Sau khi thực hiện điều tra, xác minh, phân tích các mẫu nguyên liệu thực phẩm do các học sinh đã sử dụng, đồng thời xin ý kiến của các cơ quan chuyên môn (Sở Y tế, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Trung tâm Y tế thành phố), UBND thành phố Lào Cai đã ban hành Văn bản số 1069/UBND-VP ngày 27/10/2023 về việc thông báo sự cố an toàn thực phẩm tại Trường THCS Pom Hán. Theo đó, cơ quan chức năng nhận định vụ việc trên chỉ là sự cố về an toàn thực phẩm, nguyên nhân là do một số em có phản ứng cơ địa với thành phần của trà.
Theo các nhà khoa học, trong trà pha đậm sẽ có hàm lượng Catechin, Theanine và Caffeine cao. Khi hấp thụ nhiều 3 hoạt chất này dễ gặp phải tình trạng say trà với cảm giác mệt người, khó chịu. Uống trà sữa khi đói sẽ làm mất cân bằng độ PH trong dạ dày. Điều này tác động xấu đến hoạt động tiêu hóa và quá trình trao đổi chất, từ đó gây ra một số phản ứng phụ như: mệt, buồn nôn, chóng mặt, khó chịu. Hiện tượng say trà thường gặp đối với những người chưa uống trà bao giờ hoặc uống không thường xuyên, uống trà đậm đặc hay uống khi đói.
Khi bị say trà, chúng ta nên nghỉ ngơi hoàn toàn, uống nhiều nước lọc, xoa ấm bàn tay, bàn chân, sau đó xoa bóp vùng thái dương, ấn đường để giảm đi sự khó chịu; uống nước gừng và chanh, đường để giúp ổn định nhịp tim; ăn kẹo, mứt hoặc bánh để khắc phục tình trạng hạ đường huyết.