Ngay sau hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các bộ, ban, ngành, các địa phương về triển khai ứng phó với siêu bão số 3 (tên quốc tế là Yagi) và mưa lũ sau bão kết thúc, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hoàng Quốc Khánh, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh yêu cầu trên cơ sở phương án phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cũng như các văn bản chỉ đạo của tỉnh về ứng phó với bão số 3, các đồng chí thành viên Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh nêu cao tinh thần trách nhiệm, theo chức năng, nhiệm vụ khẩn trương triển khai nhiệm vụ, chủ động kiểm tra địa bàn được phân công phụ trách, kịp thời báo cáo ngay khi có sự cố.
Theo đó, Sở Công Thương chỉ đạo các nhà máy thủy điện chủ động mực nước tích trữ trong các hồ chứa. Sở Giao thông vận tải rà soát các tuyến đường có nguy cơ sạt lở để có phương án sẵn sàng ứng phó. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo các đơn vị trực thuộc thường xuyên kiểm tra, rà soát các công trình đê điều, thủy lợi; kịp thời phát hiện các sự cố để có phương án đảm bảo an toàn.
Các cơ quan Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh sẵn sàng lực lượng, phương tiện cơ động ứng cứu, khắc phục hậu quả khi có tình huống xảy ra.
4 địa phương gồm: Huyện Bát Xát, Văn Bàn, Bảo Yên và thị xã Sa Pa được dự báo nằm trong vùng hoàn lưu cơn bão số 3, do đó các địa phương cần chủ động kiểm tra và triển khai phương án bảo vệ các công trình trọng điểm, xung yếu; bảo vệ sản xuất nông nghiệp, chuẩn bị tốt công tác "4 tại chỗ", chủ động thực hiện các phương án, kịch bản, sẵn sàng lực lượng, vật tư, phương tiện để kịp thời cứu hộ, cứu nạn và khắc phục nhanh hậu quả bão, lũ.
Tại Lào Cai, thực hiện Công điện 86/CĐ-TTg ngày 3/9/2024 của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh đã ban hành Công điện 09/CĐ-UBND ngày 4/9/2024, trong đó giao các sở ngành, các huyện, thị xã, thành phố và các cơ quan, đơn vị tăng cường công tác chỉ đạo và triển khai ứng phó với bão số 3 nhằm giảm thiệt hại thấp nhất có thể.
Xác định cơn bão số 3 là cơn bão rất mạnh và với địa hình đồi núi cao, chia cắt mạnh, cơ sở hạ tầng chưa được đầu tư, nâng cấp kịp thời, khả năng chống chịu trước thiên tai kém và tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro thiên tai nên tỉnh đã chủ động cập nhật diễn biến thời tiết và rà soát, điều chỉnh phương án phòng chống thiên tai nhằm phù hợp với tình hình thực tế.
Qua rà soát, tỉnh có 769 vị trí tiềm ẩn nguy cơ sạt lở, lũ quét, ngập úng, ngầm tràn và sạt lở bờ sông, suối; có 520 hộ dân nằm trong vùng thiên tai nguy hiểm cần phải di chuyển đến nơi an toàn. Nhiều tuyến quốc lộ, tỉnh lộ và đường liên huyện, liên xã bị xuống cấp do đã được đầu từ lâu và do thiên tai gây ra nhưng chưa được đầu tư khắc phục kịp thời. Do đó, nếu mưa, bão tiếp tục xảy ra thì mức độ thiệt hại sẽ lớn...
Đến nay, các địa phương đã triển khai các giải pháp, trong đó ưu tiên di chuyển, sơ tán người, tài sản đang trong khu vực nguy cơ sạt lở, lũ quét, ngập sâu đến nơi an toàn; tổ chức chằng chống nhà cửa; cắt tỉa cành cây có nguy cơ ảnh hưởng đến đường lưới điện, cơ sở hạ tầng và giao thông; rà soát, đánh giá mức độ an toàn đối với các đập thủy lợi, thủy điện cũng như những vị trí có cung trượt… để có ngay phương án xử lý nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản.