Mong sớm có Luật Nhà giáo
Thầy giáo Bùi Quốc Bình, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thiện Kế A, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc nhận định, khi có Luật Nhà giáo sẽ giải quyết những bất cập và vướng mắc hiện tại về đội ngũ giáo viên. Qua đó, tiếp tục củng cố, nâng cao vai trò, vị thế của nhà giáo trong xã hội. Đồng thời, xây dựng đội ngũ nhà giáo ngang tầm với khu vực và thế giới. Đây là vấn đề không chỉ có đội ngũ nhà giáo mà phụ huynh, học sinh cả nước kỳ vọng.
Cùng chung nhận định trên, cô giáo Trần Thị Thẩm, giáo viên Trường Tiểu học Hương Canh A, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc cũng cho rằng, Luật Nhà giáo nên được ban hành càng sớm càng tốt.
Bởi lẽ, hiện nay, ngành Giáo dục đang được Đảng, Nhà nước và toàn xã hội rất quan tâm. Nhiều Thông tư, Nghị định đã được ban hành với mục đích thay đổi, nâng cao chất lượng giáo dục…Tuy nhiên, đời sống của nhà giáo còn nhiều khó khăn, đặc biệt là nhà giáo giảng dạy ở vùng miền núi cao, biên giới, hải đảo... Để giải quyết vấn đề trên, cần thiết phải có Luật Nhà giáo với những cơ chế, chính sách cụ thể.
Cô Trần Thị Thẩm mong muốn sau khi Luật Nhà giáo được ban hành, giáo viên có thể sống được bằng lương, xứng đáng với tâm huyết, công sức mình bỏ ra, phù hợp với vị trí, vai trò của nhà giáo. Từ đó, tạo động lực để nhà giáo yên tâm công tác, tận tâm hơn nữa với sự nghiệp “trồng người” cao quý.
Một ý kiến nữa, cô giáo Nguyễn Thị Ngọc Mai, giáo viên Trường Tiểu học Hương Canh A, huyện Bình Xuyên, Vĩnh Phúc cho rằng, Luật Nhà giáo ra đời sẽ là cơ sở pháp lý quy định một cách cụ thể quyền và nghĩa vụ của nhà giáo, có tính bắt buộc chung, từ đó sẽ mang lại nhiều lợi ích cho đội ngũ giáo viên ở các trường nói chung và đặc biệt là giáo viên cấp tiểu học nói riêng.
“Luật sẽ góp phần nâng cao vị thế của nhà giáo bằng cách cụ thể hóa quyền và nghĩa vụ của nhà giáo. Tạo ra một khung pháp lý rõ ràng, giúp người giáo viên hiểu rõ hơn về vai trò và trách nhiệm của mình”, cô Nguyễn Thị Ngọc Mai khẳng định.
Giờ học tại Trường Tiểu học Thiện Kế A, huyện Bình Xuyên, Vĩnh Phúc.
Giao quyền tự chủ trong giảng dạy
Một trong những chính sách quan trọng trong dự thảo Luật Nhà giáo được Bộ GD&ĐT đề nghị xây dựng gồm các quy định về định danh, tiêu chuẩn, quy chuẩn, quyền và nghĩa vụ của nhà giáo.
Theo đó, sẽ xác định các vấn đề cơ bản liên quan đến chuẩn nghề nghiệp, chuẩn chức danh nhà giáo làm cơ sở để quản lý và sử dụng nhà giáo, đảm bảo sự bình đẳng giữa nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập và nhà giáo trong các cơ sở giáo dục ngoài công lập.
Bên cạnh đó, xác định quyền lợi và nghĩa vụ của nhà giáo; tăng cường quyền tự chủ trong giảng dạy và giáo dục của nhà giáo; tăng cường nghĩa vụ của nhà giáo trong việc bảo vệ và hỗ trợ học sinh;...
Đối với vấn đề này, cô giáo Nguyễn Thị Ngọc Mai, giáo viên trường Tiểu học Hương Canh A cho rằng, Luật Nhà giáo cần xác định rõ quyền lợi và nghĩa vụ cụ thể của nhà giáo. Từ đó tạo ra một cơ sở pháp lý để bảo vệ quyền của nhà giáo trong quá trình giảng dạy và làm việc, nhất là quyền tự chủ của giáo viên.
Theo cô Mai, khi Luật Giáo Nhà giáo đi vào cuộc sống sẽ giúp giáo viên thêm tự tin, phát huy khả năng sáng tạo trong phương pháp giảng dạy. Việc tăng cường quyền tự chủ trong giảng dạy sẽ khuyến khích đổi mới và cải tiến trong giáo dục, tạo môi trường thuận lợi cho giáo viên thử nghiệm và áp dụng các phương pháp giảng dạy mới cũng như đưa ra các ý tưởng sáng tạo để cải thiện chất lượng giáo dục.
