Theo đó, 2 di sản của Lào Cai được UNESCO ghi danh vào Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại gồm: Nghi lễ kéo co người Tày - Giáy và Nghi lễ Then của người Tày.
Năm 2015, Nghi lễ và trò chơi Kéo co ở Campuchia, Philippines, Hàn Quốc, Việt Nam được tổ chức UNESCO ghi danh vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Việt Nam có 04 địa phương gồm Lào Cai, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hà Nội có di sản được ghi danh.
Nghi lễ Then của người Tày Lào Cai nằm trong di sản Thực hành Then của người Tày - Nùng - Thái được UNESCO ghi danh năm 2019. Di sản tập trung chủ yếu ở các tỉnh vùng Đông Bắc (Bắc Giang, Bắc Kạn, Cao Bằng, Hà Giang, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Thái Nguyên, Tuyên Quang) và vùng Tây Bắc (Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai).
Năm 2012 là năm đầu tiên Lào Cai có di sản văn hóa phi vật thể quốc gia được ghi danh. Từ đó đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có 41 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia của các dân tộc Mông, Dao, Tày, Nùng Dín, Giáy, Xá Phó, Hà Nhì, Bố Y, Pa Dí, Thu Lao...
Liên tiếp từ năm 2012 cho đến năm 2016, Lào Cai có 19 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Năm 2012 ghi danh 3 di sản (Lễ hội Gầu Tào; Nghi lễ cấp sắc của người Dao; Nghi lễ Then của người Tày). Năm 2013 ghi danh 4 di sản (Lễ hội Roóng Poọc của người Giáy; Lễ hội Pút tồng của người Dao đỏ; Nghề chạm khắc bạc của người Mông huyện Sa Pa; Nghề Chàng slaw của người Nùng Dín).Năm 2014 ghi danh 5 di sản (Kéo co của người Tày, người Giáy; Tết Sử giề pà của người Bố Y ở Mường Khương; Lễ hội khô già già của người Hà Nhì đen; Nghệ thuật trang trí trên trang phục của người Xá Phó; Nghệ thuật the (múa) của người Tày ở Tà Chải). Năm 2015 ghi danh 4 di sản (Chữ Nôm của người Dao; Nghệ thuật múa khèn của người Mông; Lễ Khoi Kìm (Cúng rừng) của người Dao; Lễ Gạ ma do (cúng rừng) của người Hà Nhì huyện Bát Xát).Năm 2016 ghi danh 3 di sản (Lễ cúng rừng (Mủ đẳng mai) của người Thu Lao, xã Tả Gia Khâu, huyện Mường Khương; Lễ hội Đền Bảo Hà, xã Bảo Hà, huyện Bảo Yên; Lễ hội Đền Thượng thành phố Lào Cai).
Trao chứng nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đối với Nghệ thuật làm trang phục dân tộc Mông đen thị xã Sa Pa.
Năm 2018 - 2024, trong 7 năm này tỉnh Lào Cai có thêm 22 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. 5 di sản (Lễ hội Lồng Tồng của người Tày huyện Văn Bàn; Khắp Nôm của người Tày huyện Văn Bàn; Nghề chạm khắc bạc của người Dao Đỏ huyện Sa Pa; Trống trong nghi lễ của người Mông huyện Mường Khương; Lễ Cầu làng (Áy lay) của người Dao họ huyện Văn Bàn) ghi danh năm 2018. 02 di sản (Nghi lễ Mo Tham Thát dân tộc Tày xã Làng Giàng, huyện Văn Bàn; Nghi lễ Then của người Giáy huyện Bát Xát) ghi danh năm 2019. 4 di sản (Nghề làm tranh thờ người Dao đỏ ở Sa Pa; Lễ hội đua ngựa Bắc Hà huyện Bắc Hà; Nghệ thuật trang trí trên trang phục của người Mông hoa huyện Bắc Hà; Nghệ thuật trang trí trên trang phục của người Nùng Dín huyện Mường Khương) ghi danh năm 2021. 2 di sản (Tri thức canh tác ruộng bậc thang Hà Nhì huyện Bát Xát; Nghề dệt của người Dao họ huyện Bảo Thắng) ghi danh năm 2022. Tri thức dân gian nghệ thuật làm trang phục của người Mông đen thị xã Sa Pa ghi danh năm 2023. Nghề dệt của người Thu Lao huyện Si Ma Cai ghi danh năm 2024.
Riêng năm 2020 Lào Cai có số lượng di sản văn hóa phi vật thể quốc gia được ghi danh nhiều nhất với 7 di sản gồm: Nghề làm trống của người Dao huyện Sa Pa; Nghi lễ then Khoăn (cầu thọ) của người Tày huyện Văn Bàn; Lễ cúng rừng của người Giáy huyện Văn Bàn; Nghi lễ mo thổ công bản (cúng thổ công bản) của người Tày huyện Văn Bàn; Nghi lễ naox lungx (cúng rừng) của người Mông huyện Si Ma Cai; Nghệ thuật trang trí trên trang phục của người Dao Đỏ huyện Sa Pa; Nghệ thuật trang trí trên trang phục của người Pa Dí huyện Mường Khương.
Để quản lý, bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể trong các Danh sách của UNESCO và Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; tỉnh Lào Cai đã ban hành một số Chương trình, Đề án, Kế hoạch liên quan hằng năm, giai đoạn và bố trí, huy động nguồn kinh phí để triển khai thực hiện.
Trong thời gian tới, Lào Cai sẽ tổ chức thực hiện các nội dung, hoạt động trọng tâm, trọng điểm như: (1) Quán triệt, phổ biến, tuyên truyền và thi hành Nghị định số 39/2024/NĐ-CP ngày 16/4/2024 của Chính phủ. (2) Tổ chức kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn tỉnh đối với 07 loại hình di sản văn hóa. (3) Tổ chức hoạt động truyền dạy di sản văn hóa phi vật thể trong và ngoài cộng đồng. (4) Tổ chức liên hoan, giới thiệu về di sản văn hóa phi vật thể trong các Danh sách của UNESCO, Danh mục của quốc gia. (5) Nghiên cứu, tư liệu hóa di sản văn hóa phi vật thể và bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể có nguy cơ mai một, thất truyền. (6) Phục hồi di sản văn hóa phi vật thể. (7) Xây dựng, ban hành các Đề án về quản lý, phát huy và bảo vệ giá trị di sản văn hóa phi vật thể. (8) Hợp tác quốc tế. (9) Tổ chức kiểm kê, xây dựng hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể quốc gia trong Danh mục của quốc gia gửi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trình Thủ tướng Chính phủ đệ trình UNESCO./.