Nòng cốt phát triển du lịch địa phương
Du lịch kết hợp khám phá văn hóa đang trở thành một xu hướng mới, tạo ra những lợi ích đa chiều cho du khách. Đây là cách để du khách không chỉ có những trải nghiệm thú vị mà còn đóng góp vào việc bảo tồn và phát huy giá trị và bản sắc văn hóa.
Du lịch kết hợp khám phá văn hóa tạo điều kiện cho du khách tiếp cận, tìm hiểu về những di sản văn hóa, truyền thống và phong tục tập quán của một địa phương. Du khách có cơ hội được sống và trải nghiệm như người dân địa phương, tham gia vào các hoạt động văn hóa, thăm quan các di tích lịch sử và thưởng thức ẩm thực đặc trưng. Điều này giúp họ hiểu rõ hơn về nền văn hóa độc đáo và đa dạng của một địa điểm. Cùng với đó, tạo ra một môi trường giao lưu và trao đổi văn hóa giữa du khách và cộng đồng địa phương. Điều này thúc đẩy sự đoàn kết và hiểu biết giữa các nền văn hóa khác nhau, góp phần xây dựng một thế giới đa dạng và hòa bình. Du khách không chỉ là người tiếp thu mà còn là người chia sẻ và truyền tải những giá trị văn hóa của mình đến cộng đồng địa phương.
Nhiều địa phương, doanh nghiệp du lịch, đặc biệt là ở vùng miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đã biết dựa vào bản sắc văn hóa, phong tục, tập quán độc đáo của cộng đồng dân cư, kết hợp với cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ để tạo ra những chương trình, sản phẩm du lịch hấp dẫn. Trong số này có làng du lịch Nghĩa Đô (tỉnh Lào Cai); bản Lác, bản Văn (tỉnh Hòa Bình); bản Sin Suối Hồ (tỉnh Lai Châu); bản Lướt (tỉnh Sơn La); làng văn hóa - du lịch Xuân Sơn (tỉnh Phú Thọ); làng văn hóa - du lịch Lô Lô Chải (tỉnh Hà Giang)… Rất nhiều bản du lịch cộng đồng có sức lan tỏa mạnh mẽ, thu hút nhiều du khách nội địa và quốc tế.
Du lịch Việt Nam đã và đang phát huy khá tốt những tiềm năng của văn hóa truyền thống. Rất nhiều địa phương, doanh nghiệp du lịch, các đơn vị quản lý điểm đến đã xây dựng, sáng tạo ra những chương trình, sản phẩm hấp dẫn mà vẫn thấm đẫm bản sắc dân tộc.
TS Nguyễn Anh Tuấn - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch cho rằng, các sản phẩm du lịch văn hóa của nước ta thời gian qua là sức hút mạnh mẽ đối với khách du lịch, tạo nên lợi thế cạnh tranh cho ngành du lịch của đất nước. Các doanh nghiệp du lịch đã biết khai thác và phát huy hiệu quả nhiều giá trị văn hóa thành sản phẩm du lịch để thu hút khách du lịch.
Tôn trọng bản sắc
Cũng không ít địa phương do phát triển quá nóng đã làm giảm giá trị cảnh quan, môi trường và văn hóa bản địa. Bên cạnh đó, tình trạng bê tông hóa, mật độ xây dựng lớn, kiến trúc lai căng và xuất hiện những loại hình giải trí không phù hợp... là nguyên nhân gây mai một bản sắc văn hóa địa phương, khiến du khách không quay lại.
Theo các chuyên gia văn hóa, muốn thu hút được du khách, các điểm du lịch cần khảo sát, quảng bá, giới thiệu cho du khách những nét văn hóa đặc sắc của địa phương như các ngày lễ, ngày Tết, các sinh hoạt cộng đồng trong một năm… Điều đáng lưu ý, không làm giả các sinh hoạt văn hóa truyền thống nhằm mục đích thu hút khách, văn hóa của dân tộc nào thì phải tôn trọng tính khách quan, chân thực của bản sắc tộc người đó.
Nhìn nhận vấn đề này, ông Phạm Hải Quỳnh - Chủ tịch Hội Du lịch cộng đồng Việt Nam cho rằng, cần quan tâm đến giá trị văn hóa địa phương và cảnh quan thiên nhiên để lựa chọn, khai thác thế mạnh một cách phù hợp nhất. Với cộng đồng còn giữ được giá trị văn hóa truyền thống, cần khai thác sâu hơn để tạo nên sản phẩm du lịch đặc sắc. Song hành với đó là giá trị cảnh quan thiên nhiên, giao thông thuận tiện kết nối các vùng miền để xây dựng sản phẩm và mang lại nguồn lợi cho cộng đồng địa phương.
GS.TS Nguyễn Văn Đính - Hiệp hội Du lịch Việt Nam cũng cho rằng, ngành du lịch và chính quyền địa phương cần có hướng dẫn và có các quy định đối với cộng đồng cư dân trong hoạt động du lịch để tránh tình trạng lai căng, du nhập văn hóa không lành mạnh, bảo vệ và giữ gìn môi trường xã hội - nhân văn, văn hóa địa phương, bảo vệ và giữ gìn môi trường thiên nhiên. Đồng thời có những quy định và hướng dẫn để khách du lịch hiểu và tôn trọng luật pháp Việt Nam, phong tục, tập quán địa phương.
Trong Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cũng nhấn mạnh quan điểm: Phát triển du lịch văn hóa gắn phát triển du lịch với bảo tồn, phát huy giá trị di sản và bản sắc văn hóa dân tộc…
Có thể thấy, việc gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc trong lĩnh vực du lịch rất được nhà nước quan tâm. Vì vậy, tránh lai căng, chạy theo những giá trị ngoại lai quá đà để góp phần bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa, đồng thời xây dựng một nền du lịch bền vững và đậm đà bản sắc.