Nhiều thầy cô giáo cũng cho rằng, khi xây dựng Luật Nhà giáo, cần xác định rõ ràng hơn khái niệm, trách nhiệm, quyền lợi, chuẩn nghề nghiệp, chuẩn chức danh… của nhà giáo. Luật hóa những ưu tiên về lương, chính sách độ đãi ngộ, tôn vinh nhà giáo tương xứng với vị thế của ngành, nghề.
Ngoài những qui định về quyền tự chủ của nhà giáo, Luật cũng cần nêu rõ trách nhiệm và tính tự chủ của các trường học.
Giáo viên mong muốn Luật qui định cụ thể quyền tự chủ trong giảng dạy và giáo dục của nhà giáo. Ảnh: Trường TH Hương Canh A.
Tăng chính sách đãi ngộ
Chính sách đãi ngộ đối với nhà giáo là vấn đề được tất cả các thầy cô quan tâm. Thầy giáo Bùi Quốc Bình, Hiệu trưởng trường Tiểu học Thiện Kế A nêu ý kiến, nên đưa vào Luật Nhà giáo các quy định về chế độ, chính sách đãi ngộ, tôn vinh, khen thưởng nhà giáo.
“Nếu chúng ta mãi duy trì chế độ đãi ngộ, chế độ lương, phụ cấp cào bằng như hiện nay không chỉ tạo ra một sức ì lớn cho một bộ phận nhà giáo mà nhiều người cũng dễ mất dần đi động lực trong quá trình công tác, giảng dạy”, thầy Bình nhận định.
Các chế độ đãi ngộ, tôn vinh và khen thưởng tốt, công bằng sẽ tạo động lực để nhà giáo yên tâm công tác. Như vậy sẽ tạo ra những động lực để những nhà giáo tâm huyết, có chuyên môn tốt phấn đấu và cống hiến cho sự phát triển của ngành ngày một nhiều hơn.
Còn theo cô giáo Trần Thị Thẩm, giáo viên Trường Tiểu học Hương Canh A, chính sách đãi ngộ hiện nay vẫn còn chưa tương xứng với “chất xám” mà nhà giáo cống hiến. Các chính sách tiền lương đối với giáo viên mặc dù đã được các cấp, ngành quan tâm nhưng còn nhiều bất cập, chưa phù hợp với vị trí, vai trò của nhà giáo; chưa tạo động lực để nhà giáo gắn bó với nghề.
Nếu xã hội coi nhà giáo là nguồn nhân lực đặc biệt của đất nước, là "nhân lực của nhân lực" thì điều kiện làm việc của nhà giáo cần có sự sáng tạo, chính sách tiền lương, các chế độ đãi ngộ, tôn vinh, khen thưởng đối với nhà giáo cũng cần có các quy định riêng, tương xứng với vị thế và đặc thù lao động của nhà giáo.
“Tôi kỳ vọng sau khi Luật Nhà giáo có hiệu lực giáo viên sống được bằng lương và xứng đáng với tâm huyết, công sức mình bỏ ra”, cô giáo Trần Thị Thẩm mong muốn.
Cô giáo Nguyễn Thị Ngọc Mai, giáo viên trường Tiểu học Hương Canh A cho rằng, chính sách đãi ngộ, tôn vinh, khen thưởng nhà giáo, chính sách tiền lương, phụ cấp, trợ cấp, chế độ hưu trí, khám chữa bệnh, bảo hiểm xã hội của nhà giáo góp phần giữ chân, thu hút giáo viên tài năng, ngăn chặn tình trạng chảy máu chất xám trong ngành giáo dục.
Với chính sách đãi ngộ, phúc lợi hấp dẫn sẽ giữ chân giáo viên hiện tại và thu hút những người giáo viên có năng lực cao góp phần duy trì và nâng cao chất lượng giáo dục. Từ đó tạo ra một môi trường làm việc tích cực và ổn định, giúp giáo viên tập trung hơn vào công việc giảng dạy và hỗ trợ học sinh.
Ngoài ra, các chế độ trợ cấp, phụ cấp, hưu trí rõ ràng là cơ sở pháp lý để các trường thực hiện đúng quyền của nhà giáo, giáo viên; có cơ sở để bảo vệ quyền cũng như thực hiện các trách nhiệm giáo dục của mình.
Cô giáo Nguyễn Thị Ngọc Mai nêu quan điểm: Luật Nhà giáo nên quy định cụ thể về chế độ hưu trí và cần xem xét độ tuổi của giáo viên nghỉ hưu cho phù hợp với đặc thù nghề nghiệp.
Tiêu biểu như giáo viên cấp Tiểu học, đây là những người tham gia dạy học cho đối tượng các em học sinh từ 7 đến 11 tuổi. Hoạt động dạy học cần nhiều hoạt động năng động do đó cần có sức trẻ. Do đặc thù công việc, bản thân tôi thiết nghĩ độ tuổi nghỉ hưu phù hợp cho giáo viên tiểu học nên là 55 tuổi.