Luật điện lực sửa đổi: Tạo không gian phát triển mới cho điện hạt nhân

Theo chuyên gia, các dự án điện hạt nhân không chỉ mang lại cơ hội việc làm chất lượng cao mà còn giúp Việt Nam có thể tiếp cận công nghệ tiên tiến từ các nước phát triển để nâng cao trình độ kỹ thuật

Ngành điện cần phát triển mạnh mẽ, tạo đòn bẩy cho phát triển kinh tế của đất nước, đủ lực để vươn mình trong kỷ nguyên mới.
Ngành điện cần phát triển mạnh mẽ, tạo đòn bẩy cho phát triển kinh tế của đất nước, đủ lực để vươn mình trong kỷ nguyên mới.

Dự thảo luật điện lực (sửa đổi) đã được đưa ra thảo luận tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá 15. Tại Dự thảo Luật điện lực (sửa đổi) lần này đã đề cập tới việc đầu tư xây dựng và vận hành các dự án nhà máy điện hạt nhân.

Sự trở lại nghiên cứu nguồn điện có tính ổn định được nhiều chuyên gia đánh giá cao và cho rằng điện hạt nhân sẽ góp phần đảm bảo điện cho phát triển kinh tế-xã hội gắn với “mục tiêu kép” là chuyển đổi xanh và an ninh năng lượng của quốc gia.

Đặc biệt, tại phiên bế mạc Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII diễn ra ngày 25/11, Tổng Bí thư Tô Lâm cho biết Ban Chấp hành Trung ương thống nhất cao với chủ trương tái khởi động Chương trình điện hạt nhân tại Việt Nam và tiếp tục nghiên cứu Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận.

Đây là công việc quan trọng để phát triển hạ tầng năng lượng quốc gia, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước. Công việc này cần được thực hiện khẩn trương, đáp ứng yêu cầu cao nhất về đảm bảo an toàn và bảo vệ môi trường.

Đảm bảo an ninh năng lượng

Tại Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020 có xét đến năm 2030 (Quy hoạch điện VII), dự kiến từ năm 2020 đến năm 2030 Việt Nam sẽ đưa vào vận hành 5 nhà máy điện hạt nhân với tổng công suất 10.700MW (sản xuất khoảng 70,5 tỷ kWh, chiếm 10,1% sản lượng điện sản xuất).

Trong bối cảnh chuyển đổi xanh gắn với an ninh năng lượng, các nguồn điện truyền thống như từ thủy điện cơ bản đã khai thác hết, trong khi nguồn điện than giảm mạnh tiến tới không đầu tư; nguồn điện khí tự nhiên trong nước giảm sâu, khí LNG phụ thuộc hoàn toàn nhập khẩu; các nguồn điện từ năng lượng tái tạo như điện gió, điện Mặt trời tính bất định cao, phụ thuộc vào thời tiết; điện gió ngoài khơi cũng đang ở những bước sơ khởi, thử nghiệm… việc xem xét khởi động lại điện hạt nhân và “luật hóa” là cần thiết.

Theo ông Nguyễn Quân, nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, nếu không có quy định về phát triển điện hạt nhân trong Luật Điện lực thì sau này việc triển khai sẽ gặp rất khó khăn, bởi điện hạt nhân không phải ngày một ngày hai có thể làm được. Cụ thể hơn, từ công tác chuẩn bị, đào tạo đội ngũ chuyên gia, kể cả chuyên gia công nghệ và chuyên gia an toàn cũng như hạ tầng cho điện hạt nhân cần có thời gian rất dài.

“Trước đây khi nghiên cứu làm ở Ninh Thuận, chúng ta phải có bước chuẩn bị mất gần 15 năm. Còn bây giờ, nếu muốn làm điện hạt nhân thì có thể 10 năm sau mới khởi động được, chứ không thể làm ngay một lúc. Vì thế, nên có quy định ở trong Luật Điện lực,” ông Nguyễn Quân nói.

Với phân tích này, ông Nguyễn Quân cũng đề xuất cơ quan chức năng giao Bộ Tài nguyên và Môi trường khảo sát ngay tiềm năng về nhiên liệu hạt nhân của Việt Nam cũng như giao Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với các bộ, ngành khảo sát về tiềm năng xây dựng điện hạt nhân ở Việt Nam…

Theo nhiều chuyên gia, với sự phát triển của khoa học công nghệ, nhiều quốc gia trở lại và mở rộng phát triển điện hạt nhân nhằm đáp ứng nhu cầu điện sạch, thì việc nhập khẩu, dự trữ các thanh nhiên liệu cũng trở nên dễ dàng và kinh tế hơn rất nhiều so với việc nhập khẩu than đá hay khí đốt.

Dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 được hồi sinh và đưa vào khai thác ổn định, hiệu quả.
Dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 được hồi sinh và đưa vào khai thác ổn định, hiệu quả.

Ông Trần Anh Thái, Nguyên Giám đốc Trung tâm Điều độ hệ thống điện Quốc gia so sánh: nếu chạy một nhà máy nhiệt điện than phải tích trữ lượng 2 tuần và cần diện tích khá lớn để tích trữ nguyên liệu, nhưng với điện hạt nhân, có thể tích trữ 2 năm chỉ trong một chiếc vali.

“Đấy là về khía cạnh tích trữ năng lượng, mà khía cạnh tích trữ năng lượng là một trong những nội dung rất quan trọng trong việc đảm bảo an ninh năng lượng của một quốc gia trong một môi trường rất biến động. Khía cạnh thứ 2 là có thể với các công nghệ mới thì điện hạt nhân ngày càng trở nên an toàn hơn và rẻ hơn…,” ông nói.

Còn theo chuyên gia năng lượng Đào Nhật Đình, tuy nhiên liệu phải nhập khẩu nhưng mỗi lần nhập khẩu, điện hạt nhân có thể chạy được 3-4 năm, thậm chí là 5 năm. Do đó độ an toàn và ổn định về mặt thị trường sẽ tốt hơn so với điện than, điện khí… và ít phát thải carbon.

Tầm nhìn dài hạn

Điện hạt nhân được ví như một nguồn “năng lượng xanh” của tương lai. Tuy nhiên để có thể đạt được điều đó, phát triển điện hạt nhân phải tuyệt đối an toàn.

Theo Phó giáo sư, tiến sỹ Nguyễn Nhị Điền, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt, phải có đầy đủ 3 yếu tố, đó là công nghệ, khung pháp lý và con người vận hành và phải áp dụng một cách nghiêm túc các quy trình quy phạm sẽ đảm bảo an toàn.

Tại quy hoạch điện VII, Việt Nam đã tính toán, đưa tỷ trọng điện hạt nhân đạt hơn 10% sản lượng điện sản xuất, nhiều chuyên gia cho rằng, quy hoạch điện VIII có tính động/mở lớn sẽ phải xác định công suất nguồn điện hạt nhân ít nhất là tương đương...

Ông Nguyễn Thái Sơn, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Năng lượng Việt Nam (nguyên Chánh văn phòng Ban chỉ đạo Quốc gia về phát triển điện lực) cho rằng, Luật Điện được thông qua có ý nghĩa rất lớn đến phát triển của ngành điện, tạo hành lang pháp lý để các dự án điện phát triển nhanh chóng hơn theo đúng tiến độ đề ra.

Hơn nữa, Luật Điện lực sẽ góp phần nâng cao được tính hiệu quả trong công tác quản lý Nhà nước, đẩy mạnh phân cấp giữa Nhà nước, các cấp của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, phù hợp với đặc thù của ngành điện (tuy là ngành hạ tầng kỹ thuật nhưng có nhiều yếu tố thường xuyên thay đổi), để đáp ứng thường xuyên hơn trong việc cải tiến của khoa học kỹ thuật, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

Việc song hành giữa điện hạt nhân và điện năng lượng tái tạo là định hướng nổi bật để đảm bảo an ninh năng lượng và phát triển bền vững.
Việc song hành giữa điện hạt nhân và điện năng lượng tái tạo là định hướng nổi bật để đảm bảo an ninh năng lượng và phát triển bền vững.

Chuyên gia này đưa ra 3 lợi thế của điện hạt nhân, đó là khả năng cung cấp nguồn điện ổn định và liên tục, không phụ thuộc vào thời tiết, trong khi các nguồn năng lượng tái tạo khác như: điện gió, điện Mặt trời có thể bị gián đoạn do thời tiết bất ổn.

