Vở diễn kể về vị hoàng đế đầu tiên của nước Đại Cồ Việt – Đinh Tiên Hoàng. Từ khi còn là cậu bé chăn trâu, Đinh Bộ Lĩnh đã thông minh, lanh lợi khác thường. Những buổi chăn trâu, Đinh Bộ Lĩnh thường nghĩ ra các trò chơi đánh trận giả, lấy lưng trâu làm ngai vàng, ngọn lau làm cờ chiến, chia đám mục đồng thành hai phe để “tham chiến” rất sôi nổi. Với bản tính sáng dạ và mạnh mẽ, Đinh Bộ Lĩnh luôn xưng “vua” với đám trẻ chăn trâu.
Từ kịch bản của tiến sĩ Nguyễn Đăng Chương, NSƯT Đăng Tiến đã chuyển thể kịch bản múa rối một cách khéo léo, tinh tế, đặc biệt là giai đoạn vua Đinh Tiên Hoàng còn là cậu bé chăn trâu Đinh Bộ Lĩnh. Với không gian thuỷ đình và tạo hình rối ngộ nghĩnh, dễ thương, các nhân vật trong vở diễn trở nên sinh động, hấp dẫn. Nghệ sĩ Xuân Long, Đạt Phú đã dành rất nhiều thời gian nghiên cứu lịch sử, nghiên cứu kịch bản để tạo hình rối các nhân vật làm sao vừa quen thuộc, vừa mới lạ, vừa đúng với hình dung của khán giả khi đọc vad xem sử, nhưng vẫn mang những nét ngộ nghĩnh, đáng yêu của nghệ thuật múa rối.
Các nghệ sĩ đã tập luyện ngày đêm để kịp thời gian ra mắt vở, cũng là để tham gia Liên hoan sân khấu Thủ đổ mở rộng 2024. Vở diễn không chỉ hấp dẫn bởi kịch bản hay, âm nhạc ấn tượng, mỹ thuật, tạo hình rối bắt mắt mà còn là sự diễn xuất của dàn nghệ sĩ tài năng như Lê Văn, Đăng Nhân, Bình Minh (vai Đinh Bộ Lĩnh), Thu Giang, Phương Linh (vai Đàm Thị), Văn Phức, Siu Anh Sơn (vai Đinh Thúc Dự), Công Mạnh (vai Nguyễn Bặc), Ngọc Linh (vai Lưu Cơ), Thanh Hiếu (vai Đinh Điền), Đức Duy (vai Trịnh Tú),… cùng dàn diễn viên đoàn 2 Nhà hát múa rối Thăng Long trình diễn.
NSƯT Thanh Hiền – Giám đốc Nhà hát - chỉ đạo nghệ thuật vở diễn cho biết: “Chúng tôi đã đầu tư rất kỹ càng ở tất cả mọi khâu cho vở diễn này. Ban giám đốc Nhà hát đã chọn lọc kỹ lưỡng từ kịch bản, đạo diễn, diễn viên đến các khâu như âm thanh, ánh sáng, mỹ thuật, tạo hình rối,… tất cả đều được tiến hành một cách tỉ mỉ, chỉn chu một cách đầy trách nhiệm và tâm huyết. Là một vở diễn đề tài lịch sử nên càng phải cẩn thận và chuẩn chỉ từng chi tiết. Cả ekip đã quyết tâm cao độ khi thực hiện vở diễn này với mong muốn mang lại cho khán giả, đặc biệt là khán giả nhí và khán giả nước ngoài những góc nhìn mới mẻ và chính xác về lịch sử. Thông qua ngôn ngữ trình diễn của nghệ thuật múa rối, các nghệ sĩ không chỉ mang lại cho người xem những phút giây thư giãn, giải trí mà còn truyền đi thông điệp về lịch sử dựng nước và giữ nước của cha ông ta từ ngày xưa. Bên cạnh đó là bảo tồn và phát huy những giá trị văn hoá, nghệ thuật truyền thống góp phần làm nên bản sắc Việt Nam”.
Vở rối "Hoàng đế cờ lau" sẽ khai màn tối 5/11/2025 tại sân khấu múa rối nước Hoàng Thành Thăng Long, đây cũng là đêm thi diễn của Nhà hát trong khuôn khổ Liên hoan sân khấu Thủ đô mở rộng 2024.