Mô phỏng hành tinh lùn Eris.
Hệ mặt trời có 5 hành tinh lùn: Ceres, Haumea, Eris, Makemake và sao Diêm Vương. Toàn bộ các hành tinh lùn này, ngoại trừ Ceres, đều thuộc về hoặc hiện diện xung quanh vành đai Kuiper, khu vực tập trung sao chổi và các thiên thể nhỏ nằm ngoài quỹ đạo của sao Hải Vương.
Năm 2015, phi thuyền New Horizons của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) đi ngang sao Diêm Vương và phát hiện những dấu hiệu cho thấy gần đây diễn ra hoạt động địa chất ở hành tinh lùn.
Và dựa trên những quan sát tiếp theo, sao Diêm Vương được bao phủ bởi những núi lửa băng giá khổng lồ và có lẽ vẫn còn hoạt động.
Các nhà khoa học cho rằng hoạt động địa chất đầy bất ngờ trên sao Diêm Vương xuất phát từ sự tương tác với mặt trăng của nó là Charon. Đó là lý do họ kết luận các hành tinh lùn khác của hệ mặt trời sẽ khó diễn ra hoạt động địa chất nếu không sở hữu mặt trăng.
Tuy nhiên, trong báo cáo mới được đặt trên arXiv, các chuyên gia của Viện Nghiên cứu Tây Nam ở Texas (Mỹ) tiến hành phân tích quang phổ hóa học của 2 hành tinh lùn khác là Eris và Makemake, dựa trên những ảnh chụp gần đây của kính James Webb.
Mô phỏng hành tinh lùn Makemake, với kích thước chưa bằng phân nửa sao Diêm Vương.
Kết quả cho thấy một số dạng khí thải được tìm thấy trên bề mặt băng giá của cả 2 hành tinh lùn nhiều khả năng hình thành trong quá trình diễn ra hoạt động địa chất gần đây, như các miệng phun thủy nhiệt của hoạt động núi lửa băng.
Đồng thời, Eris và Makemake có lẽ diễn ra hoạt động địa nhiệt đủ để duy trì các đại dương chất lỏng dưới bề mặt.
Dựa trên phát hiện mới, các nhà nghiên cứu cho rằng một số hành tinh lùn khác cũng diễn ra hoạt động địa chất như sao Diêm Vương.
Dữ liệu của kính James Webb cũng tìm được khí mê tan, dạng khí thải đến từ hiệu ứng nhà kính trên trái đất và cấu tạo từ một nguyên tử carbon kết hợp với 4 nguyên tử hydro.
Mô phỏng bề mặt hành tinh lùn Makemake.
Phát hiện trên đã gây ngạc nhiên cho các nhà nghiên cứu, đặc biệt trong trường hợp Makemake, hành tinh lùn có kích thước nhỏ hơn sao Diêm Vương đến 60%, lẽ ra quá nhỏ để có thể diễn ra hoạt động địa chất.
Đồng thời, nghiên cứu cũng cho thấy Eris và Makemake có khả năng dung dưỡng sự sống. Hoạt động của miệng thủy diệt là dấu hiệu hàng đầu hứa hẹn có sự hiện diện của các hình thái sự sống như trên trái đất.
Trước đây, các nhà khoa học cũng dựa trên manh mối này để đưa Enceladus và Mimas, 2 mặt trăng của sao Thổ, vào danh sách là nơi có thể chứa sự sống ngoài trái đất.