Chủ đề của ngày Thế giới phòng, chống mua bán người năm 2024 là “Không trẻ em nào bị bỏ lại phía sau trong cuộc chiến phòng, chống mua bán người”.
Nhà nhân ái là 1 trong 2 cơ sở của tỉnh Lào Cai có nhiệm vụ tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về. Sau gần 14 năm thành lập, đến nay, Nhà nhân ái đã tiếp nhận, hỗ trợ hơn 330 nạn nhân là phụ nữ, trẻ em từng bị lừa bán qua biên giới. Ngôi nhà này do Đại sứ quán Anh tại Việt Nam, Tổ chức Vòng tay Thái Bình (PacificLinks Foundation) hỗ trợ xây dựng và tài trợ toàn bộ kinh phí hoạt động, kỹ thuật chuyên môn. Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh là đơn vị quản lý, điều hành.
Ở Nhà nhân ái, các nạn nhân được cung cấp gói hỗ trợ miễn phí bao gồm: hỗ trợ nhu cầu thiết yếu (ăn, ở, mặc, đi lại...); hỗ trợ tư vấn tâm lý, chăm sóc sức khỏe, giáo dục kỹ năng sống, tư vấn nghề; hỗ trợ học nghề, học văn hóa theo nhu cầu và khả năng của từng cá nhân… Đến nay, 100% nạn nhân được trở về nhà an toàn, không bị tái mua bán, không rơi vào tệ nạn xã hội.
Ngoài Nhà nhân ái, Trung tâm Công tác xã hội tỉnh cũng là nơi có đầy đủ phòng chức năng, điều kiện, tiêu chuẩn, với công suất tiếp nhận tối đa 30 nạn nhân/đợt để tư vấn, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về theo đúng quy định của Luật Phòng, chống mua bán người.
Trước diễn biến phức tạp của tội phạm mua bán người, có nguy cơ diễn ra ở một số khu vực biên giới của tỉnh, UBND tỉnh Lào Cai đã chỉ đạo các cơ quan, các ngành, địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, vận động toàn dân thực hiện chương trình phòng, chống tội phạm mua bán người; thường xuyên tổ chức các buổi tuyên truyền, vận động người dân tích cực tham gia phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, phòng, chống tệ nạn xã hội...
Để giảm nguy cơ, người dân, nhất là phụ nữ và trẻ em trở thành nạn nhân của tội phạm mua bán người, thời gian qua, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, triển khai thực hiện chương trình hành động bảo vệ phụ nữ và trẻ em. Bên cạnh đó, hằng năm tổ chức các buổi truyền thông, các diễn đàn cho phụ nữ và trẻ em được giao lưu, trao đổi. Thông qua các hoạt động tuyên truyền, đưa ra các thông điệp bảo vệ trẻ em khỏi nạn mua bán người. Nhiều mô hình bảo vệ trẻ em, phòng, chống tội phạm mua bán, xâm hại trẻ em trong trường học đã và đang được triển khai rộng khắp trên địa bàn tỉnh, như “Cộng đồng thân thiện vì trẻ em”, “Hòm thư điều em muốn nói”, “Quyền trẻ em”, “Cộng đồng an toàn”, “Trường học an toàn”, “Ngôi nhà an toàn”...
Việc tiếp nhận và hỗ trợ nạn nhân được các ngành, đơn vị, địa phương phối hợp chặt chẽ, kịp thời đã giúp các nạn nhân, đặc biệt là trẻ vị thành niên bị mua bán trở về sớm ổn định tâm lý, tinh thần, vượt qua những mặc cảm của bản thân, tự tin vào tương lai của mình.
Hưởng ứng “Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người” 30/7, Chủ tịch UBND tỉnh đã chỉ đạo các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh đoàn kết phát huy sức mạnh tổng hợp; tích cực tham gia đấu tranh phòng, chống tội phạm mua bán người và hỗ trợ, giúp đỡ các nạn nhân bị mua bán; tăng cường tuyên truyền góp phần nâng cao nhận thức cho toàn xã hội về công tác phòng, chống mua bán người.
Để phòng, chống tệ nạn mua bán người, mỗi người dân, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em, hãy cảnh giác với những người không quen biết, không được tự ý theo người khác mà không báo cho gia đình; cần cân nhắc và thảo luận với cha mẹ, người thân trước khi đi tìm việc; cần được biết địa chỉ, số điện thoại nơi mình đến và phải có cam kết lao động được chính quyền tại địa phương công nhận. Ngoài ra, trong trường hợp người dân phát hiện dấu hiệu liên quan đến hành vi mua, bán người, có thể báo ngay cơ quan công an gần nhất hoặc gọi đường dây nóng tư vấn và hỗ trợ nạn nhân mua bán người 111 của Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em và đường dây 18001136 của Trung tâm Công tác xã hội tỉnh.
Tích cực phòng, chống nạn mua, bán người, mỗi người dân hãy cùng đoàn kết, hành động vì sự an toàn của mỗi người, mỗi gia đình, vì tương lai tốt đẹp của toàn xã hội.
Ngày 30/7 hằng năm được Liên hợp quốc chọn là ngày Thế giới phòng, chống mua bán người. Tại Việt Nam, từ năm 2016 đã lấy ngày 30/7 hằng năm là ngày Toàn dân phòng, chống mua bán người, theo Quyết định 793 ngày 10/5/2016 của Thủ tướng Chính phủ, nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân tham gia phòng ngừa, ngăn chặn, tiến tới đẩy lùi tội phạm mua bán người trên phạm vi toàn quốc.