Lào Cai sở hữu tiềm năng lớn phát triển kinh tế số, dựa vào sự phát triển cơ sở hạ tầng số, mạng lưới viễn thông hiện đại và hạ tầng công nghệ thông tin đang dần được hoàn thiện. Internet băng thông rộng đã kết nối đến 100% xã, phường và thị trấn đã mở rộng khả năng tiếp cận thông tin, giúp doanh nghiệp và người dân có điều kiện thuận lợi để tham gia nền kinh tế số.
Trong Chương trình chuyển đổi số của tỉnh, Lào Cai đặt ra mục tiêu phấn đấu tỷ trọng kinh tế số chiếm từ 15-20% GRDP. Để hoàn thành mục tiêu này, tỉnh đã ban hành nhiều chương trình, kế hoạch về phát triển thương mại điện tử, hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ chuyển đổi số, triển khai thanh toán không dùng tiền mặt.
Triển khai cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong việc xác định đối tượng khách hàng mục tiêu, tối ưu hóa chiến lược tiếp thị và quản lý giao dịch. Điều này giúp nâng cao hiệu quả trong các hoạt động thương mại điện tử, đặc biệt là khi Lào Cai đang có tiềm năng lớn trong việc phát triển thương mại điện tử xuyên biên giới. Cơ sở dữ liệu quốc gia giúp các tổ chức tài chính, ngân hàng dễ dàng xác minh danh tính khách hàng, thực hiện các giao dịch trực tuyến an toàn và hiệu quả hơn, từ đó thúc đẩy phát triển các dịch vụ tài chính số, khâu quyết định cuối cùng của các giao dịch số, giao dịch thương mại điện tử.
Lào Cai cũng đang tích cực triển khai hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp ngành nghề truyền thống, doanh nghiệp sản xuất chuyển đổi sang cung cấp sản phẩm, dịch vụ trên các nền tảng số quốc gia, hoàn thành đưa vào vận hành Cổng thông tin hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh Lào Cai. Hiện nay 100% doanh nghiệp đã triển khai hóa đơn điện tử; khai báo thuế điện tử; thanh toán không dùng tiền mặt qua hệ thống ngân hàng.
Đối với kinh tế số ngành và lĩnh vực, Lào Cai đã triển khai thực hiện Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt với nhiều thay đổi từ doanh nghiệp, tổ chức xã hội đến người dân. Chỉ với những thao tác đơn giản từ các app ngân hàng số trên điện thoại, việc thanh toán trở nên nhanh chóng, thuận tiện và an toàn hơn. Thói quen tiêu dùng của người dân cũng đã có nhiều thay đổi từ việc mua sắm trực tiếp, thanh toán tiền mặt chuyển sang mua sắm và thanh toán trực tuyến.
Đối với kinh tế nông nghiệp, công tác chuyển đổi, ứng dụng công nghệ số đã giúp người nông dân, doanh nghiệp, hợp tác xã ở Lào Cai bước đầu thành công trong tự động hóa quy trình sản xuất, kinh doanh, quản lý, giám sát nguồn gốc, chuỗi cung ứng sản phẩm nhanh chóng, minh bạch, chính xác, vệ sinh an toàn thực phẩm… Hiện nay, Lào Cai có gần 90 doanh nghiệp, hợp tác xã với trên 300 dòng sản phẩm được gắn QR-Code đã giúp minh bạch thông tin truy xuất nguồn gốc điện tử nông sản an toàn. Cùng với đó, hệ thống hỗ trợ xúc tiến thương mại giúp cho doanh nghiệp, nông dân tiêu thụ sản phẩm, nâng cao hiệu quả sức cạnh tranh và lợi thế sản phẩm nông nghiệp.
Phát huy lợi thế về Cửa khẩu, tỉnh Lào Cai đã triển khai Cửa khẩu số tại cửa khẩu đường bộ Kim Thành. Đây là một bước quan trọng trong việc hiện đại hóa hoạt động xuất - nhập khẩu và quản lý biên giới, nhằm tăng cường hiệu quả kinh tế, cải thiện trải nghiệm cho người dân và doanh nghiệp, đồng thời thúc đẩy sự phát triển bền vững của kinh tế cửa khẩu. Bằng cách tối ưu hóa quy trình xuất - nhập khẩu, tăng cường minh bạch và an toàn, cùng với việc thúc đẩy phát triển công nghệ và hội nhập quốc tế, cửa khẩu số không chỉ giúp các doanh nghiệp cạnh tranh hơn mà còn đóng góp vào sự phát triển bền vững của nền kinh tế.
Để tạo liên kết trong phát triển kinh tế số, tỉnh Lào Cai ký kết các chương trình hợp tác với Bộ Thông tin và Truyền thông và với các địa phương: Hải Phòng, Cần Thơ, Sơn La, Thái Bình, Yên Bái, Lai Châu, Phú Thọ, Bến Tre. Ngoài ra, tỉnh Lào Cai còn ký kết thỏa thuận hợp tác về chuyển đổi số với các Tập đoàn: VNPT, Viettel, FPT, Công ty cổ phần VNG triển khai trong giai đoạn 2022 - 2025.
Thời gian tới, Lào Cai sẽ tiếp tục tổ chức triển khai tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức về phát triển kinh tế số đến người dân, doanh nghiệp thông qua các cuộc hội thảo, hội nghị, các phương tiện thông tin đại chúng và các nền tảng số khác.
Cùng với đó, phát huy hiệu quả từ công cuộc chuyển đổi số để hình thành chính quyền số nói chung và phát triển kinh tế số nói riêng sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế; phát triển kinh tế số nhanh và bền vững dựa trên khoa học - công nghệ, nhất là công nghệ số, đổi mới sáng tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực;… Lào Cai sẽ tiếp tục ưu tiên chuyển đổi số các ngành, lĩnh vực trọng điểm như: Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Nông nghiệp, Tài nguyên và Môi trường, Thương mại điện tử, Du lịch, Cửa khẩu… trong đó tập trung ứng dụng công nghệ mới, quản lý thông minh, công nghệ 4.0 tạo đột phá, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.