Xuân Quý Mão 2023, Tết trồng cây được nhiều địa phương, cơ quan, đơn vị tổ chức ngay trong ngày làm việc đầu tiên sau kỳ nghỉ tết Nguyên đán đã góp phần làm cho không khí xuân thêm rộn rã, ý nghĩa, cũng là khẳng định tầm quan trọng của trồng cây xanh đối với cuộc sống.
Thông qua việc phát động trồng cây từ đầu năm, phong trào thi đua bảo vệ, phát triển rừng và trồng cây xanh được đẩy mạnh. Qua đó giúp người dân, các cơ quan, đơn vị từng bước tạo môi trường xanh - sạch - đẹp và phát triển kinh tế. Phong trào đã nhận được sự chỉ đạo sát sao của các cấp ủy đảng, chính quyền qua công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác bảo vệ, phát triển rừng. Nhờ đó, phong trào phát triển rầm rộ, làm thay đổi nhận thức của Nhân dân về tầm quan trọng của việc trồng cây xanh, trồng rừng và bảo vệ rừng. Từ truyền thống canh tác phụ thuộc nhiều vào thiên nhiên, người dân đã có xu hướng chuyển sang thâm canh tăng năng suất, rút ngắn chu kỳ kinh doanh; tạo vùng nguyên liệu tập trung gắn với các nhà máy chế biến.
Các xã, phường, thị trấn, cơ quan, đơn vị trong tỉnh hằng năm đều tổ chức phát động Tết trồng cây đầu xuân. Chỉ tính trong năm 2022, toàn tỉnh có hơn 32.000 gia đình và hơn 600 cơ quan, đơn vị tham gia phong trào thi đua trồng cây. Vì thế, với hơn 2,2 triệu cây phân tán, cây xanh công sở được trồng, cùng diện tích rừng hiện có, độ che phủ rừng trên địa bàn tỉnh đã đạt hơn 57,7% khi kết thúc năm 2022.
Trong số cây xanh các loại trồng được trong năm có gần 50% trồng ở các khuôn viên trụ sở, trường học, nhà văn hóa cộng đồng, vườn nhà. Số còn lại được trồng trên đất lâm nghiệp tập trung, ven đường giao thông và công viên... Bước đầu tạo cảnh quan môi trường xanh, đẹp. Loại cây được chọn trồng cũng rất đa dạng như cây bóng mát, cây cảnh quan, cây ăn quả và cây lâm nghiệp. Các địa phương dẫn đầu về số lượng cây xanh được trồng trong phong trào năm qua là thành phố Lào Cai, các huyện Bảo Yên, Bắc Hà, Bảo Thắng, Văn Bàn...
Nét đẹp trồng cây đầu xuân cũng được các cấp, các ngành, Nhân dân ở các địa phương trong tỉnh tích cực tham gia. Nhiều xã nông thôn mới xanh - sạch - đẹp hơn nhờ tích cực hưởng ứng phong trào tết trồng cây.
Tại huyện Bảo Yên, trong những năm qua, phong trào trồng rừng, phủ xanh đất trống, đồi núi trọc được đẩy mạnh. Trung bình mỗi năm huyện trồng mới và trồng rừng sau khai thác hơn 1.200 ha. Đến nay, diện tích rừng toàn huyện đạt hơn 50.700 ha, trong đó rừng tự nhiên là 21.900 ha, rừng trồng là hơn 28.800 ha, tỷ lệ che phủ rừng đạt 62%. Nhiều hộ có thu nhập lớn từ rừng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế của địa phương.
Tết trồng cây năm nay, huyện Bảo Yên trồng được hơn 50.000 cây tại trung tâm huyện và các xã, trong đó hỗ trợ trồng 0,5 ha rừng tập trung cho 1 gia đình tại xã Yên Sơn. Sau Tết trồng cây đầu năm, huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn trồng mới hơn 1.000 ha rừng, trong đó trồng rừng tập trung hơn 800 ha và trồng thêm 40.000 cây phân tán.
Ông Vũ Hồng Điệp, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho biết: Không chỉ mỗi dịp tết đến, xuân về, cán bộ, đảng viên và người dân mới ý thức thực hiện lời dạy của Bác, mà trong cuộc sống thường ngày, mỗi người luôn chú ý giữ gìn màu xanh, bảo vệ môi trường. Tết trồng cây tạo đà cho mùa trồng rừng mới, công tác bảo vệ và phát triển rừng tiếp tục được triển khai sâu rộng và hiệu quả.
Theo ông Vũ Hồng Điệp, trồng cây xanh phân tán có nhiều ưu điểm như cây sinh trưởng nhanh, cho sinh khối lớn, tận dụng tối đa quỹ đất. Trồng cây phân tán còn góp phần lấp bù khoảng trống về gỗ nguyên liệu giữa các chu kỳ trồng rừng, hay quá trình phát triển vùng trồng quế cần tới hơn 10 năm mới cho khai thác gỗ thì cây phân tán sẽ cung cấp nguyên liệu phục vụ các cơ sở sản xuất, chế biến gỗ.
Năm 2023, tỉnh Lào Cai lấy ngày 27/1 (tức mùng 6 tháng Giêng) là ngày tổ chức Lễ phát động Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ, trong đó định hướng các địa phương, đơn vị lựa chọn cây bản địa có giá trị kinh tế, cảnh quan đẹp, hoa nở quanh năm (bàng Đài Loan, bằng lăng, vàng anh, dầu nước…); tận dụng đất trên vỉa hè, công viên, vườn hoa, quảng trường, trụ sở, khu công nghiệp, khu kinh tế, các công trình tín ngưỡng... để phát triển cây xanh.
Đối với trồng rừng tập trung, căn cứ điều kiện lập địa, yêu cầu sinh thái, mục đích sử dụng đất để chọn các loài cây trồng lâm nghiệp lâu năm phù hợp. Theo đó, các địa phương vùng cao khuyến khích trồng cây đa mục đích, cho thu hoạch lâm sản phụ (như hồi, thông mã vĩ, trẩu…); vùng thấp trồng những cây gỗ lớn nhanh, cho năng suất cao, đa mục đích, đa tác dụng (như quế, bồ đề, trẩu…). Tập trung phát triển cây trồng chủ lực, hướng đến việc xây dựng chứng chỉ rừng, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị.
Mùa xuân khởi đầu với Tết trồng cây để những cánh rừng xanh mãi. Lào Cai sẽ tiếp tục hưởng ứng và tham gia phong trào trồng cây gây rừng như lời Bác dạy, góp phần cùng với cả nước hoàn thành mục tiêu trồng 1 tỷ cây xanh “vì một Việt Nam xanh” vào năm 2025.