Tuy nhiên, theo Reuters, sự hồi phục của kinh tế Trung Quốc trong năm ngoái không vững chắc như kỳ vọng của nhiều nhà đầu tư và giới phân tích.
Ngoài ra, theo Reuters, triển vọng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới năm nay có thể bị tác động bởi một số thách thức như lĩnh vực bất động sản gặp khó, rủi ro giảm phát và nhu cầu kém khởi sắc.
Một công trình xây dựng ở thủ đô Bắc Kinh - Trung Quốc hôm 15/1.
Tại cuộc họp báo cùng ngày ở thủ đô Bắc Kinh, ông Khang Nghĩa, Cục trưởng NBS, cũng cảnh báo kinh tế Trung Quốc đối mặt môi trường bên ngoài phức tạp và nhu cầu yếu trong năm 2024.
Đã xuất hiện những dự báo Trung Quốc sẽ duy trì mục tiêu tăng trưởng khoảng 5% năm nay. Trong khi đó, theo đài CNBC, mức dự báo của Ngân hàng Thế giới và Quỹ Tiền tệ quốc tế lần lượt là 4,5% và 4,6%.
Dự đoán trung bình của 5 ngân hàng đầu tư quốc tế (Goldman Sachs, UBS, Citi, JPMorgan, Morgan Stanley) là 4,6%.
Ông Haibin Zhu, chuyên gia của Ngân hàng JPMorgan (Mỹ), nhận định một nhiệm vụ quan trọng của Trung Quốc trong năm 2024 là giải quyết những nguy cơ có thể khiến kinh tế suy yếu, nổi bật là sự điều chỉnh của thị trường nhà ở và tác động lan truyền của nó.
Một số liệu đáng chú ý khác được NBS công bố hôm 17/1 là dân số Trung Quốc năm 2023 đã giảm 2,08 triệu người xuống còn 1,409 tỉ người. Đây là năm thứ 2 liên tiếp dân số Trung Quốc sụt giảm. Năm 2022 ghi nhận dân số nước này giảm 850.000 người.
Xu hướng trên làm gia tăng nỗi lo về triển vọng tăng trưởng dài hạn của nước này khi số lượng lao động và người tiêu dùng sụt giảm. Ngoài ra, sự gia tăng của chi phí chăm sóc người cao tuổi và phúc lợi hưu trí gây thêm sức ép lên các chính quyền địa phương.