Chăm sóc trẻ sơ sinh tốt sẽ giúp trẻ có khởi đầu khỏe mạnh, làm nền tảng cho sự phát triển thể chất và tinh thần, giảm bệnh tật và tử vong trẻ sơ sinh. Tuy nhiên, hiện nay còn nhiều phụ nữ dân tộc thiểu số (DTTS) gặp khó khăn trong việc chăm sóc trẻ do điều kiện sống không đảm bảo hoặc do hạn chế về kiến thức y tế.
Ngày chào đời, con đã đem lại niềm hạnh phúc vô bờ cho bố mẹ. Thế nhưng, cùng với đó là vô vàn nỗi lo, nhất là với những ai lần đầu làm cha mẹ. Không phải ai cũng có kinh nghiệm chăm sóc một đứa trẻ mới chào đời, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS, nơi các bà mẹ còn thiếu kiến thức về y tế.
Sinh con được 4 ngày, chị Vàng Thị Khuyên, người dân tộc Mông ở Sa Pa (Lào Cai) được ra viện trở về nhà. Niềm vui được làm mẹ khiến chị hân hoan, hạnh phúc. Mặc dù lúc ở bệnh viện chị đã được các y bác sĩ dặn dò về cách chăm sóc cho mình và cho con, nhưng lúc về nhà chị Khuyên vẫn cảm thấy bản thân rất lóng ngóng, nhất là cách cho con bú.
Do mới sinh, người còn mệt và đau nên mỗi lần cho con bú là chị Khuyên đều nằm. Sau một thời gian, chị bắt đầu thấy bé quấy khóc và cáu gắt. Mệt mỏi vì con quấy khóc không rõ nguyên do, chị Khuyên liền nhờ người nhà ra trạm xá hỏi. Các y bác sĩ khuyên người nhà nên đưa bé đến khám. Khi được khám, bác sĩ cho biết bé bị viêm tai giữa. Nguyên nhân do bé bú sữa ở tư thế nằm, lại hay bị sặc sữa lên mũi, trào sang tai gây viêm.
Bác sĩ chuyên khoa 2 Hà Cẩm Thương (Khoa khám sản tự nguyện Bệnh viện Phụ sản Hà Nội) cho biết, trẻ sơ sinh còn quá non nớt, vì vậy, cha mẹ cần cẩn thận và chu đáo thêm một chút trong việc chăm sóc con giai đoạn 7 ngày đầu tiên, đây chính là một trong những thay đổi đầu đời quan trọng của trẻ. Để bảo vệ sức khỏe và đảm bảo sự phát triển khỏe mạnh của trẻ thì việc chăm sóc trẻ sơ sinh đúng cách là vô cùng quan trọng.
Theo bác sĩ Cẩm Thương, mẹ nên tăng cường cho con bú và bú càng sớm càng tốt để bé có thể tiếp nhận được lượng sữa non bổ dưỡng. Hầu hết trẻ sơ sinh cần được cho bú 2 - 4 tiếng/lần và khoảng 8 - 12 lần/ngày. Mẹ cũng lưu ý tư thế bú và cách bú đúng, để giúp bé hấp thụ được lượng dinh dưỡng cần thiết. Cần chọn tư thế bú sao cho cả mẹ và bé đều thoải mái. Nguyên tắc đơn giản nhất khi cho con bú mà các mẹ cần nhớ là giữ đầu và lưng của bé thẳng hàng, mặt của bé hướng thuận vào bầu vú; như thế sẽ tạo ra tư thế bú đúng và con sẽ bú dễ dàng, thoải mái nhất, có thể cho trẻ bú ở tư thế ngồi hoặc tư thế nằm.
