Dự hội nghị đối thoại có lãnh đạo Ban Xã hội, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam; đại diện lãnh đạo một số sở, ngành của tỉnh; lãnh đạo hội nông dân cấp huyện và đại diện hội nông dân cơ sở huyện Bảo Thắng và thành phố Lào Cai.
Tham gia hội nghị đối thoại còn có 140 đại biểu là chi hội trưởng, chi hội phó, hội viên hội nông dân một số xã, phường thuộc huyện Bảo Thắng, thành phố Lào Cai.
Hội nghị đối thoại là hoạt động nằm trong chương trình phối hợp giữa Chính phủ với Hội Nông dân Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam về “Tuyên truyền, vận động, sản xuất - kinh doanh, nông sản thực phẩm chất lượng, an toàn vì sức khỏe cộng đồng, phát triển bền vững”.
Ông Bùi Quang Hưng, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh phát biểu tại hội nghị.
Phát biểu tại buổi đối thoại, ông Bùi Quang Hưng, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh khẳng định: Đẩy mạnh sản xuất - kinh doanh nông sản, thực phẩm an toàn được xác định là một yêu cầu quan trọng, cấp thiết để gia tăng giá trị cho sản phẩm nông nghiệp và đảm bảo sức khỏe, đời sống của Nhân dân, góp phần thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới. Trong những năm qua, các cấp hội nông dân trong tỉnh đã phối hợp chặt chẽ với các ngành, địa phương, đặc biệt là ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn, y tế... tích cực tuyên truyền, vận động hội viên nông dân sản xuất - kinh doanh nông sản, thực phẩm an toàn.
Hội nông dân các cấp tỉnh Lào Cai có 152 cơ sở hội, 1.460 chi hội với 105.870 hội viên, nông dân là lực lượng nòng cốt xây dựng tổ chức hội, đây cũng chính là lực lượng tham gia sản xuất - kinh doanh, chế biến, bảo quản, tiêu thụ nông sản.
Hội Nông dân tỉnh đã chỉ đạo 100% hội nông dân cấp huyện và cơ sở thực hiện vận động các chi hội, cơ sở hội, hội viên, nông dân, hợp tác xã, tổ hợp tác và các doanh nghiệp ký cam kết sản xuất - kinh doanh nông sản an toàn; đưa nội dung tuyên truyền về an toàn thực phẩm, ký cam kết “sản xuất kinh doanh nông sản an toàn” vào nội dung sinh hoạt của các chi hội...
Tại hội nghị đối thoại, cán bộ hội nông dân, hội viên hội nông dân cũng đã trao đổi về chính sách, pháp luật, các vấn đề trọng tâm như: Khó khăn trong thực hiện những chính sách, pháp luật quy định, quy trình sản xuất nông nghiệp an toàn; vấn đề sử dụng hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi; những chính sách của tỉnh về sản xuất, kinh doanh nông sản an toàn, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP; chính sách hỗ trợ, khuyến khích nông dân về sản xuất, tiêu thụ nông sản thực phẩm an toàn các vấn đề về chứng nhận nông sản an toàn thực phẩm, tiêu chuẩn VietGAP; quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp; những nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm; quy định cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm đối với các cơ sở sản xuất - kinh doanh; nhận diện thực phẩm không đảm bảo an toàn...
Đại diện các sở, ngành đã giải đáp, trao đổi, cung cấp thông tin liên quan về chính sách, pháp luật sản xuất - kinh doanh, tiêu dùng nông sản thực phẩm an toàn; định hướng sản xuất nông sản an toàn của tỉnh đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế; tình hình quản lý an toàn thực phẩm tỉnh Lào Cai, các chính sách, quy định và giải pháp nâng cao năng suất, chất lượng của thực phẩm, sản phẩm thực phẩm; thực trạng sản xuất - kinh doanh nông sản an toàn thực phẩm ở tỉnh; hoạt động của Hội Nông dân tỉnh về an toàn thực phẩm...
Kết thúc hội nghị đối thoại, ông Phạm Văn Đức, Phó Trưởng Ban Xã hội, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam nhấn mạnh: Hội nghị đối thoại có ý nghĩa lớn trong việc giúp cán bộ, hội viên nông dân được phổ biến kiến thức, kinh nghiệm, từ đó giúp nâng cao ý thức, trách nhiệm trong việc chấp hành chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm; tích cực phát hiện, tố giác các hành vi vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm; hướng tới xây dựng nền nông nghiệp sạch và bền vững.
Ông Phạm Văn Đức ghi nhận các ý kiến tại hội nghị đối thoại và sẽ kiến nghị, đề xuất với các cơ quan chức năng để có các cơ chế, chính sách phù hợp trong sản xuất nông nghiệp.
Đồng thời đề nghị cán bộ, hội viên hội nông dân nâng cao trách nhiệm trong việc tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân trong sinh hoạt chi hội; chung tay phổ biến các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm, tuyên truyền, vận động người thân và gia đình thực hiện tốt sản xuất - kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn.