Israel thả tù nhân Palestine

Quân đội Israel ngày 1/7 đã thả khoảng 50 tù nhân Palestine, trong đó có giám đốc bệnh viện lớn nhất Gaza, bị bắt trong cuộc xung đột giữa Israel và Hamas.

5.jpg
Người dân ở Gaza mất nhà ở do xung đột.

Các tù nhân được trả tự do từ nhiều cơ sở khác nhau của Israel, trong đó có cả trại giam quân sự Sde Teiman tại miền nam, nơi giam giữ nhiều người Palestine bị bắt trong cuộc xung đột đang diễn ra. Một quan chức Israel lưu ý đây là một phần trong nỗ lực giảm số người bị giam giữ tại trại giam Sde Teiman sắp quá tải. Tuyên bố của Văn phòng Thủ tướng Israel cho biết, việc phóng thích các tù nhân được thực hiện sau khi Tòa án Tối cao nước này mở phiên điều trần vụ kiện của các nhóm bảo vệ nhân quyền về tình trạng khắc nghiệt trong các trại giam.

Palestine phản đối sự hiện diện có yếu tố nước ngoài

Chính quyền Palestine đã phản đối bất kỳ sự hiện diện có yếu tố nước ngoài nào trên các vùng lãnh thổ của Palestine. Tuyên bố này được đưa ra sau khi Israel kêu gọi chuyển giao Dải Gaza cho các lực lượng quốc tế. Người phát ngôn Phủ Tổng thống Nabil Abu Rudeineh khẳng định, bất kỳ sự hiện diện nào của nước ngoài trên vùng đất Palestine đều không hợp pháp và chỉ người dân Palestine mới có quyền quyết định ai có thể điều hành và quản lý các công việc của họ.

Người phát ngôn Rudeineh cũng nhấn mạnh, Tổ chức Giải phóng Palestine là đại diện hợp pháp duy nhất của người dân Palestine, là tổ chức “có thẩm quyền pháp lý đối với toàn bộ lãnh thổ của Palestine bao gồm Dải Gaza, Bờ Tây và Jerusalem”.

Tuyên bố của phía Palestine được đưa ra sau khi Đài phát thanh Kan của Israel đưa tin, Bộ trưởng Quốc phòng nước này Yoav Gallant đã thảo luận kế hoạch giai đoạn chuyển tiếp đối với Gaza trong chuyến thăm Mỹ nhiều ngày trước, với giả định rằng khả năng quân sự của Phong trào Hồi giáo Hamas đã suy giảm và không thể tiến hành các hoạt động quân sự quy mô lớn.

Theo đó, các lực lượng quốc tế (có thể bao gồm binh sĩ từ Ai Cập, Jordan, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất và Maroc) sẽ giám sát an ninh ở Gaza trong khi phía Mỹ sẽ đảm nhận vai trò lãnh đạo và logistics từ bên ngoài vùng lãnh thổ này, có thể là tại Ai Cập. Kế hoạch này sẽ được thực hiện theo từng giai đoạn từ phía bắc xuống nam Gaza nhằm dần chuyển giao trách nhiệm bảo đảm an ninh cho lực lượng Palestine.

Trong khi đó, Ai Cập bác bỏ thông tin cho rằng nước này đã chấp thuận di dời cửa khẩu Rafah giáp với Dải Gaza hoặc xây dựng một lối đi mới gần cửa khẩu Kerem Shalom của Israel. Kênh Al-Qahera News TV cho biết không có cuộc thảo luận nào của Ai Cập liên quan việc di dời cửa khẩu Rafah hay việc giám sát của Israel đối với khu vực này.

Nguồn tin còn nhấn mạnh tới sự tuân thủ của Ai Cập đối với việc Israel rút quân hoàn toàn khỏi cửa khẩu Rafah bên phần lãnh thổ Palestine, đồng thời cho biết Ai Cập từ chối cử bất kỳ lực lượng nào của nước này vào Gaza. Theo số liệu cập nhật của cơ quan y tế tại Gaza do Hamas điều hành, kể từ khi nổ ra xung đột giữa Hamas và Israel ngày 7/10/2023 cho đến nay, đã có tới 37.877 người Palestine thiệt mạng và 86.969 người bị thương.

