Cho đến giờ, trận lũ lịch sử đêm 12/9 đến rạng sáng 13/9 vẫn khiến người dân xã Liên Minh ám ảnh bởi thiệt hại do lũ gây ra quá lớn: 7 người chết, 6 người bị thương; ước thiệt hại về tài sản gần 150 tỷ đồng. Trong đó, thiệt hại về cơ sở hạ tầng hơn 41 tỷ đồng; thiệt hại về trồng trọt, chăn nuôi hơn 104 tỷ đồng; thiệt hại về nhà ở, tài sản khác gần 3 tỷ đồng.
Đã hơn 2 tháng cơn lũ lịch sử đi qua nhưng ông Phàn Dào Quẩy ở thôn Nậm Cang vẫn chưa hết bàng hoàng. Trong trận lũ đêm ấy, ông Quẩy bất lực chứng kiến cảnh tượng toàn bộ nhà cửa, tài sản của gia đình bị lũ cuốn trôi chỉ trong nháy mắt. Căn nhà sàn ba gian bằng gỗ rất đẹp vốn là niềm tự hào của gia đình ông Quẩy giờ chỉ trơ lại… mỗi chân móng.
Ngồi nhặt từng viên gạch, cọc sắt từ đống đổ nát, ông Quẩy đau xót kể: Cơn lũ đến nhanh quá, gia đình không kịp trở tay. Nhà cửa, vật dụng, trang trại nuôi cá theo dòng nước lũ trôi đi hết. Tài sản suốt 9 năm chắt chiu, xây dựng giờ chỉ còn lại đống đổ nát này.
Trong lúc khó khăn tưởng như không vực dậy được, gia đình tôi may mắn được bà con trong thôn giúp đỡ dọn dẹp, an ủi, động viên vượt qua giai đoạn khó khăn này.
Theo chia sẻ của ông Quẩy, trước mắt gia đình ông sẽ tiếp tục dọn dẹp, dựng lại nhà cửa. Sau đó, ông Quẩy dự định vay vốn để gây dựng lại trang trại nuôi cá hồi.
Những ngày này, đi dọc dòng suối Nậm Pá, Nậm Than, Nậm Cang dễ dàng bắt gặp cảnh người dân đang sửa chữa lại lán trại; hót dọn tàn tích của trận lũ... Tại Liên Minh, công việc dọn dẹp, khắc phục hậu quả do mưa lũ đều có sự chung tay giúp sức, hỗ trợ của làng xóm. Với những gia đình bị thiệt hại nặng, người dân cắt cử, phân công và dồn lực tham gia giúp đỡ.
Chị Phàn Lở Mẩy - người dân thôn Nậm Cang chia sẻ: "Gia đình tôi cũng bị thiệt hại do mưa lũ nhưng nhờ hỗ trợ của bà con nên đã sớm ổn định cuộc sống. Khi việc nhà đã xong, tôi cũng tham gia cùng mọi người giúp gia đình khác. Có như vậy, hậu quả do thiên tai để lại mới mau chóng được khắc phục".
Hơn 2 tháng đi qua, những mầm xanh đã bắt đầu nhú lên trên đống đổ nát. Bà con vùng lũ cũng bắt đầu quay về nhịp sống thường ngày, từng bước xây dựng lại cơ đồ đã bị cuốn trôi. Nhiều ngôi nhà, trang trại cá đã được tu sửa. Dù chưa thể trở về như thời điểm trước lũ nhưng người dân bắt đầu tái thiết lại những công trình để gieo vào đó hy vọng cho mùa sản xuất mới.
Với sự giúp sức của bà con trong thôn và người thân, gia đình chị Phàn Mắn Pú đã dựng lại được phần nào lán trại nuôi cá và cũng trở thành hộ đầu tiên của thôn Nậm Cang thả lại cá giống sau lũ. Trại cá gia đình chị Pú trước đây có 10 ao nuôi nhưng tất cả đã bị lũ vùi lấp, 4 ao bị cuốn trôi, hư hỏng hoàn toàn.
