“Tiếng nước tôi, tiếng mẹ sinh từ lúc nằm nôi/ Thoắt ngàn năm thành tiếng lòng tôi…” Trong trái tim mỗi người con xa Tổ quốc, việc bảo tồn văn hóa Việt, giữ gìn, phát huy ngôn ngữ Việt luôn được xem là nhiệm vụ quan trọng, được thực hiện liên tục từ cấp độ gia đình đến đoàn hội, cộng đồng.
Dẫu kiều bào luôn có ý thức giữ gìn bản sắc dân tộc thì việc hội nhập văn hóa và nhu cầu của đời sống ở nước sở tại cũng ít nhiều khiến cho công tác truyền dạy và thực hành tiếng Việt gặp nhiều khó khăn.
Gìn giữ 'tiếng mẹ đẻ'
Với bà Văn Hương Phênh Khăm May, Hiệu trưởng trường Song ngữ Lào - Việt Nam Nguyễn Du, bà cảm nhận được niềm tự hào cũng như trách nhiệm lớn lao của những người làm công tác giáo dục trong việc giữ gìn tiếng Việt cho thế hệ trẻ người Việt Nam ở nước ngoài.
Tại trường Nguyễn Du, học sinh người Việt và người Lào không chỉ được học tiếng Việt, mà còn học văn hóa, lịch sử Việt Nam. Các giáo viên luôn tìm mọi biện pháp, kết hợp giữa giáo trình và thực tế, sao cho việc giảng dạy tiếng Việt đạt hiệu quả tốt nhất; làm sao để các em học sinh yêu thích bộ môn và hiểu nhiều hơn về văn hóa và con người Việt Nam, từ đó hướng tới có trách nhiệm trong việc gìn giữ mối quan hệ tốt đẹp của hai dân tộc Việt Nam - Lào.
“Trong thời gian tới, nhà trường sẽ tìm mọi biện pháp để tất cả cán bộ giáo viên đều có thể giao tiếp và hiểu được tiếng Việt mức cơ sở. Mỗi giáo viên và học sinh sẽ là một sứ giả văn hóa, thực hiện nhiệm vụ lan tỏa nền văn hiến nghìn năm của Việt Nam không chỉ ở đất nước ‘triệu voi’ mà còn cả trên thế giới,” bà Văn Hương Phênh Khăm May bày tỏ.
Chia sẻ kinh nghiệm trong việc giữ gìn tiếng Việt tại Hội nghị Người Việt Nam ở nước ngoài toàn thế giới lần thứ Tư ngày 22/8, bà Phạm Thanh Xuân, Ủy viên Ban thường vụ Hội Người Việt Nam tại Liên bang Nga cho hay Hội luôn đặt ra những mục tiêu: Nâng cao ý thức của cộng đồng người Việt tại Nga với tiếng Việt, tôn vinh vẻ đẹp và giá trị tiếng Việt trong cộng đồng, duy trì sử dụng tiếng Việt trong gia đình người Việt, lan tỏa tiếng Việt đến người nước ngoài.
Để thực hiện những mục tiêu đó, Hội đã có những cách làm cụ thể như: Tạo sân chơi liên quan đến tiếng Việt và văn hoá Việt cho trẻ em gốc Việt ở Liên bang Nga và trẻ em Nga; hỗ trợ các trường đại học có khoa, bộ môn nghiên cứu và giảng dạy tiếng Việt phát triển; hỗ trợ thành lập các trung tâm văn hóa và dạy tiếng Việt trong các trường đại học, viện nghiên cứu, trường phổ thông của Nga.
Dưới sự chỉ đạo của Đại sứ quán Việt Nam tại Liên bang Nga, Hội Người Việt Nam tại Liên bang Nga thường xuyên tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, hỗ trợ các sáng kiến trong cộng đồng nhằm tăng cường giao lưu văn hóa, trau dồi tiếng Việt trong cộng đồng, đặc biệt là thế hệ trẻ.
Một số chương trình hiệu quả có thể kể đến Hội thi “Tiếng hát cộng đồng,” Đêm thơ Nguyên Tiêu, Tết Trung Thu…, thu hút sự quan tâm lớn của thanh niên, sinh viên Việt Nam tại Nga và cả các bạn trẻ người Nga.
