Ngày 8/5, lãnh đạo UBND thị trấn Đại Nghĩa (huyện Mỹ Đức, thành phố Hà Nội) thông tin về sự việc liên quan đến đoạn clip ghi lại cảnh tài xế ô tô mở cửa xe làm 2 người đi xe máy ngã ra đường sau đó bị ô tô khác đâm trúng. Cụ thể, khoảng 15 giờ ngày 6/5, xe taxi đỗ ở phố Tế Tiêu (đoạn đường đê Đáy) để trả khách. Xe này đỗ một nửa trên vỉa hè, phần còn lại vẫn nằm dưới lòng đường. Sau đó, nam tài xế mở cửa ghế lái (phía giáp mặt đường) thì một xe máy chở theo 2 người lao tới, đâm vào cửa xe.
Hai người trên xe máy ngã ra đường. Lúc này, một ô tô khác đi hướng ngược lại lao tới đâm trúng khiến người cầm lái xe máy là nam giới bị thương, còn người phụ nữ phía sau bị bánh ô tô chèn qua và tử vong sau đó.
Trong thời gian qua đã xảy ra không ít vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng dẫn đến chết người mà nguyên nhân xuất phát từ việc mở cửa xe ô tô bất cẩn. Có thể kể ra một số trường hợp như tại xã Đà Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An xảy vụ tai nạn khiến 1 phụ nữ tử vong. Bà H.T.T (SN 1978, xã Đà Sơn) điều khiển xe đạp điện lưu thông trên quốc lộ 46, hướng Đô Lương - Thanh Chương thì bất ngờ một xe ô tô con mở cửa xe khiến bà T đâm vào cánh cửa và ngã ra đường. Không may lúc đó, một chiếc xe tải lưu thông cùng chiều đi đến không tránh kịp đã cán qua người của nạn nhân.
Còn tại TP.HCM, một cô gái trẻ đã chết tức tưởi chỉ vì hành khách đi Grabcar mở cửa xe bất cẩn. Người gây ra tai nạn là chị Thái Phương N (24 tuổi, ở quận 3). N đón xe Grabcar di chuyển đến nơi làm việc, đến đường Bà Hạt, ô tô dừng lại để N xuống xe. Khi N vừa mở cửa ô tô để xuống xe thì chị L.N.H (20 tuổi, ở quận Tân Phú) đi xe máy cùng chiều tới đã tông trúng cửa ô tô, ngã xuống đường. Lúc này, một xe tải nhỏ lưu thông hướng ngược lại đi đến. Do tình huống bất ngờ, lái xe đã đâm trúng chị H. Dù được đưa đi cấp cứu kịp thời nhưng do bị thương quá nặng nên chị H đã tử vong.
Với hơn 10 năm kinh nghiệm lái xe ô tô, bạn đọc Nguyễn Tuyết Minh, sống tại quận Nam Từ Liêm, Hà Nội chia sẻ: Theo tôi, lái xe và những người ngồi trên xe phải kiểm soát được việc mở cửa, đóng cửa để đảm bảo an toàn. Khi dừng xe, trước khi rời khỏi xe phải quan sát qua gương hoặc phải quay đầu lại để quan sát có chướng ngại vật hay người ở đằng sau mình. Khi thấy rằng đảm bảo an toàn, không có ai tiến tới đằng sau thì mới có hành động mở cửa để rời xe.
Trong khi đó, bạn đọc Trần Ngọc Nga, sống tại thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên nêu ý kiến: “Không ít lần đưa đón cháu đi học, tôi chứng kiến cảnh đường đông nhưng lái xe taxi, xe ô tô 4 chỗ dừng đỗ vội vàng, mở cửa xe bất cẩn. Lời khuyên dành cho các tài xế ô tô là nên quan sát kĩ người đi đường trước khi xuống xe, bởi chỉ một vài phút lơ là, rất có thể sẽ khiến những người tham gia giao thông gặp va chạm, thậm chí tai nạn đáng tiếc”.
