Góp phần giữ gìn, phát huy văn hoá truyền thống
Với tình yêu văn hoá truyền thống, đặc biệt là nghề đan lát thổ cẩm của đồng bào Tày, bà Nguyễn Thị San ở bản Nà Khương, xã Nghĩa Đô (huyện Bảo Yên) đã tìm hiểu và khôi phục những kỹ thuật đan lát, hoa văn và thực hiện truyền dạy cho thế hệ trẻ, góp phần giữ gìn và phát huy văn hoá truyền thống của địa phương.
Năm 2021, bà San đã vận động những người thông thạo nghề đan lát, dệt thổ cẩm cùng tham gia thành lập Hợp tác xã bảo tồn và phát huy nghề truyền thống Nghĩa Đô gồm 21 thành viên. Họ cùng tạo ra các sản phẩm như làn, lọ hoa, thổ cẩm, mặt chăn... Tất cả đều được thực hiện bằng phương pháp thủ công truyền thống, sử dụng vật liệu và kỹ thuật nhuộm màu thân thiện với môi trường.
Các sản phẩm của hợp tác xã hiện đã được bày bán tại chợ phiên Nghĩa Đô, được các homestay trên địa bàn sử dụng và làm quà lưu niệm cho khách du lịch… Ngoài ra, hợp tác xã cũng nhận được những đơn đặt hàng các sản phẩm với số lượng lớn từ du khách đến từ huyện Bắc Hà, thành phố Hà Nội... Hoạt động thường xuyên của hợp tác xã đã góp phần nâng cao thu nhập cho các thành viên, trung bình khoảng 3 triệu đồng/người/tháng. Bên cạnh đó, hợp tác xã đã dạy nghề thành thạo cho 7 thành viên; phối hợp với các trường học trên địa bàn xã tổ chức hoạt động ngoại khóa, hướng dẫn học sinh kỹ thuật đan lát.
Bà Nguyễn Thị San chia sẻ: Là người luôn tâm huyết với những giá trị văn hóa của người Tày Nghĩa Đô, bản thân tôi sẽ tích cực hơn nữa để vận động người dân địa phương bảo tồn, phát huy và truyền dạy nghề truyền thống. Tôi tin rằng với sự đồng thuận cao của chính quyền các cấp, sự chung tay của cộng đồng, du lịch cộng đồng tại Nghĩa Đô sẽ thu hút nhiều du khách trong và ngoài tỉnh bằng vẻ đẹp của văn hoá bản địa.
Lan tỏa tinh thần khởi nghiệp
Năm 1970, gia đình ông Phan Văn Lợi là một trong những hộ đầu tiên đưa cây hồng không hạt bén rễ tại vùng đất Tân Thượng (Văn Bàn). Nhận thấy cây hồng phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu nơi đây, gia đình ông Lợi đã đầu tư mở rộng diện tích. Từ 18 cây hồng đầu tiên, đến nay, gia đình ông đã có khoảng 6 ha, trong đó có 2,5 ha với hơn 250 gốc hồng đã cho thu hoạch ổn định. Bình quân mỗi năm gia đình ông Lợi lãi 250 - 300 triệu đồng.
Ông Lợi đã chia sẻ kinh nghiệm với bà con trong xã từ cách lấy giống, phương pháp trồng, chăm sóc, thu hái đến chế biến quả hồng với mong muốn quả hồng không hạt sẽ trở thành sản phẩm hàng hóa và là cây chủ lực giúp bà con làm giàu.
Đến nay, xã Tân Thượng đã trồng được 110 ha hồng không hạt, trong đó có 35 ha đã cho thu hoạch. Hộ trồng nhiều nhất là 6 ha, thu nhập hằng năm của các hộ từ 30 triệu đồng đến 350 triệu đồng. Năm 2022, quả hồng không hạt được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh với tên gọi "Hồng ngâm Tân Thượng".
Ông Phan Văn Lợi mong muốn ngành nông nghiệp tỉnh sẽ giúp nông dân xã Tân Thượng quảng bá sản phẩm hồng không hạt trên các trang thông tin điện tử; hỗ trợ Hợp tác xã nông - lâm nghiệp dịch vụ Tân Thượng xây dựng website về cây hồng và tiêu thụ sản phẩm, đồng thời hỗ trợ dây chuyền chế biến như nhà xưởng, kho bảo quản, dàn sấy lạnh cho sản phẩm quả hồng Tân Thượng.
Agribank đồng hành với nông nghiệp - nông thôn
Với nhiệm vụ chính trị trọng tâm hàng đầu, giữ vai trò chủ lực trong đầu tư cho vay đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, thời gian qua, kênh vốn tín dụng của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) Chi nhánh Lào Cai II đã tham gia trực tiếp vào công cuộc giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nhất là tại các địa bàn trọng điểm, được các cấp, các ngành đánh giá cao và đông đảo khách hàng ủng hộ, giúp đỡ.
