Mạo danh luật sư, giả mạo thông báo của Bộ Tài chính để lừa đảo

Thời gian gần đây, trên mạng xã hội facebook tràn ngập các fanpage, đối tượng mạo danh luật sư, Bộ Tài chính lừa đảo lấy lại tiền cho nạn nhân đã bị lừa.

Thời gian qua, xuất hiện một số tài khoản facebook mạo danh các công ty luật, luật sư đăng tải nhiều video, bài viết có nội dung cảnh báo về phương thức, thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Các tài khoản này lồng ghép quảng cáo các dịch vụ tiếp nhận hồ sơ, hỗ trợ lấy lại tiền bị treo, thu hồi tiền lừa đảo... với cam kết chỉ thu tiền sau khi người dân đã lấy lại được tiền lừa đảo.

Thế nhưng, trên thực tế mục tiêu của các đối tượng này lại là tiếp tục lừa đảo người đã bị lừa thêm một lần nữa.

Trong vai một người có nhu cầu lấy lại tiền, phóng viên đã liên hệ với một tài khoản facebook có tên Công ty luật Nguyên Khanh (tài khoản facebook này có những biểu hiện như trên). Tài khoản facebook này hướng dẫn người có nhu cầu lấy lại tiền trao đổi trực tiếp với “luật sư” của Công ty là facebook có tên Nguyễn Huy Khánh. Sau đó, chỉ trao đổi qua vài thông tin như: tên, tuổi, địa chỉ, số tiền bị lừa đảo… đối tượng này đã khẳng định số tiền bị lừa đảo đang bị treo trên hệ thống và có thể lấy lại được.

Tiếp đó, tài khoản facebook Nguyễn Huy Khánh đã “gom” tất cả những người có nhu cầu lấy lại tiền bị lừa đảo vào một nhóm trò chuyện kín trên mạng xã hội facebook.

Tại nhóm này, tài khoản Nguyễn Huy Khánh hướng dẫn mọi người nộp số tiền 3 triệu đồng vào tài khoản của Công ty với lý do để xác nhận tài khoản. Tài khoản này còn làm giả một thông báo của Bộ Tài chính để tạo niềm tin cho những người muốn lấy lại tiền với nội dung: Dưới đây là số tài khoản đại diện hợp pháp – liên kết hệ thống, mời bạn thanh toán 3.000.000 VND, tên tài khoản Công ty TNHH BINACA CRYPTO, số tài khoản 66661994, ngân hàng Techcombank.

Đối tượng lừa đảo giả mạo thông báo của Bộ Tài chính. (Ảnh chụp màn hình)

Khi phóng viên đưa ra một số cảnh báo với người trong nhóm thì liền bị kích khỏi nhóm chat.

Sau đó, tìm hiểu thêm qua một số người trong nhóm, chúng tôi được biết có người đã chuyển tiền theo hướng dẫn của đối tượng lừa đảo và rơi vào tình trạng “tiền mất tật mang”.

Trước đó, Luật sư Nguyễn Anh Tuấn - Đoàn luật sư TP. Đà Nẵng cho biết ông và Công ty luật đã gặp phiền toái với kẻ mạo danh. Theo luật sư Tuấn, ông lập hai trang Facebook và một fanpage. Gần đây, luật sư Tuấn được một số khách hàng liên hệ để hỏi, nhờ tư vấn: "Luật sư có khả năng lấy lại tiền bị lừa đảo trên mạng Internet không?". Trong khi đó, theo Luật sư Tuấn, chưa một lần nào tư vấn hay thực hiện việc lấy lại tiền cho những người bị lừa đảo trên mạng... Luật sư Tuấn tìm hiểu thì biết có hai tài khoản Facebook đã sử dụng 23 hình ảnh của ông và công ty, tự nhận tư vấn online cho các trường hợp bị mất tiền, lấy lại tiền bị lừa đảo trên mạng… Sau đó luật sư Tuấn đã trình báo sự việc với cơ quan công an.

Tình trạng lừa đảo trên đã diễn ra trong một thời gian dài, Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Bộ Công an đã khuyến cáo người dân, đặc biệt là các nạn nhân đã bị lừa đảo, chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng: Tuyệt đối không nghe theo, không liên hệ với các website, fanpage, tài khoản mạng xã hội quảng cáo dịch vụ “tiếp nhận hồ sơ”, “hỗ trợ lấy lại tiền bị treo”, “thu hồi tiền lừa đảo”... trên không gian mạng; Không chuyển tiền cho các đối tượng trên để được hướng dẫn, hoàn thiện hồ sơ.

Hiện nay, Bộ Công an và các đơn vị liên quan cũng không phối hợp, ủy quyền cho bất cứ đơn vị nào để hướng dẫn, nhận hồ sơ của người dân về các vụ việc lừa đảo, chiếm đoạt tài sản qua các mạng xã hội. Người dân cần trực tiếp đến các cơ quan Công an để trình báo hoặc gửi đơn, thư theo đường bưu chính về các vụ việc lừa đảo mà mình là nạn nhân để được tiếp nhận, giải quyết.

Theo congthuong.vn

Có thể bạn quan tâm

Tin cùng chuyên mục

Thế hệ lệ thuộc AI

Thế hệ lệ thuộc AI

Sau một thời gian tìm hiểu và sử dụng các công cụ trí tuệ nhân tạo (AI) để phục vụ cho việc học tập, nhiều học sinh thừa nhận rằng họ đang bị phụ thuộc vào sự trợ giúp này. AI dù mang đến cơ hội lớn trong việc cá nhân hóa học tập, song đi kèm đó là những thách thức về đạo đức, pháp lý, năng lực ứng dụng, và đặc biệt là sự công bằng trong tiếp cận công nghệ.

Sữa giả và những hiểm họa khôn lường với sức khỏe cộng đồng

Sữa giả và những hiểm họa khôn lường với sức khỏe cộng đồng

Trong thời gian gần đây, hàng loạt đường dây sản xuất, buôn bán sữa giả quy mô lớn bị phát hiện và triệt phá, phản ánh thực trạng đáng báo động về mức độ phổ biến và nguy hiểm của nạn sữa giả tại Việt Nam. Hành vi này không chỉ vi phạm pháp luật, gây thiệt hại kinh tế, mà còn là mối đe dọa nghiêm trọng đến sức khỏe cộng đồng, đặc biệt là nhóm đối tượng dễ tổn thương như trẻ em, phụ nữ mang thai, người cao tuổi và những người có hệ miễn dịch yếu.

Bẫy lừa từ những cuộc gọi Lockchip, Lock247…

Bẫy lừa từ những cuộc gọi Lockchip, Lock247…

Gần đây, nhiều người dân phản ánh nhận được các cuộc gọi hiển thị dưới dạng Lockchip, Lock247… thay vì số điện thoại thông thường. Đây là hình thức lừa đảo mới, khiến nhiều người hoang mang vì không rõ ai đứng sau những số này và tại sao kẻ gian có thể sử dụng chúng để thực hiện hành vi lừa đảo?

fb yt zl tw