Tham gia đoàn công tác có đại diện lãnh đạo các vụ, cục, văn phòng thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo; Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam.
Về phía tỉnh Lào Cai có các đồng chí: Vũ Xuân Cường, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Hoàng Quốc Khánh, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; Dương Đức Huy, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; Lý Bình Minh, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành liên quan.
Nhiều chuyển biến căn bản
Tại buổi làm việc, đồng chí Dương Bích Nguyệt, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo đã báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết số 29 trên địa bàn tỉnh Lào Cai.
Cụ thể, trong 10 năm qua, Tỉnh ủy Lào Cai đã ban hành 3 đề án (18 đề án thành phần); 20 cơ chế, chính sách đặc thù phát triển sự nghiệp giáo dục và đào tạo phù hợp với thực tiễn của Lào Cai; mỗi năm có hơn 135.000 học sinh được hưởng chính sách hỗ trợ. Quy hoạch, rà soát, sắp xếp mạng lưới trường, lớp phù hợp, đáp ứng tốt nhu cầu học tập của Nhân dân. Chú trọng công tác phổ cập giáo dục. Năm 2013, Lào Cai là 1 trong 7 tỉnh trong toàn quốc được công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi. Giai đoạn 2022 - 2025, Lào Cai là tỉnh đầu tiên của cả nước thí điểm thực hiện phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 4 tuổi. Hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi trước 1 năm so với Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Lào Cai lần thứ XIV; tỷ lệ huy động trẻ ra nhà trẻ đạt 31%, mẫu giáo đạt 96,2% (riêng 5 tuổi đạt 99,9%).
Phát triển hệ thống trường nội trú, bán trú trở thành nòng cốt của giáo dục vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; thực hiện chuẩn hóa giáo dục vùng cao. Công tác phát hiện, bồi dưỡng học sinh giỏi, học sinh năng khiếu, nghiên cứu khoa học trong trường học đạt nhiều kết quả quan trọng: Kết quả thi học sinh giỏi quốc gia có nhiều chuyển biến tích cực, tăng dần về số lượng và chất lượng giải, đứng vị trí trong khoảng 15 - 20 trong số 63 tỉnh, thành phố. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong quản lý và giảng dạy; nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ gắn với thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018; nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Có nhiều mô hình giáo dục đặc thù và được nhân rộng góp phần quan trọng thực hiện đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Thực hiện hiệu quả phong trào "Trường giúp trường, phòng giúp phòng". Xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia gắn với xây dựng nông thôn mới. Đến hết tháng 4/2023, toàn tỉnh có 398/602 trường học đạt chuẩn quốc gia (chiếm 66,1%).
Còn nhiều khó khăn
Bên cạnh những kết quả đã thực hiện được, tỉnh Lào Cai cũng thẳng thắn nhìn nhận những tồn tại trong quá trình thực hiện Nghị quyết số 29 như: Chất lượng giáo dục đại trà có mặt chưa đáp ứng yêu cầu, còn học sinh tiểu học là người dân tộc thiểu số hạn chế về tiếng Việt; chất lượng dạy văn hóa, dạy nghề ở một số Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên chưa bền vững; công tác cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong quản lý, dạy và học chưa đồng bộ, hiệu quả chưa cao; bệnh thành tích, bệnh hình thức, lạm thu trong cơ sở giáo dục vẫn diễn ra…
Đặc biệt, còn diễn ra tình trạng thừa, thiếu giáo viên ở các cấp học nhất là những môn chuyên biệt. Có thời điểm giáo viên xin nghỉ việc nhiều (trong năm 2022 và 2023 có 212 giáo viên xin nghỉ việc hoặc chuyển công tác). Theo đó, tính đến nay, ngành giáo dục và đào tạo tỉnh Lào Cai còn thiếu 1.106 biên chế. Trong năm học 2023 - 2024, tỉnh Lào Cai xây dựng kế hoạch tuyển dụng 608 biên chế. Tuy nhiên, do nguồn tuyển khó, không thu hút được nhiều đối tượng dự tuyển nên chưa bù lấp được khoảng trống thiếu giáo viên.
Để giảm gánh nặng thiếu giáo viên, tỉnh Lào Cai tiếp tục quy hoạch mạng lưới trường, lớp giữa vùng cao, vùng khó khăn và vùng thuận lợi. Ban hành chính sách thu hút, hỗ trợ đào tạo. Cùng với đó, thu hút giáo viên môn Tiếng Anh, Tin học... bằng chính sách hỗ trợ ban đầu, hỗ trợ ngoài lương. Ngoài ra, Lào Cai cũng xây dựng kế hoạch đặt hàng đào tạo giáo viên theo địa chỉ; chưa thực hiện cắt giảm biên chế đối với ngành giáo dục.
