Băn khoăn lựa chọn ngành nghề
Trí tuệ nhân tạo (gọi tắt là AI) ngày càng phát triển và đang dần thay thế con người ở nhiều lĩnh vực. Nếu như trước đây, trí tuệ nhân tạo được ứng dụng vào tự động hóa trong sản xuất, lắp ráp, thay thế con người trong những công việc chân tay đơn giản thì hiện nay và trong tương lai gần, nhiều công việc thuộc khối văn phòng, hành chính cũng do trí tuệ nhân tạo đảm nhiệm. Như vậy, rất nhiều nhân sự ở một số ngành nghề đứng trước nguy cơ có thể mất việc.
Theo nghiên cứu mới của ngân hàng Goldman Sachs, các loại trí tuệ nhân tạo sản xuất nội dung như ChatGPT hay Bard có thể tác động đến khoảng 300 triệu việc làm trên toàn cầu. Theo đó, các công việc trợ lý hành chính ở văn phòng có tỷ lệ được tự động hóa cao nhất với 46%. Các công việc trong lĩnh vực pháp lý, kiến trúc và kỹ thuật, hỗ trợ kinh doanh, tài chính, kế toán nghiên cứu khoa học, lập trình, cũng có thể bị thay thế với tỷ lệ trên 30%.
Việc lựa chọn ngành học của các bạn trẻ hiện nay không chỉ dựa vào sở thích, khả năng, năng khiếu, điều kiện theo học, cơ hội việc làm sau khi ra trường mà còn phải tính đến chuyện trong tương lai, ngành nghề đó có bị xóa sổ bởi trí tuệ nhân tạo hay không?
Nguyễn Thành Long - học sinh một trường THPT ở quận Hà Đông, Hà Nội cho biết, mặc dù xác định sẽ lựa chọn học ngành công nghệ thông tin nhưng em cũng lo ngại liệu 5 đến 10 năm nữa, công việc của các kỹ sư IT sẽ như thế nào, có dễ dàng bị thay thế bởi trí tuệ nhân tạo hay không?
Đam mê nghề viết văn, làm báo, Phương Hà, một học sinh THPT ở quận Tây Hồ, Hà Nội dự định sẽ đăng ký tuyển sinh vào các trường đại học đào tạo chuyên ngành báo chí. Song, đây là một trong những ngành nghề được dự báo dễ bị thay thế bởi AI nên Phương Hà có đôi chút do dự.
“Em sẽ phải suy nghĩ thêm bởi ngành này hiện có rất đông bạn đăng ký học và đặc biệt sau này, việc viết lách có thể dần được thay thế bởi AI. Thế nên mình sẽ càng phải cố gắng hơn và khi lựa chọn nhóm ngành thì phải xem là sau này mình có chỗ đứng hay không?” – Phương Hà chia sẻ.
Tư duy “học gì - làm nấy” có còn phù hợp?
Học ngành gì để có công việc ổn định, có chỗ đứng trong xã hội và không bị thất nghiệp bởi AI – đây không chỉ là nỗi lo của một hay hai người mà là băn khoăn của rất nhiều bạn trẻ khi đứng trước sự lựa chọn về nghề nghiệp.
Trao đổi về vấn đề này, TS Tôn Quang Cường - Chủ nhiệm Khoa Công nghệ Giáo dục – Trường Đại học Giáo dục cho rằng, nếu nhìn một cách tiêu cực thì sẽ thấy trí tuệ nhân tạo và máy móc có khả năng “cướp” mất công việc của con người trong tương lai. Nhưng nếu nhìn một cách tích cực sẽ thấy, trí tuệ nhân tạo đang là một công cụ tuyệt vời hỗ trợ con người tăng năng suất và hiệu quả công việc.
“Dù trí tuệ nhân tạo có phát triển có thông minh đến đâu đi chăng nữa thì cũng không thể vượt quá được giới hạn của sự sáng tạo của con người. Hay nói cách khác, chính chúng ta mới là người tạo ra ranh giới để cho trí tuệ nhân tạo hoạt động. Dù sao trí tuệ nhân tạo cũng không bằng “trí tạo nhân tuệ”. Nên các bạn cứ an tâm, trong một khoảng thời gian sắp tới, chúng ta sẽ chứng kiến những cú đột phá rất mạnh mẽ của trí tuệ nhân tạo, nhưng sự sáng tạo đột phá của chính chúng ta mới là điều quan trọng” - TS Tôn Quang Cường nhấn mạnh.
Trước băn khoăn về việc lựa chọn ngành nghề của nhiều bạn trẻ, TS Tôn Quang Cường gợi ý, xã hội càng ngày càng phát triển, càng văn minh thì lại càng hướng đến con người một cách sâu sắc. Trong giai đoạn tới, những ngành nghề cũng như các công việc chuyên sâu giải quyết những nhu cầu thực tế của con người như chăm sóc sức khỏe, giáo dục, nghiên cứu phát triển những giải pháp công nghệ để hỗ trợ cuộc sống của con người… chắc chắn là những ngành không bao giờ lo bị trí tuệ nhân tạo thay thế.
