Vào khoảng 11 giờ ngày 23/5, gia đình ông Vương Văn H. (thôn Sung 2, xã Khánh Yên Hạ, huyện Văn Bàn) tổ chức bữa ăn trưa và hái nấm trong vườn về nấu ăn. Bữa trưa gồm 5 người với các món: nấm nấu canh gừng, đỗ luộc, cá trắm hấp rau muống chua, cơm, đuông cọ, nem rán. Cả 5 người đều ăn các món: đỗ luộc, cá trắm hấp rau muống chua, cơm, đuông cọ, nem rán và có 2 người không ăn canh nấm. Sau ăn khoảng 20 phút, 3 người ăn canh nấm bắt đầu có biểu hiện buồn nôn, nôn, đau đầu, chóng mặt. Đến 13 giờ cùng ngày thì có biểu hiện chóng mặt nhiều hơn, đau đầu dữ dội. Đến 15 giờ 30 phút, 3 người trên được người nhà đưa đến Bệnh viện Đa khoa huyện Văn Bàn cấp cứu.
Bác sỹ Bệnh viện Đa khoa huyện Văn Bàn ngay lập tức thực hiện gây nôn, truyền dịch và bổ sung vi chất. Sau xử trí, tình trạng của của bệnh nhân Vương Trọng H., 46 tuổi (người ăn nhiều nấm nhất) và ông Vương Văn P. (61 tuổi) diễn biến nặng. Đến 17 giờ 15 phút, cả 3 bệnh nhân được chuyển đến Khoa Cấp cứu của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lào Cai điều trị. Bệnh nhân H. khi vào viện có tình trạng lơ mơ, tiếp xúc chậm, buồn nôn, nôn nhiều, phân lỏng nhiều lần, bụng chướng và đau, suy thận, tổn thương gan, được đưa đến điều trị tại Khoa Hồi sức tích cực.
Bác sỹ Phạm Văn Dương, Phó Trưởng Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết: Các bệnh nhân có triệu chứng điển hình của đường tiêu hoá như nôn, đau bụng, đại tiện phân lỏng nhiều lần kèm theo triệu chứng mất nước, hoa mắt, chóng mặt. Bệnh nhân đã được xử trí rất tốt từ tuyến dưới như thải trừ độc chất, bù điện giải. Chúng tôi đã liên hệ tham khảo ý kiến của các bác sỹ ở Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai để đưa ra phác đồ điều trị hiệu quả nhất cho người bệnh như bù dịch, điều trị triệu chứng. Chúng tôi cũng giải thích cho gia đình tiến triển của người bệnh và những yếu tố nguy cơ. Hiện tại, sức khỏe các bệnh nhân đã tương đối ổn định, tình trạng đau bụng cải thiện nhiều, tỉnh và cắt đại tiện phân lỏng, không buồn nôn, các chỉ số ổn định.
Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh đã phối hợp với Trung tâm Y tế huyện Văn Bàn tiến hành điều tra, xác minh vụ việc. Người nhà bệnh nhân đã lấy một cá thể nấm tương tự như nấm hái tại vườn để nấu ăn vào ngày 23/5 để cán bộ Chi cục An toàn thực phẩm tỉnh gửi mẫu xét nghiệm.
Trước đó, ngày 16/5 cũng đã xảy ra vụ ngộ độc nấm tại gia đình bà Lý Thị L. ở thôn 7 Mai Đào, xã Thượng Hà, huyện Bảo Yên. Theo đó, gia đình bà L. đã lên đồi quế hái nấm về nấu canh. Sau khi ăn khoảng 30 phút, cả 4 người trong gia đình có biểu hiện đau đầu, hoa mắt, chóng mặt, buồn nôn, nôn ra thức ăn, đau bụng và được đưa đến cơ sở y tế, sức khỏe đã ổn định sau điều trị.
Theo điều tra của cán bộ Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh, loại nấm gây ngộ độc tại xã Thượng Hà (huyện Bảo Yên) cao khoảng 7 - 8cm, đường kính mũ nấm khoảng 2 - 3cm, màu hơi nâu xám; mọc riêng lẻ, không thành đám; khi ăn có vị ngọt, dai; ở cuống nấm không có bao cuống. Còn loại nấm gây ngộ độc tại xã Khánh Yên Hạ (huyện Văn Bàn) có kích thước khá lớn: cao khoảng 13cm, đường kính mũ nấm khoảng 10 - 12cm; có màu trắng, phiến rộng, hơi khum. Hai mẫu nấm này đều đã được gửi về Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia để kiểm nghiệm định danh và xác định độc tố gây ngộ độc thực phẩm (hiện đang đợi kết quả).
Ông Nguyễn Hải Sơn, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh cho biết: Lào Cai có điều kiện địa lý, khí hậu, nhiều rừng thuận lợi cho các loại nấm phát triển, trong đó có các loại nấm độc hoặc các loại quả cây trên rừng có độc tố như quả hồng châu, cà độc dược. Đầu năm, ngành y tế đã phối hợp các địa phương tăng cường tuyên truyền phòng chống ngộ độc thực phẩm có độc tố tự nhiên, đặc biệt đẩy mạnh tuyên truyền tại các địa phương trọng điểm như huyện Bát Xát, Bảo Yên, Văn Bàn và thị xã Sa Pa. Các vụ ngộ độc nấm thường xảy ra do người dân chủ quan, nhầm lẫn với loại nấm đã từng ăn. Bởi vậy, các đơn vị, địa phương cần tích cực vào cuộc, tăng cường truyền thông trong cộng đồng để nâng cao nhận thức của người dân.
Người dân không nên ăn các loại rau, quả rừng lạ, tuyệt đối không thu hái, không chế biến và không ăn nấm mọc hoang dại, nấm lạ, không rõ nguồn gốc, nấm nghi ngờ không bảo đảm an toàn dù chỉ một lần. Khi có biểu hiện ngộ độc sau khi ăn thực phẩm nghi có độc tố tự nhiên cần nhanh chóng đưa người bị ngộ độc tới cơ sở y tế gần nhất để được xử trí kịp thời.
Một số khuyến cáo nhận dạng nấm độc:
- Nấm có đủ mũ, phiến nấm, cuống, vòng cuống và bao gốc thường là nấm độc.
- Bên trong thân cây nấm có màu hồng nhạt, mũ nấm màu đỏ có vảy trắng, sợi nấm phát sáng trong đêm.
- Bộ phận độc nằm trong toàn bộ thể quả nấm (mũ, phiến, vòng cuống, bao gốc nấm). Độc tố thay đổi theo mùa trong quá trình sinh trưởng của nấm, trong môi trường đất đai, khí hậu.