Agribank Chi nhánh Lào Cai II đã luôn quan tâm và tập trung triển khai Chương trình cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn, cho vay theo Nghị định số 55 và Nghị định số 116 của Chính phủ. Hằng năm giải ngân hơn 6 nghìn tỷ đồng, dư nợ trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn hiện nay gần 5 nghìn tỷ, chiếm hơn 70% tổng dư nợ. Agribank Chi nhánh Lào Cai II đã nỗ lực đưa chính sách tín dụng ưu đãi của Chính phủ đến với người dân, đặc biệt là những hộ nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn, mang đến cho người dân trên địa bàn tỉnh cơ hội tiếp cận nguồn vốn ưu đãi của Nhà nước, từ đó nâng cao chất lượng cuộc sống. Vốn tín dụng nông nghiệp, nông thôn hiện nay của Agribank Chi nhánh Lào Cai II đã phủ kín 100% xã và hơn 90% thôn, bản trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh.
Đặc biệt, đến nay dư nợ cho vay theo Nghị quyết số 10 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy đạt 187 tỷ đồng tại các huyện Mường Khương, Bát Xát và thị xã Sa Pa. Trong đó, dư nợ cho vay ngành hàng chủ lực theo Nghị quyết số 10 đối với cây chè, cây dược liệu, cây chuối, cây dứa, cây quế, chăn nuôi lợn là 73 tỷ đồng, cho vay phát triển cơ sở chế biến nông, lâm, thủy sản là 113 tỷ đồng.
Chia sẻ về kinh nghiệm cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn, ông Nguyễn Đình Hiếu, Phó Giám đốc Agribank Chi nhánh Lào Cai II cho biết: Ngân hàng đã bám sát vào mục tiêu, định hướng phát triển kinh tế của tỉnh, các ngành, địa phương, các vùng, tiểu vùng để có cơ sở đầu tư vốn đúng hướng, kịp thời, hiệu quả. Bên cạnh đó, Agribank đề ra chiến lược, mục tiêu, giải pháp và tổ chức thực hiện hiệu quả mục tiêu đề ra; phối hợp chặt chẽ với các ngành và đoàn thể mở rộng cho vay đến mọi thành phần kinh tế trong tỉnh, góp phần tích cực vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội địa phương, từng bước thực hiện công tác “xã hội hoá” trong hoạt động ngân hàng, mà nòng cốt là phối hợp tốt với các Hội Nông dân, Hội Phụ nữ các cấp qua tổ vay vốn.
Thanh niên chủ động khởi nghiệp, tham gia phát triển kinh tế tại địa phương
Năm 2017, chị Hoàng Thị Hoàn, Bí thư Đoàn Thanh niên xã Thái Niên, huyện Bảo Thắng tham gia Hợp tác xã bưởi Múc xã Thái Niên. Hợp tác xã ban đầu chỉ tập trung vào chăm sóc và phát triển sản phẩm quả bưởi tươi với sản lượng bình quân 500 nghìn đến 700 nghìn quả mỗi năm, giá bán trung bình 15.000 - 40.000 đồng/quả.
Nhận thấy có thể tận dụng những quả bưởi non người dân tỉa thưa để làm trà, chị Hoàn đã bàn với các thành viên trong hợp tác xã thu mua bưởi non lại từ người dân. Cuối năm 2023, sản phẩm Trà bưởi Múc đã được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh. Hiện nay, Hợp tác xã bưởi Múc xã Thái Niên đã đầu tư thiết bị chế biến trà bưởi Múc theo quy trình khép kín, đảm bảo an toàn với người sử dụng, sản lượng đạt hơn 2 tấn/năm, phục vụ người tiêu dùng tại nhiều tỉnh, thành phố như Lào Cai, Hà Nội, Ninh Bình, Thành phố Hồ Chí Minh…
Chị Hoàn chia sẻ: Năm 2023, tôi cùng hợp tác xã tiếp tục phát triển sản phẩm Trà hương bưởi, với mong muốn phát triển các sản phẩm đặc trưng tại địa phương. Trà hương bưởi được làm từ chè bát tiên ướp hoa bưởi. Bí quyết của trà ướp hương bưởi chính là hương thơm của những bông hoa bưởi tinh tế được chọn lọc, thu hái vào buổi sớm tinh khôi, hương thơm của hoa bưởi giữ lại đầy đủ trong từng lá trà. Quá trình ướp hương không chỉ tạo ra hương vị độc đáo mà còn làm tăng thêm giá trị dinh dưỡng từ hoa bưởi. Ngoài hương vị tuyệt vời, trà ướp hương bưởi còn đem lại nhiều lợi ích cho sức khỏe. Sản phẩm cũng đã được gửi đi thẩm định và hoàn thiện hồ sơ đề nghị công nhận sản phẩm OCOP.
Với những đóng góp của mình, năm 2023, chị Hoàng Thị Hoàn đã vinh dự là 1 trong 42 thanh niên tiêu biểu trong cả nước nhận Giải thưởng Lương Định Của - giải thưởng do Trung ương Đoàn triển khai nhằm biểu dương, khen thưởng những thanh niên nông thôn tiêu biểu trong khởi nghiệp, lập nghiệp.
Các tập thể, điển hình tiên tiến đã và đang góp phần lan tỏa khí thế thi đua sôi nổi, khơi dậy tinh thần khởi nghiệp, sáng tạo trong lao động, công tác, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.