
Theo báo cáo của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT và TKCN) tỉnh, mưa lũ và sạt lở đất trong ngày 7/8 khiến 1 người tử vong và 1 người mất tích; 104 ngôi nhà bị ảnh hưởng, 2 tuyến quốc lộ và nhiều tuyến đường tỉnh, đường huyện bị sạt lở, gây ách tắc giao thông.
Cụ thể, thiệt hại về người, có 1 người bị chết (xã Gia Phú, huyện Bảo Thắng) do trượt lở đất gây sập đổ nhà và 1 trường hợp bị mất tích (xã Hợp Thành, thành phố Lào Cai) do bất cẩn trượt chân bị nước cuốn trôi.
Thiệt hại về nhà ở, có 104 ngôi nhà bị ảnh hưởng (thành phố Lào Cai 103 nhà, huyện bảo Thắng 1), trong đó: 9 nhà bị sạt ta luy phía sau, 94 nhà bị ngập úng cục bộ, 1 nhà bị sét đánh gây hư hỏng đường điện và đồ điện tử trong nhà.

Thiệt hại về sản xuất nông, lâm nghiệp: Diện tích lúa bị ngập là 139,5 ha (thành phố Lào Cai 39 ha, Bảo Thắng 100,5 ha); diện tích ngô, hoa màu bị ngập úng là 56 ha (thành phố Lào Cai 26 ha, huyện Bảo Thắng 30 ha); diện tích ao nuôi thủy sản bị thiệt hại là 0,91 ha (thành phố lào Cai); số lượng trâu bị lũ cuốn trôi là 5 con (huyện Văn Bàn)…
Thiệt hại về cơ sở hạ tầng Giao thông: Sáng 7/8, trên Quốc lộ 4D xảy sạt lở taluy dương 1 vị trí tại Km109+180 (phường Hàm Rồng, thị xã Sa Pa) với tổng khối lượng khoảng trên 200 m3 (gây tắc đường cục bộ); đất bùn tràn ra mặt đường 1 vị trí tại Km114+500 (xã Trung Chải, thị xã Sa Pa), khối lượng khoảng 750 m3 (gây tắc đường, đã thông xe lúc 15h ngày 7/8/2023); ngập úng cục bộ tại Km135+300 thuộc xã Đồng Tuyển, thành phố Lào Cai (do nước suối dâng cao, gây tắc đường, đã thông xe lúc 15h ngày 7/8/2023); sạt lở taluy dương 18 vị trí trên Tỉnh lộ 152, với khối lượng đất, đá ước tính gần 4.700 m3 (trong đó, có 5 vị trí sạt lở gây tắc đường).

Về đường do huyện, xã quản lý (thành phố Lào Cai, Văn Bàn, Sa Pa, Bảo Thắng), ngập úng cục bộ 13 điểm, sạt lở 7 tuyến; có 1 cầu dân sinh bê tông bị sập (tổ 11, phường Nam Cường, TP Lào Cai).
Ngay sau khi xảy ra mưa lũ và sạt lở đất, Sở Giao thông vận tải – Xây dựng và các địa phương đã tổ chức triển khai ngay công tác tìm kiếm cứu nạn người bị lũ cuốn và sạt lở đất vùi lấp; đưa người dân ra khỏi vùng nguy hiểm; bố trí phương tiện, nhân lực san gạt đất đá, sửa chữa tạm thời các tuyến đường bị sạt lở, sụt sạt để thông xe đảm bảo giao thông.

Để chủ động trong công tác phòng ngừa, ứng phó trước các loại hình thiên tai có thể xảy ra, Ban chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục theo dõi diễn biến thời tiết, cảnh báo đến người dân, đồng thời triển khai các biện pháp phòng, tránh, khắc phục thiệt hại kịp thời.