, không còn các biểu hiện ngộ độc thức ăn.
Qua điều tra dịch tễ và triệu chứng lâm sàng của các bệnh nhân, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm nhận định đây là vụ ngộ độc thực phẩm do độc tố tự nhiên (nấm rừng). Đây là loại nấm có kích thước trung bình, cao khoảng 5cm, đường kính mũ nấm khoảng 4 - 5cm, có màu trắng, phiến rộng, giữa phiến nấm có màu vàng. Trung tâm Y tế Mường Khương đã lấy được khoảng 200g nấm tươi (số nấm còn lại mà gia đình anh C. chưa chế biến) để gửi cơ quan chức năng kiểm nghiệm tìm độc tố.
Việc phân biệt giữa nấm độc và nấm không độc rất khó vì đặc điểm hình thái của các loài này rất giống nhau.
Để phòng ngừa các vụ ngộ độc tương tự, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm khuyến cáo: Người dân không tự ý hái các loại nấm mọc trong tự nhiên và không biết rõ có độc hay không về chế biến món ăn. Khi ăn nấm mà có các biểu hiện của ngộ độc cần sơ cứu gây nôn ngay tại chỗ và đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất để cấp cứu kịp thời. Các cấp, các ngành cần tăng cường công tác truyền thông về an toàn thực phẩm, đặc biệt là ngộ độc độc tố tự nhiên để người dân biết.