“Sẽ có những ngành nghề, những công việc lặp đi lặp lại, mang tính chất thủ công, theo một quy trình khuôn mẫu sẵn, tạo ra những sản phẩm giống nhau thì chắc chắn là sẽ bị AI thay thế. Và AI cũng có thể thay thế những nhóm lao động mà không chịu nghiên cứu, không chịu sử dụng AI để phục vụ quay trở lại chính mục tiêu và những nhu cầu của con người. Ngược lại, khi chúng ta dấn thân và có những đổi mới sáng tạo, đặt ra những nhiệm vụ mới cho AI để AI tiếp tục phục vụ chúng ta thì sẽ tạo thành một chu trình, một cái vòng lặp mà sẽ không có hồi kết. Như vậy, theo quan điểm của tôi thì không cần phải quá lo lắng, AI sẽ đuổi theo con người và con người sẽ ra lệnh để AI phục vụ một cách tốt hơn” - TS Tôn Quang Cường nói.
AI là một thách thức nhưng mà cũng là một cơ hội. Điều quan trọng đối với các bạn trẻ không phải học “ngành gì”, “nghề nào” mà là “học như thế nào” và “thái độ làm việc như thế nào” để không bị sa thải, không bị đẩy ra ngoài lề trước sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ và trí tuệ nhân tạo.
TS Tôn Quang Cường cho rằng, một xã hội phát triển rất nhanh chóng như hiện nay, cần phải thay đổi quan điểm và cách tiếp cận về việc học tập trong trường đại học. Tư duy “học gì - làm nấy” không còn phù hợp nữa mà các bạn trẻ cần phải trang bị cho bản thân những kiến thức nền tảng và các kỹ năng cơ bản, không chỉ là năng lực thích ứng mà còn có khả năng chủ động thích ứng, dẫn dắt và định hướng hoàn cảnh.
“Trước đây, chúng ta chỉ tập trung vào một số kỹ năng mà hay gọi là kỹ năng cứng. Tuy nhiên, trước sự vận động rất nhanh và đa chiều, thậm chí bất định của một xã hội thì đòi hỏi chúng ta phải có năng lực, luôn luôn đổi mới sáng tạo, luôn luôn sẵn sàng chấp nhận những cái mới để thích ứng, chủ động nắm bắt những cơ hội. Tôi cho rằng, bên cạnh các “kỹ năng cứng”,“kỹ năng mềm”, các bạn trẻ cần có “kỹ năng dẻo” để có năng lực thích ứng và tự học các kiến thức nhằm chủ động đáp ứng thực tiễn. Đặc biệt, trong cái bối cảnh công nghệ ngày càng phát triển thì kỹ năng tự học, tự bồi dưỡng, tự nâng cao năng lực của chính bản thân là một yêu cầu bắt buộc” - vị chuyên gia về công nghệ giáo dục nêu quan điểm.
Theo TS Tôn Quang Cường, các bạn trẻ, nhất là sinh viên, nên xác định, quá trình học trong trường đại học là quá trình thực học để tìm hiểu, khám phá, cập nhật thông tin, xuất phát từ nhu cầu tự thân cũng như thực tế cuộc sống.
“Học như thế nào thì chính chúng ta phải luôn tự vấn bản thân. Nếu hiện nay chúng ta cần một kỹ năng truy vấn để làm việc với AI, thì bên cạnh đó chúng ta cùng cần tự đặt ra những câu hỏi, tự đặt ra những định hướng và xác lập những mục tiêu cần đạt của mỗi một cá nhân. Chính điều này sẽ thay đổi cách học hiện nay của giới trẻ” - TS Tôn Quang Cường nêu ý kiến.
Giáo dục đại học là một quá trình tự học, tự nghiên cứu. Tuy nhiên, trước đây điều kiện bối cảnh để hỗ trợ việc học và nghiên cứu của sinh viên rất hạn chế. Tuy nhiên, hiện nay, khi công nghệ đã phát triển thì chúng ta nên sử dụng sự trợ giúp thông minh bằng công nghệ để thực hiện nhiệm vụ học tập.
“AI là một công cụ trợ giúp rất mẫn cán, thông thái. Thế thì tại sao chúng ta lại không kết bạn với nó và ngược lại trong quá trình đó, chính các bạn sẽ đặt ra được rất nhiều câu hỏi và tự xác định được những vấn đề mà chúng ta cần tiếp tục để nâng cao năng lực của mình. Điều thứ hai là quá trình học tập ở trường đại học đòi hỏi chúng ta không thể thụ động được, chúng ta phải mạnh dạn, có những ý tưởng rất sáng tạo, hiện thức hóa ý tưởng đó. Trong quá trình đó, AI lại tiếp tục hỗ trợ cho chúng ta. Và điểm cuối cùng, học ở đại học không phải chỉ là một sự hấp thu các kiến thức cho dù là theo một cách chủ động mà các bạn hãy mạnh dạn biến những kiến thức, những kỹ năng đó trở thành những phương tiện, những công cụ ban đầu để thực hiện những hoài bão ước mơ của mình, tạo ra những sản phẩm cho chính mình. Ví dụ, trong quá trình học tập, các bạn tương tác với AI thì tại sao các bạn không thể tự tạo ra cho mình một “con chatbot AI” để phục vụ riêng cho nhiệm vụ học tập của bản thân?” - TS Tôn Quang Cường gợi ý và tin tưởng rằng, nếu thực hiện được như vậy, các bạn trẻ sẽ luôn biết cách tự phát triển bản thân rất tốt, có đủ kiến thức, sự hiểu biết và tự tin nhằm tăng cơ hội tìm việc làm, được xã hội trọng dụng, không còn nỗi lo bị thay thế bởi AI.