Cùng với cảnh quan thiên nhiên hùng vỹ và bản sắc văn hóa đặc trưng của các dân tộc, những mùa hoa bản địa tạo nên khung cảnh đẹp ngỡ ngàng đang thu hút du khách đến với Lào Cai. Du lịch mùa hoa đã và đang tạo thương hiệu riêng khi gắn với hoạt động du lịch của mỗi địa phương.
Từ tháng 1 đến tháng 3 hằng năm là thời điểm hoa mận, hoa lê, hoa sơn tra bung nở trắng xóa trên khắp các bản làng vùng cao ở Bắc Hà, Si Ma Cai, Bát Xát… Đây cũng là dịp để các địa phương tổ chức nhiều hoạt động lễ hội, thu hút khách du lịch đến tham quan, trải nghiệm.
Xã Quan Hồ Thẩn (huyện Si Ma Cai) hiện có 390 ha cây ăn quả ôn đới, trong đó có 250 ha lê. Vào mùa hoa lê, một vùng rộng lớn được phủ màu trắng tinh khôi. Năm 2024 cũng là năm thứ 3 liên tiếp xã Quan Hồ Thẩn tổ chức Lễ hội hoa lê trắng với nhiều hoạt động hấp dẫn, thu hút rất đông du khách. Đây cũng là dịp người dân quảng bá, giới thiệu cây lê địa phương đến người tiêu dùng và phát huy lợi thế sẵn có để phát triển một số loại hình dịch vụ, gắn với phát triển nông nghiệp bền vững.
Để thu hút du khách đến Lễ hội hoa lê trắng, xã vận động người dân cải tạo vườn lê của gia đình, trồng thêm cây hoa, tạo các lối đi trong vườn và chuẩn bị các điểm check-in, dựng chòi nghỉ chân phục vụ du khách.
Thời gian qua, trên các trang mạng xã hội, mọi người truyền tai nhau về một địa điểm check-in gây sốt với hoa cây sơn tra (còn gọi là hoa táo mèo) nở rộ ở vùng cao Y Tý (Bát Xát). Mỗi ngày, có rất nhiều du khách đến đây thưởng lãm, chụp ảnh. Vào mùa hoa sơn tra, nhiều hộ kinh doanh homestay ở Y Tý có thu nhập tăng thêm nhờ bán nông sản khô, mở dịch vụ ăn uống, dịch vụ xe máy chở và đưa đón khách tham quan, chụp ảnh với hoa sơn tra.
Chị Đặng Thu Phương, du khách từ Hà Nội tâm sự: Tôi lên Sa Pa du lịch, được các bạn ở homestay giới thiệu về hoa sơn tra đang nở rộ ở Y Tý nên quyết tâm đến check-in. Vượt qua quãng đường xa, phải di chuyển lần lượt bằng ô tô và xe máy thì cũng tới được địa điểm có nhiều hoa sơn tra nở. Tôi thấy hoa sơn tra ở bên ngoài nhìn rất đẹp. Thật sự không lãng phí công sức đi đường xa đến đây để chụp ảnh. Nhân dịp này, tôi cũng tìm hiểu thêm cuộc sống của người Hà Nhì, khám phá chợ phiên vùng cao Y Tý…
Bắc Hà là địa phương đang nhìn nhận khá tốt thế mạnh của các loại hoa bản địa để phát triển thành sản phẩm du lịch. 3 năm gần đây, chương trình “Sắc mận cao nguyên trắng” được tổ chức tại xã Tả Van Chư là một minh chứng.
Chị Giàng Thị Say, ở Tả Van Chư cho biết: Trước đây chưa có nhiều du khách đến, nguồn thu nhập chính của gia đình là trồng mận. Nhưng gần đây có nhiều người đến vào thời điểm hoa mận nở rộ, gia đình có thêm nguồn thu từ dịch vụ cho thuê trang phục của đồng bào Mông để du khách chụp ảnh.
Thiên nhiên đã ban tặng cho vùng cao Lào Cai nhiều loài hoa đẹp đặc trưng. Bắt đầu từ tháng 2, tháng 3 là mùa hoa mận rồi đến hoa lê, hoa sơn tra trắng muốt; tháng 4, tháng 5 là mùa hoa đỗ quyên rực rỡ muôn màu; tháng 11, tháng 12 lại nhuộm hồng cả cánh rừng với sắc hoa anh đào, hoa tam giác mạch. Những loài hoa bản địa là món quà thiên nhiên ban tặng, nhưng để phát huy được giá trị, vẻ đẹp đó thì lại phụ thuộc vào chiến lược của mỗi địa phương.
Các lễ hội hoa do một số địa phương trên địa bàn tỉnh tổ chức với quy mô nhỏ nhưng đã thu hút lượng lớn du khách, góp phần tạo thêm sinh kế cho người dân địa phương. Đặc biệt, các huyện Bắc Hà, Si Ma Cai và Bát Xát là những vùng nguyên liệu trồng cây ăn quả, có điều kiện thuận lợi để khai thác du lịch theo 2 mùa: mùa hoa và mùa thu hoạch quả chín.
Tuy nhiên, để khai thác trọn vẹn vẻ đẹp của các loài hoa bản địa phục vụ phát triển du lịch, tạo thêm thu nhập cho người dân, các địa phương cần có những giải pháp giữ gìn và nhân rộng các rừng hoa trong tự nhiên, quy hoạch điểm cắm trại, điểm ngắm hoa, nơi gửi xe cho du khách; tăng cường các hoạt động quảng bá, giới thiệu…
Bên cạnh đó, cần tạo phong trào, huy động người dân dọn vệ sinh thôn, bản sạch sẽ, hướng dẫn người dân cách thức phục vụ du khách, cách nấu ăn, cách dẫn khách du lịch đi thăm bản làng. Có như vậy, những mùa hoa bản địa mới có thể trở thành sản phẩm du lịch hoàn chỉnh, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, góp phần đem lại no ấm cho nhiều gia đình.