Theo thống kê, hiện tại toàn tỉnh có 3.933 cơ sở thực phẩm, trong đó có 458 cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm, 1.269 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, 2.206 cơ sở kinh doanh thực phẩm. Thị trường thực phẩm tại Yên Bái rất đa dạng, hàng sản xuất tại địa phương, sản xuất từ các tỉnh trong nước và thực phẩm nhập khẩu chủ yếu của Trung Quốc, từ thực phẩm chế biến ăn ngay như: dưa muối, thịt quay, bánh, kẹo, rượu, bia đến thực phẩm tươi sống như: tim, cật, trễ, trứng gà, đến phụ gia như đường hoá học, phẩm màu, hương liệu...
Ông Lương Quốc Dũng- Chi cục trưởng Chi cục VSATTP Yên Bái cho biết: “Công tác tuyên truyền về VSATTP đã được đẩy mạnh, đặc biệt vào các dịp như tết Nguyên đán, “Tháng hành động vì chất lượng VSATTP”, tết Trung thu. Ngoài ra, thực hiện chỉ đạo của các Bộ, ngành Trung ương, Ban chỉ đạo tỉnh đã chỉ đạo các ngành chức năng các cơ quan thông tin đại chúng tập trung tuyên truyền các biện pháp phòng, chống dịch bệnh lây truyền qua thực phẩm, đảm bảo VSATTP sau lũ lụt”.
Năm 2012, Ban chỉ đạo công tác chăm sóc sức khoẻ nhân dân tỉnh đã in sao 1.679 băng đĩa hình, CD, VCD, DVD cung cấp cho 9/9 huyện, thị, thành phố, mở 17 lớp tập huấn cho các đối tượng tham gia chế biến thực phẩm, tập huấn nâng cao năng lực quản lý về VSATTP cho lãnh đạo, cán bộ Khoa An toàn vệ sinh thực phẩm của các trung tâm y tế huyện, thị, thành phố, trạm trưởng trạm y tế, cán bộ chuyên trách, cộng tác viên y tế thôn, bản với 745 học viên, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn mở một lớp tập huấn về quy chuẩn kỹ thuật cho 33 học viên là các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh chè trên địa bàn tỉnh...
Sở Y tế phối hợp thành lập các đoàn kiểm tra, thanh tra liên ngành. Đã thanh tra, kiểm tra 3.803 cơ sở, trong đó có 3.113 cơ sở đạt tiêu tiêu chuẩn, 605 cơ sở vi phạm về VSATTP. Vi phạm chủ yếu là thực phẩm hết hạn sử dụng, không rõ nguồn gốc xuất xứ, thực phẩm chứa vi sinh vật gây hại vượt ngưỡng cho phép, người trực tiếp tham gia sản xuất, chế biến kinh doanh thực phẩm không khám sức khoẻ định kỳ...
Các mặt hàng vi phạm chủ yếu là bánh, kẹo, gà cay, tăm cay, ngô cay không có hạn sử dụng, không đảm bảo tiêu chuẩn về nhãn mác... Các đoàn thanh tra, kiểm tra đã tiến hành xử phạt hành chính 91 cơ sở với số tiền trên 75 triệu đồng, tiêu huỷ nhiều loại hàng hoá kém chất lượng.
Cùng với đó, Sở Công thương đã chỉ đạo Chi cục Quản lý thị trường kiểm tra việc chấp hành các quy định của Nhà nước về công tác đảm bảo VSATTP đối với các đơn vị sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn nhằm ngăn chặn việc mua bán, vận chuyển thực phẩm nhập lậu, thực phẩm giả, kém chất lượng và các sản phẩm không rõ nguồn gốc.
Năm 2012, Chi cục Quản lý thị trường đã xử lý 176 vụ, phạt hành chính trên 380 triệu đồng, tiêu huỷ hàng hoá trị giá trên 123 triệu đồng gồm: gà nhập lậu 5.763 kg, nội tạng gia súc 330 kg, chè không đảm bảo VSATTP 1.384 kg, rượu vang giả 7.455 chai, nước giải khát, rượu, bia các loại 338 chai, mì chính 400 kg...
Điển hình là vụ vận chuyển 750 kg đùi gà đông lạnh không rõ nguồn gốc, cơ quan chức năng phạt hành chính 4 triệu đồng và tiêu huỷ toàn bộ số hàng; vụ vận chuyển 3.735 chai rượu trắng và rượu vang nho giả phạt hành chính 4 triệu đồng và tiêu huỷ lô hàng...
Để phòng ngừa ngộ độc thực phẩm và bảo vệ sức khoẻ, người tiêu dùng chỉ mua và sử dụng các loại thực phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, kiểm tra kỹ nhãn mác, bảo quản tốt thực phẩm. Bên cạnh đó, người tiêu dùng nên mua thực phẩm ở các cửa hàng có đầy đủ điều kiện kinh doanh, có trang thiết bị bảo quản phù hợp, bảo đảm thực phẩm an toàn. Không nên mua ở những quầy hàng, quán hàng bụi bẩn, ẩm ướt hoạc gần nơi ô nhiễm.
Quang Thiều