Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái đã thành lập Ban chỉ đạo để triển khai thực hiện phong trào này. Ban chỉ đạo của tỉnh xây dựng kế hoạch triển khai phong trào phối hợp với các cuộc vận động "Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục", "Mỗi thầy giáo, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo", "Học sinh tham gia tìm hiểu, chăm sóc và phát huy giá trị các di tích lịch sử, văn hóa ở địa phương, góp phần làm cho di tích ngày một đẹp hơn".
Ban chỉ đạo cũng chỉ đạo các trường học thường xuyên tổ chức hoạt động văn nghệ, thể thao, khuyến khích sự tham gia chủ động, tự giác thực hiện của học sinh; tổ chức các trò chơi dân gian, các hoạt động vui chơi, giải trí phù hợp với lứa tuổi học sinh, vì mỗi học sinh không chỉ là đối tượng giáo dục trí tuệ, thể chất mà qua hoạt động này, các em lại chính là người phổ biến và nuôi dưỡng, duy trì, phát huy giá trị văn hóa dân tộc.
Như vậy, việc đưa những hoạt động văn hóa, thể thao, vui chơi giải trí vào trường học một cách phù hợp với lứa tuổi học sinh vừa giúp học sinh được vui chơi, thích thú khi được đến trường, tăng cường sức khỏe, phát triển, giao lưu, tiếp xúc vừa là hoạt động hình thành nhân cách cho các em. Bên cạnh đó, triển khai mạnh mẽ việc đổi mới phương pháp dạy học phù hợp với tâm lý lứa tuổi, điều kiện vùng miền, lồng ghép các hoạt động và tích hợp các nội dung xã hội; xây dựng trường học ngày càng xanh - sạch - đẹp, thi đua bảo vệ môi trường sống, môi trường học tập văn hóa, lành mạnh và tốt đẹp.
Tuy nhiên, phong trào này thời gian qua vẫn còn chìm lắng. Nhiều trường phổ thông vẫn chưa xây dựng được kế hoạch cũng như triển khai hoạt động, chưa có những hoạt động thực sự có hiệu quả và chất lượng. Hoạt động của Ban chỉ đạo cũng chưa chủ động, tích cực; sự phối hợp chưa chặt chẽ, nhịp nhàng; chưa thu hút được đông đảo học sinh tham gia; chưa phát huy được tiềm năng, thế mạnh văn hóa của địa phương; chưa có những hoạt động phong trào chung để thu hút sự tham gia của các trường và học sinh.
Để thực hiện tốt phong trào thi đua này, cần tập trung nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất, tạo điều kiện cho học sinh khi đến trường được vui vẻ, thoải mái, an toàn, thân thiện; tăng cường sự tham gia hưởng ứng phong trào của học sinh một cách hứng thú, tự nguyện, không gò ép; không gây áp lực quá tải trong công việc của nhà trường và phải phù hợp với điều kiện của cơ sở.
Phong trào thi đua "Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực" là sự tiếp thu có chọn lọc từ thực tiễn của sự nghiệp giáo dục trong thời gian qua và trong quá trình hội nhập quốc tế; là một mô hình sinh hoạt văn hóa trong trường học rất nhân văn.
Thực hiện tốt phong trào này sẽ đem lại hiệu quả, thành công cho nền giáo dục và khắc phục sự thụ động, phát huy tính chủ động, sáng tạo của học sinh trong học tập và tham gia vào các hoạt động xã hội.
Đây chính là chủ trương tổ chức sinh hoạt văn hóa rất bổ ích trong nhà trường, góp phần quan trọng trong việc hình thành, phát triển nhân cách học sinh; sớm giúp các em có ý thức công dân và thái độ chủ động hội nhập quốc tế, biết gìn giữ và bảo tồn các giá trị văn hóa của dân tộc.
Hồng Vân