Sau lũ, gia đình chị Pú đã thuê máy xúc và huy động gần 10 người họ hàng, làng xóm tham gia dọn dẹp 6 ao nuôi bị vùi lấp. May mắn còn sót lại 6 bể cá này, bể thì đang phơi, bể thì được tận dụng làm chuồng nuôi tạm đàn lợn đen với niềm hy vọng có thêm “đồng ra, đồng vào” trong giai đoạn khó khăn sắp tới. Khi chúng tôi hỏi cuộc sống bây giờ thế nào, chị Pú thở dài nói: "Hơn 2 tháng nữa là tới tết Nguyên đán, chẳng biết lấy tiền đâu đón tết nữa...!"
Số tiền ít ỏi tích lũy được, gia đình chị Pú dùng để mua thêm cá tầm giống về ương. Khi cá khỏe hơn sẽ được đưa ra nuôi tại 1 trong 6 bể lớn ngoài kia. Chị Pú hy vọng từ chỗ cá này sẽ từng bước có vốn để xây dựng lại trại cá đã bị lũ dữ cuốn đi. Dù năm nay có thể sẽ là một năm “không có tết”, nhưng chị Pú vẫn tự tin nhắn nhủ chúng tôi: “Năm sau quay lại nhé, đàn cá này cuối năm sau là đủ lớn để xuất bán rồi”.
Cơn lũ lịch sử tại khu vực Nậm Cang, xã Liên Minh đã gây ra nhiều thiệt nặng nề về người và tài sản. Công tác khắc phục hậu quả là cả một câu chuyện dài, không thể trong ngày một ngày hai. Hiện chính quyền thị xã Sa Pa cùng với các phòng, ban chuyên môn và chính quyền địa phương đang xây dựng dự án hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả sau thiên tai để sớm ổn định lại cuộc sống.
Nói về công tác khắc phục hậu quả sau lũ, ông Phàn Phủ Seng, Chủ tịch UBND xã Liên Minh khẳng định địa phương đang huy động tối đa nguồn lực, từng bước thực hiện các phương án để sớm ổn định cuộc sống cho người dân. Đối với những hộ bị thiệt hại về nhà ở phải di chuyển khẩn cấp, xã đang chọn địa điểm phù hợp với quy hoạch sử dụng đất để sắp xếp tái định cư. Khi có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, hộ dân sẽ sớm dựng lại nhà, ổn định cuộc sống. Đối với cơ sở hạ tầng, địa phương đã xử lý, khắc phục tạm thời các tuyến đường giao thông bị sạt lở, các công trình cầu, ngầm bị hư hỏng, thiệt hại đảm bảo an toàn cho người và các phương tiện lưu thông phục vụ phát triển kinh tế - xã hội…
Ông Phàn Phủ Seng, Chủ tịch UBND xã Liên Minh cho biết: Việc bảo đảm ổn định cuộc sống của người dân sau mưa lũ là công việc cấp bách của cả hệ thống chính trị. Trong khi chờ phê duyệt, thẩm định nguồn vốn, xã đã làm nhà tạm cho người dân ở hoặc bố trí ở ghép với người thân, hàng xóm. Đồng thời, tuyên truyền, vận động người dân tiếp tục chung tay, góp sức khắc phục hậu quả do mưa lũ.
Với các dự án về khôi phục hạ tầng, khi được phê duyệt kinh phí, chúng tôi cố gắng, phấn đấu thực hiện dự án trong năm nay hoặc sang quý I năm 2024.
Để sớm khắc phục hậu quả mưa lũ, xã Liên Minh cũng kiến nghị Ủy ban MTTQ Việt Nam thị xã Sa Pa sớm triển khai việc phân bổ nguồn vốn từ các tổ chức, cá nhân ủng hộ để kịp thời hỗ trợ các hộ bị thiệt hại sớm ổn định cuộc sống.
Dù còn nhiều khó khăn và cần nhiều thời gian để “tái thiết” lại những hư hại, tổn thất do mưa lũ gây ra nhưng với ý chí, nghị lực của người dân cùng sự quan tâm của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp và các đoàn thể, tổ chức xã hội, nhịp sống đang từng bước trở lại với người dân xã Liên Minh.