Mặt khác, việc song hành giữa điện hạt nhân và điện năng lượng tái tạo là định hướng nổi bật để đảm bảo an ninh năng lượng và phát triển bền vững. Đặc biệt, điện hạt nhân là nguồn năng lượng sạch (sạch hơn so với nguồn năng lượng hóa thạch hiện tại), trong khi việc sử dụng than đá và khí đốt tự nhiên không những gây ô nhiễm môi trường mà còn góp phần tăng lượng phát thải CO2.

“Điện hạt nhân không phát thải CO2 trực tiếp, giúp giảm thiểu biến đổi khí hậu, ô nhiễm không khí, do đó điện hạt nhân sẽ góp phần đạt trung hòa carbon như mục tiêu vào năm 2050 theo định hướng mà Chính phủ cam kết tại hội nghị COP26 về chống biến đổi khí hậu,” ông Nguyễn Thái Sơn nêu quan điểm.

Cũng theo chuyên gia này, phát triển điện hạt nhân sẽ góp phần thúc đẩy ngành công nghiệp, khoa học kỹ thuật tại Việt Nam. Hơn nữa, các dự án điện hạt nhân không chỉ mang lại cơ hội việc làm chất lượng cao mà còn giúp Việt Nam có thể tiếp cận công nghệ tiên tiến từ các nước phát triển để nâng cao trình độ kỹ thuật và quản lý của đội ngũ nhân lực.

Để hiện thực hóa kế hoạch phát triển điện hạt nhân trong tương lai, đại diện Hiệp hội Năng lượng Việt Nam cho rằng cần có sự chuẩn bị kỹ càng về mọi mặt. Từ việc phát triển cơ sở hạ tầng, đào tạo nhân lực đến xây dựng các cơ chế an toàn hạt nhân nghiêm ngặt để quản lý hệ thống chất thải hiệu quả hơn và tất cả đều phải thực hiện với chiến lược dài hạn, bài bản, thận trọng.

Đặc biệt, phải xây dựng văn hóa an toàn hạt nhân là một tiêu chí cứng cho mỗi nhân viên vận hành nhà máy cũng như đối với các cán bộ quản lý.

“Văn hóa an toàn hạt nhân sẽ là một nội dung rất quan trọng và đào tạo thành kỷ cương, tạo thành một văn hóa giáo dục song song với việc đào tạo bài bản con người cũng như nhận thức trong quá trình triển khai sắp tới,” ông Nguyễn Thái Sơn đề xuất.

Theo vietnamplus.vn

Có thể bạn quan tâm

Tin cùng chuyên mục

Nỗ lực phát triển Petrovietnam thành tập đoàn năng lượng quốc gia

Nỗ lực phát triển Petrovietnam thành tập đoàn năng lượng quốc gia

Tối 1/12, tại Trung tâm công nghiệp năng lượng và hậu cần kỹ thuật PTSC ở thành phố Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự chuỗi các sự kiện dầu khí và điện gió ngoài khơi do Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam), Tổng công ty Cổ phần Dịch vụ kỹ thuật dầu khí Việt Nam (PTSC) tổ chức.

Doanh nhân trẻ Lào Cai: Tiên phong đổi mới, kiến tạo giá trị

Doanh nhân trẻ Lào Cai: Tiên phong đổi mới, kiến tạo giá trị

Hội Doanh nhân trẻ tỉnh Lào Cai thành lập năm 2002, hiện có hơn 80 hội viên, đến nay đã qua 4 kỳ đại hội. Những năm qua, Hội Doanh nhân trẻ tỉnh Lào Cai đã làm tốt vai trò tập hợp, đoàn kết, đại diện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của hội viên, doanh nhân trên địa bàn. Các hội viên tích cực đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đồng thời tích cực tham gia hoạt động an sinh, nhất là hỗ trợ người nghèo, gia đình chính sách, hộ bị ảnh hưởng thiên tai, tai nạn, rủi ro.

[Ảnh] Đồng Tuyển: Nông thôn mới kiểu mẫu vùng ven đô

[Ảnh] Đồng Tuyển: Nông thôn mới kiểu mẫu vùng ven đô

Nằm ở cửa ngõ phía Tây bắc của thành phố Lào Cai, xã Đồng Tuyển đã cán đích nông thôn mới năm 2015, hoàn thành 19/19 tiêu chí nông thôn mới nâng cao năm 2024. Có được kết quả này, ngoài sự quan tâm chỉ đạo linh hoạt của các cấp còn là sự quyết tâm, đồng lòng của người dân.

fbytzltw