Nhận thấy lợi ích của kinh tế rừng, năm 2005, gia đình anh Bàn Trọng Nghĩa (thị trấn Nông trường Phong Hải, huyện Bảo Thắng) đã chuyển đổi 2 ha trồng cây sắn sang trồng cây quế. Khi diện tích trồng quế bắt đầu cho nguồn thu từ việc tỉa thưa, tỉa cành, bán lá, anh Nghĩa thấy hiệu quả kinh tế cao hơn so với cây trồng ngắn hạn nên chuyển đổi thêm 3 ha đất nương đồi sang trồng quế.
Anh Nghĩa cho biết: Cây quế phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu địa phương nên quá trình trồng, chăm sóc thuận lợi. Năm 2021, một phần diện tích quế của gia đình đến tuổi khai thác trắng đã thu về hơn 300 triệu đồng; diện tích còn lại tỉa thưa, bán cành, lá cũng cho thu hơn 50 triệu đồng/năm.
Ở thị trấn Nông trường Phong Hải, những cánh rừng quế đã phủ kín nương đồi. Hiện tổng diện tích rừng toàn thị trấn là hơn 1.500 ha được phủ xanh bởi quế, mỡ. Ông Lê Xuân Cương, Chủ tịch UBND thị trấn Nông trường Phong Hải cho biết: Sau nhiều năm tuyên truyền, vận động, giờ đây việc trồng rừng kinh tế của người dân địa phương đã chuyển thành tự giác. Người dân đầu tư vốn mua cây giống, phân bón, thuê nhân công trồng, chăm sóc rừng. Bình quân mỗi năm người dân trồng mới hơn 250 ha.
Tại huyện vùng cao Mường Khương, trước đây người dân chỉ đăng ký trồng rừng khi có sự hỗ trợ của Nhà nước. Sau nhiều năm tuyên truyền, vận động đã có sự chuyển biến rõ rệt, đó là người dân tự đầu tư trồng rừng. Từ năm 2020 đến nay, trung bình mỗi năm người dân tự trồng mới hơn 300 ha rừng sản xuất.
Xã Bản Lầu là điển hình về trồng rừng sản xuất tại huyện Mường Khương. Trước đây, người dân trên địa bàn xã chủ yếu trồng sắn, dứa, chuối, tuy nhiên do giá chuối, dứa ngày càng bấp bênh, đất bạc màu nên năng suất, chất lượng sản phẩm giảm, thu nhập không cao. Vì vậy, chính quyền xã đã tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi diện tích kém hiệu quả sang trồng các loại cây lâu năm có thu nhập bền vững và cây quế được ưu tiên lựa chọn.
Theo ông Hoàng Văn Kiên, Chủ tịch UBND xã Bản Lầu, công tác trồng rừng của xã đã thu được “trái ngọt” bởi ý thức của người dân đã chuyển thành tự giác. Hiện tại, trên địa bàn xã có hơn 500 rừng trồng sản xuất, chủ yếu là cây quế. Nhờ trồng rừng mà nhiều hộ có thu nhập ổn định.
Ông Đoàn Doanh Tiến, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Mường Khương cho biết: Với việc đẩy mạnh xã hội hóa trồng rừng, những năm gần đây, việc trồng rừng trên địa bàn huyện đều đạt và vượt chỉ tiêu, kế hoạch tỉnh giao. Năm 2022, huyện trồng mới 607 ha/400 ha chỉ tiêu giao. Hiện quỹ đất trồng rừng và nhu cầu trồng rừng sản xuất của người dân rất lớn nên diện tích rừng dự báo tăng mạnh trong những năm tới.
Giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh đề ra chỉ tiêu phấn đấu nâng tỷ lệ che phủ rừng lên hơn 60%. Để đạt chỉ tiêu, toàn tỉnh trồng thêm 25.456 ha rừng và nếu chỉ trông chờ vào sự đầu tư, hỗ trợ của ngân sách nhà nước thì rất khó hoàn thành, bởi theo quy định của Luật Lâm nghiệp thì Nhà nước đầu tư trồng rừng đặc dụng, phòng hộ và hỗ trợ trồng rừng sản xuất. Tuy nhiên, do điều kiện ngân sách nhà nước còn hạn chế nên hầu như trong các giai đoạn trước cũng chỉ đáp ứng được một phần để trồng rừng đặc dụng, phòng hộ, còn việc hỗ trợ trồng rừng sản xuất hạn chế. Vấn đề đặt ra là đẩy mạnh xã hội hóa trồng rừng sản xuất.
Ngành lâm nghiệp đã tăng cường tuyên truyền, vận động người dân tự bỏ vốn đầu tư trồng rừng. Từ năm 2017 đến năm 2022, toàn tỉnh trồng mới hơn 33.200 ha rừng, trong đó 22.300 ha thực hiện bằng hình thức xã hội hóa, chiếm gần 70%.
Để đẩy nhanh tiến độ xã hội hóa trồng rừng, các địa phương đã đưa ra giải pháp, cách làm phù hợp với tình hình thực tế. Trong đó, giao chỉ tiêu nhiệm vụ trồng rừng đến từng xã, gắn trách nhiệm của UBND cấp xã trong việc phát triển rừng tại địa phương; triển khai phát triển kinh tế đồi rừng gắn với việc thực hiện Nghị quyết 10 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lào Cai…
Ông Vũ Hồng Điệp, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Lào Cai cho biết: Việc lập quy hoạch, định hướng phát triển các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao, huy động nguồn vốn, hỗ trợ ứng dụng khoa học - kỹ thuật; xây dựng vùng nguyên liệu gắn với các nhà máy, khu vực chế biến; hỗ trợ người dân và doanh nghiệp trong xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại, chỉ dẫn địa lý đối với các sản phẩm lâm sản chủ lực của tỉnh để nâng cao giá trị lâm sản là những giải pháp hiệu quả giúp nghề rừng ngày càng phát triển.
Cùng với phát triển rừng, công tác quản lý, bảo vệ rừng và phòng, chống cháy rừng được chú trọng, đồng thời tăng cường chăm sóc rừng để đảm bảo đưa diện tích khoanh nuôi và trồng mới sớm đủ tiêu chí rừng. Ngành lâm nghiệp cũng tuyên truyền, vận động người dân trồng cây phân tán, cây đô thị, cây ven đường… hưởng ứng phong trào trồng mới 1 tỷ cây xanh của Chính phủ.