Từ thực tế triển khai Nghị quyết số 29 thời gian qua, tỉnh Lào Cai đã có những kiến nghị cụ thể tới Ban Bí thư, Chính phủ, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Giáo dục và Đào tạo; các bộ, ngành liên quan. Trong đó, với Ban Bí thư, tỉnh Lào Cai đề nghị ban hành kết luận về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 29; xem xét, ban hành Nghị quyết về chính sách tiền lương cho các nhà giáo công tác ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Tiếp tục thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục
Tại buổi làm việc với Tỉnh ủy Lào Cai, đại diện các đơn vị của Bộ Giáo dục và Đào tạo; các sở, ngành, đơn vị của tỉnh Lào Cai đã có những trao đổi làm rõ một số vấn đề xung quanh giải pháp tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, sắp xếp, quy hoạch trường, lớp, đặc biệt là ở vùng khó khăn; giải pháp khắc phục thiếu giáo viên, khó khăn trong tuyển dụng giáo viên; giải pháp cho việc dạy văn hóa trong trường nghề ở các trường cấp huyện; vấn đề phân luồng, hướng nghiệp sau THCS…
Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Ngô Thị Minh cho rằng tỉnh Lào Cai đã triển khai bài bản, khoa học, có chiều sâu tinh thần quan trọng của Nghị quyết số 29, đem lại hiệu quả, sự đổi mới tích cực và nâng cao chất lượng giáo dục trên địa bàn. Vai trò tham mưu, tính quyết liệt trong chỉ đạo của Sở Giáo dục và Đào tạo với UBND các huyện, sự phối hợp với các sở, ngành liên quan rất quyết liệt. Nhiều mô hình của tỉnh Lào Cai thể hiện tính sáng tạo, đổi mới có thể nhân rộng trong cả nước như mô hình trường phổ thông dân tộc nội trú liên cấp ở 9 huyện, thành phố; mô hình trường học đa văn hoá; mô hình trường quốc tế… Trong điều kiện hạn hẹp song tỉnh rất cố gắng đầu tư, đã có những dự án nhằm tăng cường các điều kiện cho đổi mới giáo dục, thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Trong đó, ưu tiên chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy và học. Quy hoạch, sắp xếp mạng lưới trường, lớp học được thực hiện bài bản, hiệu quả.
Thứ trưởng mong muốn tỉnh Lào Cai tiếp tục có thêm các chính sách hỗ trợ giáo dục vùng cao, coi trọng an toàn trường học khi tổ chức dồn ghép trường, lớp; tập trung thực hiện tốt Chương trình giáo dục phổ thông 2018, tâm điểm là đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá. Tăng cường cơ sở vật chất theo hướng hiện đại hoá, bởi không thể có chất lượng giáo dục như mong muốn nếu không có cơ sở vật chất đầy đủ. Theo Thứ trưởng, Chương trình giáo dục phổ thông mới được xây dựng đi kèm với cở sở vật chất, công nghệ hiện đại, tuy nhiên đây không phải là việc một sớm một chiều mà cần có kế hoạch từng bước, căn cứ một số chỉ tiêu để đề xuất phù hợp.
Tiếp thu những ý kiến đóng góp của đoàn công tác, đồng chí Vũ Xuân Cường, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh cho rằng: Quá trình khảo sát của đoàn đã đặt ra nhiều vấn đề, định hướng cho Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh trong thời gian tới để nâng cao hiệu quả đổi mới giáo dục.
Theo đó, tỉnh Lào Cai sẽ tiếp tục quán triệt sâu sắc quan điểm chỉ đạo của Đảng trong Nghị quyết 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; phát triển giáo dục phải là quốc sách hàng đầu, là sự nghiệp của Đảng, Nhà nước và của toàn dân. Thực hiện các chính sách ưu đãi đối với giáo dục, đặc biệt là chính sách đầu tư, thu hút nguồn nhân lực; ưu tiên ngân sách cho phát triển giáo dục và các đối tượng đặc thù... nhằm nâng cao chất lượng giáo dục đại trà, chú trọng bồi dưỡng học sinh giỏi trên tất cả các môn học góp phần cải thiện thứ bậc của giáo dục Lào Cai so với toàn quốc.