Tháng 7 và 8 năm 2024, nhóm học sinh gồm: Nguyễn Thị Quỳnh Anh (lớp 9A, Trường THCS Lê Quý Đôn); Nguyễn Đăng Minh Quân (lớp 7B, Trường THCS Ngô Văn Sở); Trần Lâm Tuệ (lớp 6D, Trường THCS Ngô Văn Sở); Nguyễn Ngọc Hải và Đỗ Huy Hiệp (lớp 12A1, Trường THPT số 3), thành phố Lào Cai đã tham gia Cuộc thi Sáng chế quốc tế (iCAN2024) tổ chức tại Toronto (Canada) với dự án"Thiết bị công nghệ cao hỗ trợ người khuyết tật sử dụng và tương tác với máy tính bằng giọng nói và khuôn mặt".
Đây là sự kiện khoa học công nghệ hàng đầu của Canada dành cho các nhà phát minh trên thế giới. Cuộc thi có 756 dự án đến từ 50 quốc gia như Hoa Kỳ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Mexico, Thái Lan, Malaysia, Phillipines, Hong Kong, Việt Nam... Kết quả, nhóm nghiên cứu đã đạt Huy Chương Vàng và 2 giải Đặc biệt.
Cũng trong tháng 8 và 9 năm 2024, nhóm học sinh: Nguyễn Thị Quỳnh Anh và Nguyễn Gia Nhi (lớp 9A, Trường THCS Lê Quý Đôn); Nguyễn Đăng Minh Quân (lớp 7B, Trường THCS Ngô Văn Sở); Nguyễn Quỳnh Anh, Nguyễn Thái Dương và Phạm Quang Vinh (lớp 11A1, Trường THPT số 3), thành phố Lào Cai đã tham gia Cuộc thi sáng chế quốc tế về chăm sóc sức khỏe nâng cao và khoa học đời sống (MTE2024) tổ chức tại Malaysia, với dự án: "Thiết bị hỗ trợ người mù đọc và phiên dịch tài liệu sang ngôn ngữ khác nhau". Cuộc thi có sự tham gia của các tổ chức đến từ Thái Lan, Malaysia, Phillipines, Indonesia, Đài Loan, Việt Nam... Kết quả, nhóm đạt Huy chương Đồng.
Từ tháng 9 đến tháng 11 năm 2024, nhóm học sinh bao gồm: Nguyễn Thị Quỳnh Anh (lớp 9A, Trường THCS Lê Quý Đôn); Nguyễn Đăng Minh Quân (lớp 7B, Trường THCS Ngô Văn Sở); Đặng Bảo Quyên, Nguyễn Ngọc Trần Phú (lớp 11A1); Trần Bảo Anh, Trần Minh Hiếu và Trần Quang Minh (lớp 10A4, Trường THPT số 3), thành phố Lào Cai đã tham gia Cuộc thi sáng chế và đổi mới quốc tế (PRIX EIFFEL) tổ chức tại Paris (Pháp) với dự án: "Máy vi tính tích hợp công nghệ cao dành cho người khuyết tật".
Đây là sự kiện quốc tế hàng đầu dành cho các công ty đổi mới và các phát minh cá nhân, các dự án đánh giá bởi giám khảo đại diện cho cả ngành khoa học và ngành công nghiệp, tổ chức bởi Hiệp hội các nhà phát minh châu Âu - Pháp E.F.I và liên đoàn các nhà phát minh Pháp F.F.I., Quỹ phát minh Haller Pro, Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIIPA). Cuộc thi có sự tham gia của nhiều tổ chức đến từ các nước trên thế giới, như: Canada, Thái Lan, Trung Quốc, HongKong, Việt Nam, Tajikistan, Đài Loan, Malaysia, Pháp… Kết quả, nhóm đạt Huy chương Vàng.
Việc tham gia các cuộc thi, sân chơi nghiên cứu khoa học và sáng tạo kỹ thuật là cơ hội để học sinh tiếp cận với môi trường học thuật quốc tế, phát triển tư duy sáng tạo, rèn kỹ năng công việc nhóm và khơi dậy niềm đam mê nghiên cứu.