Cuốn sách "Y tế phương Tây ở Bắc Kỳ" được ra mắt đúng dịp kỷ niệm 69 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/2/1955 - 27/2/2024).
Cuốn sách "Y tế phương Tây ở Bắc Kỳ (1973 - 1945)" dày 376 trang, gồm 5 chương: Quá trình du nhập và hình thành y tế phương Tây ở Bắc Kỳ (1873 - 1902); y tế phương Tây ở Bắc kỳ qua các mốc thời gian (1902 - 1918; 1919 - 1929; 1930 - 1945); một số nhận xét và liên hệ từ quá trình nghiên cứu y tế phương Tây ở Bắc Kỳ (1873 - 1945).
Thông qua tác phẩm, độc giả sẽ thấy được dòng chảy lịch sử đưa y tế phương Tây du nhập vào Bắc Kỳ, từ đây bức tranh y tế Việt Nam có những thay đổi ngoạn mục về sau. Độc giả cũng thấy được sự xuất hiện y tế phương Tây đã mở ra khả năng tiếp cận với khoa học kỹ thuật hiện đại, bước đầu tác động làm thay đổi thói quen, suy nghĩ của cộng đồng trong công tác phòng và chữa bệnh. Mặt khác, hoạt động của y tế phương Tây ở Bắc Kỳ thời kỳ 1873 - 1945 đã đặt nền móng cho sự hình thành của ngành y tế hiện đại ở Việt Nam trong những giai đoạn tiếp theo. Y tế phương Tây đã đào tạo được một đội ngũ bác sĩ tài hoa sau này tham gia kháng chiến và xây dựng nền móng của y tế cách mạng, phục vụ sự nghiệp giải phóng dân tộc và chăm sóc sức khỏe cho nhân dân.
GS. TS. Đỗ Quang Hưng cho biết: “Cách đặt vấn đề nghiên cứu của tác giả theo hướng góp một phác họa lịch sử y tế phương Tây ở Bắc Kỳ, làm cơ sở ban đầu cho một hành trình tìm về cội nguồn và bản thể lịch sử y tế phương Tây trên cả nước Việt Nam trong thời gian qua. Tác giả cũng đã dày công đọc, dịch tiếng Pháp, chắt chiu tư liệu và lặn lội thực tiễn nhiều nơi để thực hiện tác phẩm này. Cách nghiên cứu tiếp cận ấy của một tác giả trẻ rất đáng cổ vũ và khuyến khích, nhất là trong điều kiện hiện nay, cả một thế giới phẳng có thể hiện diện trước mỗi người với chiếc máy tính hiện đại có nhiều thông tin về y tế khác nhau. Tuy nhiên, trong tác phẩm lại cho người đọc tiếp cận những thông tin thực tế của tác giả khi thực hiện khảo sát thực địa, đến tận nơi, nhìn tận mắt, sờ tận tay những dấu tích của lịch sử ngành y để viết nên tác phẩm này”.
Theo các nhà nghiên cứu lịch sử, ngành y là một trong những lĩnh vực đầu tiên được xây dựng trong nền giáo dục hiện đại Việt Nam. Vì vậy, nghiên cứu chủ đề này còn góp phần giáo dục truyền thống cho các thế hệ bác sĩ, nhân viên y tế, thúc đẩy hoạt động đào tạo y khoa ở Việt Nam hiện nay. Ngoài ra, đây còn là một nội dung quan trọng trong lịch sử văn hóa cận đại, bởi y tế là một trong những lĩnh vực thể hiện rõ cuộc “Tiếp xúc văn hóa Đông - Tây” ở Việt Nam thời kỳ này. Hiện nay, khi Việt Nam đang tích cực thực hiện công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa, từng bước cải thiện và nâng cao sức khỏe cũng như chất lượng cuộc sống cho nhân dân, việc nghiên cứu đề tài về ngành y vẫn còn có ý nghĩa và tác dụng phục vụ thực tiễn nhất định, nhất là trong việc hoạch định các chính sách tổng thể về y tế, về các lĩnh vực khám chữa bệnh, dịch tễ, y tế cộng đồng, phòng dịch.