Trong đó, mô hình phát triển chăn nuôi lợn xa khu dân cư, bảo vệ môi trường, theo hướng bán công nghiệp của anh Hoàng Đức Hưởng ở thôn Đại Phác, xã Đại Phác là một trong những điển hình mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Trò chuyện với anh trong căn nhà nhỏ giữa bộn bề công việc, chúng tôi mới thấy hết nhiệt huyết của một người thanh niên trẻ dám nghĩ, dám làm. Cách đây gần 10 năm anh chị xây dựng gia đình, lúc đầu cuộc sống rất khó khăn, vất vả. Sau nhiều đêm suy nghĩ và trăn trở, anh chị quyết định đầu tư phát triển chăn nuôi lợn. Lấy ngắn nuôi dài, tích cóp vốn để quay vòng, dần dần số lượng đầu lợn đã tăng lên đáng kể. Đầu năm 2008, qua các phương tiện thông tin đại chúng, biết được tỉnh và huyện có chính sách hỗ trợ phát triển chăn nuôi lợn theo hướng hàng hóa, anh Hưởng quyết định vay 100 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện để xây dựng mô hình.
Để mô hình hoạt động hiệu quả, ngoài việc chuyển địa điểm xây dựng từ thôn 7 ra thôn Đại Phác để đảm bảo quy mô trang trại theo đúng tiêu chuẩn quy định là xa khu dân cư, bảo vệ môi trường, anh Hưởng còn cất công về tận Trung tâm Giống quốc gia Thụy Phương (Mai Dịch, Hà Nội) để học hỏi kinh nghiệm chăn nuôi và chọn mua giống. Anh Hưởng cho biết: "Lợn trong trang trại của mình chủ yếu là 2 loại giống Cờ-rát và Oóc-sai.
Loại giống này có độ nạc cao, tăng trưởng tốt nhưng lại rất nhạy cảm với những tác động của môi trường nên muốn vào tham quan, trước tiên các bạn phải sát trùng bằng vôi, đây là yêu cầu bắt buộc để bảo vệ trang trại. Ngoài ra, để chủ động phòng chống dịch bệnh, mỗi đầu lợn nái trong trang trại đều có sổ theo dõi riêng. Tất cả mọi việc từ chế độ ăn, thời gian tắm rửa, các mũi tiêm phòng dịch, ngày đẻ, ngày phối hay các biểu hiện bất thường khác đều được theo dõi cẩn thận. Chỉ cần một con có biểu hiện mắc bệnh, sẽ phải tiến hành cách ly, chữa trị tránh lây lan sang cả đàn".
Với những biện pháp tổ chức và quản lý trang trại khoa học, đến nay, anh Hưởng đã xây dựng được khu trang trại hoàn thiện rộng gần 500 m2, gồm 2 dãy chuồng chăn nuôi, hầm Biogas, hệ thống làm mát, thoát nước, chiếu sáng và 20 đầu lợn nái và 130 lợn thịt.
Trao đổi về kinh nghiệm chăn nuôi, anh Hưởng cho biết: "Làm trang trại cần đặc biệt chú ý đến yếu tố con giống và công tác vệ sinh, phòng trừ dịch bệnh. Vì nhiều hộ chăn nuôi do không tự sản xuất được giống, phải mua gom ở nhiều nơi, không kiểm soát được nguồn gốc, dịch bệnh, nhất là không thực hiện chặt chẽ việc nuôi cách ly rồi mới nhập đàn nên dịch bệnh bùng phát, nguy cơ rủi ro là rất lớn". Từ đầu năm đến nay, trang trại của gia đình anh Hưởng đã xuất được trên 3 tấn lợn hơi, thu về trên 60 triệu đồng, trừ chi phí lãi khoảng 15 - 20 triệu đồng.
Trang trại đang ngày một phát triển, anh Hưởng mong muốn tiếp tục nhận được sự giúp đỡ của các ngành chức năng, nhất là các kênh ngân hàng giúp đỡ về vốn để mở rộng quy mô trang trại, tăng đầu lợn thịt lên trên 250 con, nâng mức thu nhập hàng năm đạt bình quân từ 70 - 80 triệu đồng.
Đức Thành