GS, NGND Hà Văn Tấn-một trong “tứ trụ” của sử học Việt Nam hiện đại-vừa ra mắt cuốn sách mới có nhan đề “Sự sinh thành Việt Nam” (The making of Vietnam) do NXB Thế giới xuất bản.
Cuốn sách là tập hợp các bài viết đăng trên chuyên mục cùng tên của tờ báo Vietnam Weekly (Thông tấn xã Việt Nam) năm 1990-1991. Dù không có sức khỏe để chỉnh sửa các bài viết song GS Hà Văn Tấn vẫn quyết định xuất bản cuốn sách để đáp ứng yêu cầu của độc giả và theo lời ông cũng là “để ghi nhớ một công việc đã làm”.
![]() |
Bìa sách “Sự sinh thành Việt Nam”. |
106 bài viết đưa độc giả khám phá lịch sử Việt Nam từ thời đại của những truyền thuyết, huyền thoại lịch sử cho đến thời điểm triều Nguyễn thành lập (năm 1802). Vì được đăng tải trên một tờ báo in với yêu cầu hạn chế về dung lượng nên các bài viết ngắn gọn, cô đọng, mỗi bài xấp xỉ 1.000 chữ. Tuy nhiên, lượng thông tin trong cuốn sách không hề ít. Ngoài các bài viết điểm lại các sự kiện quan trọng trong các giai đoạn lịch sử, cuốn sách còn đề cập đến nhiều vấn đề như: Quân sự, văn hóa, tôn giáo, kinh tế, nghệ thuật… Trong bài viết “Quân đội thời Trần”, GS Hà Văn Tấn đã tóm tắt về đặc điểm quân đội thời Trần, góp phần lý giải vì sao nhà Trần lại có thể ba lần đánh bại quân Nguyên Mông. GS Hà Văn Tấn cân nhắc lựa chọn các bài viết đề cập chủ đề thật nổi bật gắn với một triều đại nhất định: Nói về nghệ thuật phải nói ngay đến nghệ thuật thời Lý-thời kỳ đỉnh cao nghệ thuật nước ta; đề cập đến Nho giáo phải nói kỹ thời điểm Nho giáo trở thành “quốc giáo” dưới thời vua Lê Thánh Tông; vấn đề ngoại thương được nhấn mạnh ở giai đoạn Trịnh-Nguyễn phân tranh bởi cả hai bên đều đẩy mạnh giao thương để có chiến phí…
Trong mỗi bài viết, bên cạnh cung cấp thông tin cơ bản về lịch sử Việt Nam cho đối tượng là bạn đọc nước ngoài, GS Hà Văn Tấn cũng đem đến những luận giải về các sự kiện lịch sử một cách khách quan, khoa học. Chẳng hạn, lý giải truyền thuyết về Thánh Gióng cưỡi ngựa sắt, dùng roi sắt là biểu tượng cho việc nghề đúc sắt có mặt ở nước ta từ sớm. Lịch sử không chỉ có những con số và sự kiện khô khan, để lý giải thì cần phải có những kiến thức liên ngành. GS Hà Văn Tấn vốn được giới nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn ở nước ta xem là nhà bác học với kiến thức đông-tây-kim-cổ, đa ngành. Ông tự học chữ Phạn cổ để có thể đọc được những văn bản trên cột đá ở cố đô Hoa Lư, qua đó tìm ra Phật giáo thời nhà Đinh mang đậm yếu tố Mật tông. Ông còn trực tiếp thực hiện nhiều hoạt động khảo cổ để tìm ra bằng chứng khẳng định lại những nhận định quan trọng như văn hóa Đông Sơn có nguồn gốc bản địa, tránh những suy diễn võ đoán, mang tính áp đặt. Sự cẩn trọng và đạo đức của một người làm sử thể hiện khi GS Hà Văn Tấn quyết định dừng viết loạt bài khi đề cập đến nhà Nguyễn. Ông cho rằng đây là triều đại còn nhiều ý kiến khác biệt, cần có những công trình nghiên cứu khác, quan trọng hơn về giai đoạn này trong các mặt kinh tế, xã hội và quan hệ quốc tế. Ông tự nhận là chưa có khả năng để làm điều đó.
Trong bối cảnh phổ biến kiến thức lịch sử chưa có nhiều hoạt động thiết thực, hiệu quả, “Sự sinh thành Việt Nam” của GS Hà Văn Tấn là một cuốn sách dễ đọc, dễ hiểu với tất cả mọi người, khơi dậy tình yêu với lịch sử nước nhà.