Trước đó, khoảng 13 giờ 30 phút ngày 16/5/2024, tại gia đình bà Lý Thị L. ở thôn 7 Mai Đào, xã Thượng Hà, huyện Bảo Yên tổ chức bữa ăn trưa, trong đó có món canh nấm được hái từ đồi quế. Sau khi ăn khoảng 30 phút, cả 4 người có biểu hiện đau đầu, hoa mắt, chóng mặt, buồn nôn, nôn ra thức ăn, đau bụng, đi ngoài phân lỏng. Sau khi được đưa vào bệnh viện điều trị, các bệnh nhân đã ổn định sức khỏe và ra viện. Các cơ quan chức năng đã gửi mẫu nấm tương tự nấm gia đình bà L. từng ăn gửi kiểm nghiệm (mẫu do người nhà bệnh nhân cung cấp).
Tại phiếu kết quả kiểm nghiệm mẫu số 19697/PKN-VKNQG ngày 28/5/2024 của Viện Kiểm nghiệm An toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia cho thấy, mẫu nấm đã được lấy từ vụ ngộ độc tại Bảo Yên dương tính với Muscarine. Nấm chứa độc tố Muscarine thường gây rối loạn tiêu hóa, vã mồ hôi, khó thở, mạch đập chậm, ăn nhiều có thể dẫn đến hôn mê, co giật và trụy tim mạch.
Nhiều loại nấm ăn rất ngon, có giá trị dinh dưỡng cao. Tuy nhiên, nếu ăn nhầm phải nấm có độc tính cao như nấm tán trắng, nấm trắng hình nón chứa độc tố Amatoxin thì nguy cơ tử vong rất cao.
Để phòng tránh ngộ độc do nấm, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm khuyến cáo:
- Chỉ ăn nấm khi biết chắc chắn đây là loại nấm ăn được, không biết thì tuyệt đối không ăn;
- Ở địa bàn miền núi, khi ăn nấm nên hỏi rõ những người có kinh nghiệm để nhận biết nấm độc;
- Không nên hái nấm quá non, khi chưa xòe mũ nấm, vì chưa thấy hết đặc điểm cấu tạo của nấm để xác định được rõ loài độc hay không.
- Nấm là môi trường dinh dưỡng lý tưởng cho nhiều loại vi sinh vật. Vì thế, dù đối với những loại nấm không độc, nhưng hái về để lâu mới ăn hoặc nấm đã hỏng, bị nhiễm bẩn mới sử dụng cũng dễ gây ngộ độc.
- Khi gặp người bị ngộ độc nấm, cần gây nôn càng sớm càng tốt và đưa ngay đến cơ sở y tế để được điều trị kịp thời;
- Tuyệt đối không cho nạn nhân uống các loại thuốc có rượu, vì độc tố của nấm dễ tan trong rượu và ngấm rất nhanh vào máu, làm tăng thêm độ độc của nấm độc.