Người mẹ cần cho con ngủ đủ giấc, bởi giấc ngủ đối với trẻ sơ sinh rất quan trọng. Thông thường, trẻ mới sinh cho đến một tháng tuổi gần như ngủ suốt ngày đêm và chỉ thức dậy để bú. Vì chưa phân biệt được ngày đêm nên bé có thể ngủ suốt vào ban ngày và thức giấc nhiều hơn vào ban đêm. Không cần phải đánh thức trẻ sơ sinh dậy để cho bú nhưng cũng không nên để bé ngủ quá 3 giờ mà không cho bú
Bác sĩ Cẩm Thương cũng đặc biệt lưu ý các bà mẹ ở vùng DTTS không để quạt thổi trực tiếp vào trẻ hoặc tắm cho trẻ trước 24 giờ đầu sau sinh. Không dùng nước lạnh để tắm hoặc lau rửa cho trẻ. Không sưởi bằng than, không nằm gần bếp vì sẽ có hại cho sức khỏe của mẹ và con. Không cho trẻ ra ngoài trời nếu thời tiết lạnh dưới 20 độ C. Đặc biệt là không cho trẻ sơ sinh lên nương rẫy. Việc đưa trẻ lên nương rẫy theo mẹ rất nguy hiểm bởi lúc này thể trạng trẻ còn yếu, rất dễ bị tác động bởi môi trường bên ngoài.
Cùng với việc chăm sóc trẻ, thì việc nhận biết dấu hiệu trẻ bị bệnh vô cùng quan trọng. Nếu trẻ sốt, tiêu chảy, nôn, thở khó, một số bộ phận nổi đỏ, chảy máu hoặc chảy nước, phát ban, lười bú, ho,… mẹ cần đưa bé đến cơ sở y tế để khám ngay.
Trẻ thở khò khè, phải dùng nhiều sức để thở là một trong những biểu hiện cho thấy trẻ đang có vấn đề về sức khỏe. Trường hợp này nên cho trẻ tới gặp bác sĩ càng sớm càng tốt vì có thể dẫn tới tình trạng bị thiếu oxy, dễ xảy ra những biến chứng nguy hiểm khác. Phát ban cũng là điều thường hay gặp ở trẻ nhỏ nhưng nếu phát ban trên một khu vực rộng của cơ thể, đặc biệt là ở mặt hoặc nếu đi kèm với sốt, chảy máu hay sưng tấy thì cũng cần sự can thiệp sớm của các bác sĩ.
Đặc biệt, trẻ sơ sinh thường bị nhiễm trùng rốn. Nếu thấy một trong các dấu hiệu như chảy máu rốn; sưng đỏ vùng xung quanh rốn; rốn có mùi hôi, chảy nước vàng, có mủ; chân rốn, cuống rốn phình to hoặc có u, cục nổi; quá 10 ngày mà rốn chưa rụng,… thì cần đưa trẻ đến cơ sở y tế.
"Nhìn chung, người mẹ cần có cả kỹ năng và sự nhạy cảm để nhận biết các dấu hiệu bất thường ở con. Bất cứ dấu hiệu nào khiến mẹ không an tâm thì cần đưa trẻ đến bác sĩ ngay", bác sĩ Cẩm Thương nhấn mạnh.
Trong những năm qua, các cấp hội phụ nữ rất quan tâm đến vấn đề chăm sóc bà mẹ, trẻ em, đặc biệt là sau sinh. Năm 2023, Trung ương Hội LHPN Việt Nam đã xây dựng tài liệu "Hướng dẫn, tuyên truyền vận động phụ nữ DTTS sinh đẻ an toàn và chăm sóc trẻ em" và các tờ rơi truyền thông, hướng dẫn phụ nữ trước, trong sinh và chăm sóc trẻ sau sinh phát đến hội viên, phụ nữ tại nhiều địa phương của các tỉnh miền núi.
Năm 2023, Hội tổ chức 3 lớp tập huấn với sự tham gia của 150 cán bộ Hội LHPN các cấp, cán bộ y tế ở 10 tỉnh trong cả nước có tỷ lệ sinh con tại nhà cao. Năm 2024, Trung ương Hội LHPN Việt Nam phối hợp với Bộ Y tế tổ chức chuỗi sự kiện truyền thông mẫu vận động phụ nữ sinh đẻ an toàn và chăm sóc sức khỏe trẻ em với sự tham gia của hơn khoảng 2.000 hội viên, phụ nữ tại tại 8 tỉnh có tỷ lệ sinh con tại nhà cao là Quảng Nam và Quảng Ngãi, Hà Giang, Nghệ An, Gia Lai, Kon Tum, Sơn La, Lai Châu.