Gần 3 sào diện tích trồng rau an toàn của gia đình chị Nguyễn Thị Lan, thôn Đa Cốc, xã Vĩnh Kiên, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái đang là một mô hình cho hiệu quả kinh tế cao. Chị là một trong 30 hội viên của Hội Phụ nữ xã đã tham gia lớp tập huấn về trồng rau an toàn theo mô hình “Liên kết thí điểm bao tiêu sản phẩm rau an toàn phụ nữ sau học nghề” do Trung tâm Giới thiệu việc làm phụ nữ tỉnh Yên Bái tổ chức tại xã năm 2013.

Mô hình trồng rau của gia đình chị Nguyễn Thị Lan, thôn Đa Cốc cho hiệu quả kinh tế cao.
Hiện nay, toàn xã Vĩnh Kiên có gần 20 mô hình trồng rau an toàn. Mùa nào, thức ấy, chị em đã chọn những loại rau, củ, quả phù hợp với đất đai của địa phương và nhu cầu thị trường, việc trồng và chăm sóc được thực hiện đúng quy trình được tập huấn. Sau gần 3 năm, mô hình rau an toàn đã cho thấy hiệu quả rõ rệt, tạo công ăn việc làm ổn định và tăng thu nhập cho nhiều gia đình hội viên phụ nữ.
Cùng với Vĩnh Kiên, từ năm 2013 đến nay, Trung tâm Giới thiệu việc làm phụ nữ tỉnh đã tổ chức được 10 lớp tập huấn về sản xuất rau an toàn cho các xã, thôn ở thị xã Nghĩa Lộ, huyện Yên Bình, huyện Lục Yên và thành phố Yên Bái. Cửa hàng cung cấp thực phẩm an toàn là nơi chuyên bao tiêu rau cho các hội viên phụ nữ ở đường Thanh Liêm, phường Yên Thịnh, thành phố Yên Bái. Tên gọi của cửa hàng đã cho thấy nguồn gốc rau cung ứng để người tiêu dùng có thể yên tâm khi lựa chọn các sản phẩm.

Việc trồng và chăm sóc rau được thực hiện đúng quy trình tập huấn đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho các hội viên
Khi mà người tiêu dùng ngày càng “khát” những sản phẩm sạch, rau đảm bảo chất lượng thì mô hình liên kết thí điểm bao tiêu sản phẩm rau an toàn cho phụ nữ sau học nghề đã mang đến cho người tiêu dùng sự yên tâm về chất lượng. Đồng thời, tạo cho chị em ý thức, lương tâm và trách nhiệm của người sản xuất thực phẩm, đảm bảo chuỗi liên kết sản xuất – kinh doanh, giữ được uy tín cho sản phẩm mình làm ra, tăng mức thu nhập, góp phần đưa kinh tế, xã hội địa phương ngày càng phát triển.
Thanh Chi – Ngọc Sơn