Người gây tai nạn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự
Xét về góc độ pháp lý, trao đổi với phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, luật sư Trương Anh Tuấn, đoàn luật sư thành phố Hà Nội cho biết việc mở cửa khi dừng xe, đỗ xe trên đường phải tuân thủ quy định về an toàn giao thông đường bộ.
Theo điểm d và điểm đ khoản 3 Điều 18 Chương II Luật Giao thông đường bộ 2008 (Luật số: 23/2008/QH12 ngày 13/11/2008) nêu rõ người điều khiển phương tiện khi dừng xe, đỗ xe trên đường bộ phải thực hiện quy định sau đây: Sau khi đỗ xe, chỉ được rời khỏi xe khi đã thực hiện các biện pháp an toàn; nếu xe đỗ chiếm một phần đường xe chạy phải đặt ngay biển báo hiệu nguy hiểm ở phía trước và phía sau xe để người điều khiển phương tiện khác biết; Không mở cửa xe, để cửa xe mở hoặc bước xuống xe khi chưa bảo đảm điều kiện an toàn.
Về mức xử phạt, theo quy định tại điểm g khoản 2 Điều 5 Mục 1 Chương II Nghị định 100/2019/NĐ-CP về mức xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi mở cửa xe như sau: Phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng đối với người điều khiển xe thực hiện hành vi vi phạm sau đây: dừng xe, đỗ xe trên phần đường xe chạy ở đoạn đường ngoài đô thị nơi có lề đường rộng; dừng xe, đỗ xe không sát mép đường phía bên phải theo chiều đi ở nơi đường có lề đường hẹp hoặc không có lề đường; dừng xe, đỗ xe ngược với chiều lưu thông của làn đường; dừng xe, đỗ xe trên dải phân cách cố định ở giữa hai phần đường xe chạy; đỗ xe trên dốc không chèn bánh; mở cửa xe, để cửa xe mở không bảo đảm an toàn…
Luật sư Tuấn phân tích, bên cạnh phạt tiền, người mở cửa xe không bảo đảm an toàn, gây tai nạn cho người khác còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung được quy định tại điểm c khoản 11 Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP là tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 2-4 tháng.
Trường hợp lái xe, người ngồi trên ô tô mở cửa xe khi chưa đảm bảo điều kiện an toàn mà dẫn tới tai nạn nghiêm trọng như làm chết 1 người hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 1 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên; gây tai nạn rồi bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm hoặc cố ý không cứu giúp người bị nạn; gây thiệt hại về tài sản có giá trị từ 100 triệu đồng đến 1,5 tỷ đồng… thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ” theo Điều 260 Mục 1 Chương XXI Bộ luật Hình sự năm 2015 với khung hình phạt từ phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1-15 năm…
Ngoài ra, người mở cửa xe ô tô không đảm bảo an toàn, gây tai nạn cho người khác còn phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại được quy định tại Điều 584 Mục 1 Chương XX Bộ luật Dân sự 2015 (Luật số: 91/2015/QH13 ngày 24/11/2015), cụ thể, căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại: Người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác; Người gây thiệt hại không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp thiệt hại phát sinh là do sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác; Trường hợp tài sản gây thiệt hại thì chủ sở hữu, người chiếm hữu tài sản phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại, trừ trường hợp thiệt hại phát sinh theo quy định tại khoản 2 Điều này.
“Hành vi mở cửa xe ô tô không đảm bảo an toàn là lỗi từ người mở cửa xe, có thể là lái xe hoặc người ngồi trên xe. Do đó, để mở cửa xe an toàn người tham gia giao thông cần chú ý: Khi mở cửa, người ngồi trên xe cần quan sát kỹ phía trước và phía sau bằng mắt thường và qua gương chiếu hậu; mở cửa một cách từ từ, người ra đến đâu cửa mở ra đến đó chứ không mở hết cửa”, luật sư Tuấn khuyến cáo.