Để công tác bảo tồn tiếng Việt và văn hóa Việt hiệu quả hơn, bà Phạm Thanh Xuân kiến nghị Nhà nước thường xuyên tổ chức các chương trình tập huấn trực tiếp và trực tuyến cho các giáo viên dạy tiếng Việt ở nước ngoài; cử cán bộ sang địa bàn để tổ chức trại hè tiếng Việt cho con em người Việt ở nước ngoài; cung cấp tài liệu dạy tiếng Việt (có thể dưới dạng điện tử) để phục vụ cho việc dạy và học tiếng Việt ở nước ngoài.
Nhiều sáng kiến để bảo tồn tiếng Việt
Do đặc điểm địa lý, chính trị, xã hội mà công tác giảng dạy tiếng Việt tại Lào và Liên bang Nga gặp nhiều thuận lợi. Song, tại nhiều quốc gia, tiếng Việt đang bị mai một trong giới trẻ, trở thành nỗi lo của cộng đồng kiều bào khi con cháu họ ngày càng xa rời nguồn cội.
Bà Nguyễn Việt Hà, Giám đốc điều hành Tổ chức Giao lưu văn hóa Việt Nam-Australia (VACEO) chia sẻ những băn khoăn khi thế hệ trẻ người Việt tại Australia bị ảnh hưởng của nền văn hóa phương Tây, dẫn đến sự suy giảm ý thức và quan tâm về việc giữ gìn và phát huy văn hóa dân tộc.
Bà Hà lo ngại sự hòa nhập văn hóa này có thể làm giảm sự gắn bó với các giá trị và truyền thống văn hóa của Việt Nam.
Trong bối cảnh đó, VACEO đang gặp nhiều thách thức trong việc truyền dạy ngôn ngữ, bảo tồn văn hóa, như thiếu nguồn lực tài chính và nhân lực chuyên môn, thiếu các cơ sở vật chất và phương tiện hỗ trợ, thiếu các phương tiện truyền thông và quảng bá hiệu quả, khó khăn trong việc huy động sự tham gia của các tổ chức và cá nhân.
Để tiếp tục thực hiện sứ mệnh của mình, bà Hà kiến nghị Chính phủ hỗ trợ tài chính để tổ chức các sự kiện văn hóa, mở lớp học tiếng Việt, cũng như phát triển các sản phẩm văn hóa như sách, phim tài liệu về văn hóa Việt Nam.
Ngoài ra, VACEO cũng cần hỗ trợ về mặt pháp lý và chính sách, giúp VACEO dễ dàng thực hiện các hoạt động bảo tồn văn hóa tại Australia.
Về vấn đề này, ông Trần Nhất Hoàng, Phó Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch khẳng định: “Việc tôn vinh, dạy và học ngôn ngữ dân tộc góp phần xây dựng cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài ổn định, đoàn kết, vững mạnh, tích cực đóng góp cho quê hương, đất nước”.
Nhằm phát huy hơn nữa công tác dạy và học tiếng Việt trong cộng đồng kiều bào, qua đó hỗ trợ người Việt Nam ở nước ngoài trong công tác giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc, Bộ Văn hoá, Thế thao và Du lịch khuyến khích duy trì sử dụng tiếng Việt trong gia đình người Việt Nam ở nước ngoài trong sinh hoạt giao tiếp hàng ngày, tạo động lực nâng cao hiệu quả, chất lượng công tác dạy và học tiếng Việt trong cộng đồng; thúc đấy chính quyền sở tại và các thiết chế giáo dục đưa tiếng Việt vào giảng dạy tại các cơ sở giáo dục ở địa bàn có đông người Việt Nam sinh sống.
Ông Trần Nhất Hoàng đề xuất các giải pháp khác như: Xây dựng các thư viện, giới thiệu sách, truyền bá văn hoá Việt Nam tại các nước; tận dụng tiến bộ của công nghệ thông tin, xây dựng những kênh thông tin kết nối kiều bào với quê hương; cung cấp các phần mềm dạy, học tiếng Việt trực tuyến; tổ chức các chương trình, cuộc thi tìm hiểu tiếng Việt, trại hè tiếng Việt nhằm khơi dậy tinh thần dân tộc, nâng cao trình độ tiếng Việt của kiều bào, qua đó, tôn vinh vẻ đẹp và giá trị của tiếng Việt.