Nguy cơ bạo lực lan rộng sang Liban

Iran và Thổ Nhĩ Kỳ đã cảnh báo về những hậu quả từ các cuộc tấn công kéo dài của Israel nhằm vào Dải Gaza và khả năng xảy ra tấn công vào Liban. Theo tuyên bố do Bộ Ngoại giao Iran đưa ra ngày 1/7, trong cuộc điện đàm, quyền Bộ trưởng Ngoại giao Iran Ali Bagheri Kani và Bộ trưởng Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ Hakan Fidan đã thảo luận về những diễn biến mới nhất ở Gaza.

Ông Bagheri Kani chỉ trích chiến dịch quân sự của Israel ở Dải Gaza và những lời đe dọa tấn công vào lãnh thổ Liban của Israel. Quyền Bộ trưởng Ngoại giao Iran nhấn mạnh rằng các nhóm vũ trang ở Liban đã hoàn toàn sẵn sàng chống lại các mối đe dọa từ Israel, đồng thời lưu ý rằng bất kỳ hành động tấn công nào của Israel đối với Liban sẽ phải trả giá đắt.

Quyền Bộ trưởng Iran nhấn mạnh, Israel nên biết rằng bất kỳ sai lầm mới nào của nước này ở Liban sẽ kéo theo những diễn biến mới ở cấp khu vực chống lại họ và Tel Aviv sẽ không thể bù đắp cho sai lầm chiến lược của mình. Về phần mình, ông Fidan đánh giá cao Iran vì những nỗ lực giải quyết vấn đề Palestine và chỉ trích các hành động quân sự của Israel đối với người dân ở Gaza, đồng thời cho rằng điều rất quan trọng là Ankara và Tehran phải tiếp tục hợp tác trong vấn đề Palestine, cũng như duy trì an ninh và ổn định khu vực.

Theo Báo Nhân Dân

Có thể bạn quan tâm

Tin cùng chuyên mục

Moskva công bố các chủ đề sẽ đưa ra trong cuộc đàm phán với Kiev tại Istanbul

Moskva công bố các chủ đề sẽ đưa ra trong cuộc đàm phán với Kiev tại Istanbul

Theo Thứ trưởng Ngoại giao Liên bang Nga Sergey Ryabkov, Moskva (Moscow) muốn thảo luận về một “giải pháp ổn định lâu dài” với Kiev trong cuộc đàm phán dự kiến sắp tới tại Istanbul, bao gồm cả việc công nhận các vùng lãnh thổ trước đây thuộc Ukraine như một phần không thể tách rời của Liên bang Nga.

Philippines bầu cử giữa nhiệm kỳ

Philippines bầu cử giữa nhiệm kỳ

Theo phóng viên TTXVN tại Đông Nam Á, ngày 12/5, hàng triệu cử tri Philippines bước vào cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ đầy căng thẳng, nhằm chọn ra hơn 18.000 vị trí lãnh đạo từ cấp quốc gia đến địa phương.

Oman - Sứ giả hòa bình

Oman - Sứ giả hòa bình

Những ngày qua, thế giới ghi nhận tín hiệu tích cực khi nhiều điểm nóng được xoa dịu. Cùng với nỗ lực xuống thang căng thẳng của các bên liên quan, phải kể đến vai trò của những nước trung gian hòa giải, làm cầu nối cho đối thoại, trong đó có Oman, quốc gia được mệnh danh là “sứ giả" hòa bình.

Ý nghĩa vĩnh cửu của Chiến thắng phát xít năm 1945

Ý nghĩa vĩnh cửu của Chiến thắng phát xít năm 1945

Ngày 9-5, Nga và Belarus cùng các nước thuộc Liên Xô trước đây tổ chức kỷ niệm một ngày lễ lớn: 80 năm Ngày Chiến thắng trong Cuộc chiến tranh Vệ quốc vĩ đại (9-5-1945 / 9-5-2025), một trong những cuộc chiến đẫm máu và tàn khốc nhất trong lịch sử nhân loại. Kết cục cuộc chiến này có ý nghĩa thời đại đối với nhiều quốc gia và dân tộc trên thế giới, làm thay đổi căn bản và hoàn toàn cục diện chính trị quốc tế và đặt nền móng cho trật tự thế giới đương đại.

fb yt zl tw