Thôn Văng Leng có 83 hộ, với hơn 400 nhân khẩu, 100% là dân tộc Nùng. Người dân nơi đây vẫn lưu giữ nhiều nét đẹp truyền thống, như hát dân ca, nghề may, thêu và nhiều phong tục, tập quán truyền thống.
Tới gia đình ông Lù Phìn Hòa khi ông đang tranh thủ lúc nông nhàn tập hát các bài dân ca cổ của người Nùng để truyền dạy cho đội văn nghệ của thôn. Những lời ca của ông cất lên dìu dặt nghe như lời thủ thỉ, tâm sự.
Tôi biết hát dân ca Nùng từ khi 15 - 16 tuổi. Hát dân ca Nùng không đòi hỏi quá cao về kỹ thuật nhưng cần sự kiên trì, yêu thích và đam mê. Người Nùng không có chữ viết, chỉ có tiếng nói, nên người Nùng xưa nay dạy và học hát dân ca đều bằng hình thức truyền miệng. Mọi lời hát, bài hát được dạy, mỗi người đều phải tự ghi nhớ trong đầu, nếu không hiểu, không yêu văn hóa dân tộc mình thì sẽ không thể nhớ, không thể hát được.
- Ông Lù Phìn Hòa -
Hơn 40 năm kể từ khi biết hát dân ca Nùng, đến nay ông Hòa đã thuộc nằm lòng khoảng 40 bài hát, gồm các bài hát giao duyên, hát ca ngợi quê hương, đất nước, hát mừng ngày hội, mừng hạnh phúc lứa đôi… Theo ông Hòa, người Nùng thường ca hát nhiều vào dịp tết âm lịch hoặc lễ hội đầu năm, họ trảy hội và trao nhau những câu hát giao duyên có khi thâu đêm, suốt sáng. Đây cũng là dịp ông thường tranh thủ dạy hát cho thanh niên, trẻ nhỏ trong thôn, mong lớp con cháu cũng biết hát dân ca và góp phần giữ gìn văn hóa dân tộc.
Cách ngôi nhà của ông Hòa không xa, bà Nghề Thị Chấn miệt mài thêu tấm hoa văn thổ cẩm để may địu cho cháu nội sắp chào đời. Bà vừa thoăn thoắt mũi kim, vừa nói về ý nghĩa của chiếc địu trong đời sống người Nùng cũng như niềm vui vì sắp được đón đứa cháu nội thứ hai của gia đình: Tôi được mẹ và bà nội dạy thêu, may địu từ khi chưa lấy chồng!
Theo bà Chấn, hầu hết phụ nữ người Nùng khi đến tuổi lấy chồng thường biết may địu. Chiếc địu không chỉ hỗ trợ người mẹ, người bà trong việc trông nom con, cháu mà còn thể hiện tình yêu thương dành cho các em bé trong gia đình. Trong chiếc địu, con, cháu người Nùng được ủ ấm, vỗ về và lớn lên bằng những yêu thương trìu mến.
Địu của người Nùng được ghép từ nhiều miếng vải thêu hoa văn cầu kỳ, bắt mắt. Đó là những miếng vải nhỏ bằng bàn tay, hình tam giác hoặc hình cánh hoa… Qua đôi tay khéo léo của người phụ nữ, những chiếc địu ấm áp, chắc chắn, đẹp mắt trở thành sản phẩm văn hóa không thể thiếu trong đời sống người Nùng nói chung và người dân nơi đây nói riêng.
Cùng với việc lưu giữ được nhiều nét đẹp văn hóa dân tộc, người dân thôn Văng Leng còn luôn đoàn kết, đồng lòng, chăm chỉ, chịu khó. Để tăng thu nhập, phát triển kinh tế gia đình, nhiều hộ trong thôn đã chuyển sang trồng chè Shan tuyết trên đất nương đồi, có hộ chuyển sang trồng lúa Séng cù thay vì ngô, lúa, rau màu đơn thuần như trước đây. Đến nay, thôn có gần 40 hộ trồng chè Shan tuyết, gần 30 hộ trồng lúa Séng cù và đang cho thấy hiệu quả.
Anh Nghề Thái Chin, Trưởng thôn Văng Leng hồ hởi: Cây chè Shan tuyết được các hộ trồng trên đất đồi phát triển rất tốt, cho nhiều búp, vị chè ngon, hiện các hộ bắt đầu thu hoạch, mỗi năm thu từ 7 - 8 vụ. Dự kiến, khi cây được khoảng 5 năm tuổi trở lên sẽ cho thu hoạch đều và năng suất hơn. Lúa Séng cù cũng cho năng suất cao, gạo thơm ngon nên hầu như không đủ bán.
Tạm biệt trưởng thôn và người dân Văng Leng khi trời đã về chiều, tôi men theo đường nhỏ quanh co trở về mà lòng lưu luyến. Mặc dù còn gặp khó khăn trong hành trình xây dựng nông thôn mới nhưng với niềm tự hào về nét đẹp văn hóa còn lưu giữ được và sự đoàn kết, chăm chỉ, chịu khó sẽ là động lực để người dân quyết tâm xây dựng thôn Văng Leng trở thành làng văn hóa, góp phần lưu giữ, bảo tồn nét đẹp văn hóa ngàn đời của người Nùng ở Mường Khương.