Giữ nghề làm hương truyền thống

LCĐT - Những ngày giáp tết, ở các bản người Giáy, bà con tất bật chuẩn bị nguyên, vật liệu làm hương như một công việc không thể thiếu để chuẩn bị đón năm mới.

Giữ nghề làm hương truyền thống ảnh 1
Qua nhiều thế hệ, người Giáy vẫn lưu giữ nghề làm hương truyền thống.

Được xem là vật kết nối, thể hiện lòng thành kính của con cháu với tổ tiên, những que hương truyền thống do chính tay đồng bào người Giáy làm từ vỏ, thân, lá cây quen thuộc đã trở thành nét đẹp văn hóa riêng qua nhiều thế hệ.

Bà Nông Thị Liên, 65 tuổi, bà theo chồng về làm dâu tại thôn Kíp Tước 1, xã Hợp Thành (thành phố Lào Cai) đã hơn 40 năm. Chừng đó năm làm vợ, làm mẹ là chừng đó cái tết bà tự tay chuẩn bị nguyên, vật liệu và làm hương dâng cúng tổ tiên. Bà Liên kể, con trai, con gái người Giáy trong vùng này ai cũng biết làm hương. Từ khi còn thơ bé, xem cha, mẹ làm hương, đến khi lớn hơn chút thì phụ làm một số công đoạn, dần rồi quen tay, biết làm lúc nào không hay.

Khác với các loại hương được sản xuất đại trà trên thị trường, hương của người Giáy đến nay vẫn được làm thủ công (trừ việc nghiền bột hương), sử dụng nguyên liệu hoàn toàn từ tự nhiên, thân thiện với môi trường. Để chuẩn bị cho những mẻ hương tết truyền thống, bà Liên thường chuẩn bị trước đó vài tháng. Bà chọn những cây mai 1 - 2 tuổi, thân không sâu, mọt, chặt khúc rồi ngâm nước trước khi phơi khô, chẻ nhỏ làm cán hương, dài khoảng 50 cm và được nhuộm phẩm đỏ, hồng phần dưới gốc. Việc ngâm nước khiến cán hương cháy đều và không bị mọt.

Chuẩn bị xong cán hương, bà tiếp tục vào rừng tìm vỏ cây kháo, cây quế, cây dính (tên thường gọi về loại vỏ cây tạo sự kết dính cho bột hương) và một số cây hương liệu mang về phơi khô, nghiền nhỏ. Trong bột hương có 2 nguyên liệu chính là từ vỏ cây kháo và cây dính theo tỷ lệ 70% và 30%, một phần nhỏ là vỏ quế và hương hiệu khác để tạo mùi hương đặc trưng.

Chuẩn bị đủ nguyên liệu là tới công đoạn se hương, khâu này đòi hỏi người thợ phải thật khéo léo, tỉ mỉ, kiên trì. Quy trình nhúng cán hương vào nước rồi lăn nhẹ nhàng, đều tay với bột hương được lặp đi lặp lại 6 lần sẽ cho thành phẩm là những que hương với phần thân hương màu nâu đậm, thơm mùi hương liệu tự nhiên. Tạo hình xong, hương được mang phơi khô ở sân nhà hoặc những khoảng vườn trống, nơi đón nhiều ánh nắng.

Trong gió xuân sớm, những giàn phơi hương rực màu sắc, thoảng hương thơm đặc trưng bay tỏa, ấy là lúc Tết đã cận kề với người Giáy. Khi que hương cầm nhẹ tay hơn, thân hương chuyển màu nâu nhạt là lúc hương đã khô, được bà con gói vào giấy báo để sử dụng dần.

Giữ nghề làm hương truyền thống ảnh 2
Hương được phơi khô trước khi sử dụng.

Mỗi năm, người Giáy làm hương 1 lần vào dịp giáp tết, đủ số lượng cho gia đình sử dụng cả năm và biếu, tặng người thân, bạn bè. Ngày nay, một số gia đình làm hương với số lượng nhiều hơn, bán tại các chợ phiên với giá khoảng 40 nghìn đồng đến 50 nghìn đồng mỗi bó (gồm 100 que hương).

Hương truyền thống của đồng bào Giáy cháy đượm, bền hương, thơm nhẹ, không gây hại cho sức khỏe, được đồng bào lưu giữ, là “hương tết” đặc trưng, gọi mùa xuân tới trong no ấm, đủ đầy.

Có thể bạn quan tâm

Tin cùng chuyên mục

Thú vui thưởng trà

Thú vui thưởng trà

Thưởng trà là một nét văn hóa đẹp của người Việt và có ở nhiều quốc gia trên thế giới. Không chỉ thưởng thức chén trà ngon, người uống trà còn có dịp chuyện trò, giãi bày tâm sự, thêm gắn kết, yêu thương và sẻ chia.

Nếp sống mới ở khu dân cư

Nếp sống mới ở khu dân cư

Đến thăm gia đình chị Giàng Thị Xinh ở khu dân cư Nặm Mèng, bản Tổng Kim (xã Vĩnh Yên), ấn tượng đầu tiên là ngôi nhà sàn rộng rãi, sạch sẽ, đồ đạc trong nhà sắp xếp gọn gàng, bao quanh nhà là rừng quế xanh tốt. Vườn rau và chuồng nuôi gia súc được bố trí hợp lý, cách xa nơi ở. Đó là những thay đổi tích cực khi gia đình chị Xinh tham gia mô hình “Khu dân cư đồng bào Mông thực hiện nếp sống văn hóa mới” do xã triển khai.

Nhiều tín hiệu tích cực cho truyện tranh Việt

Nhiều tín hiệu tích cực cho truyện tranh Việt

Gần đây các tác giả, họa sĩ truyện tranh của Việt Nam đã đa dạng hóa đề tài, cách thể hiện, từ đó thu hút được nhiều hơn đối tượng độc giả. Cùng với đó, ngày càng nhiều giải thưởng truyện tranh trong và ngoài nước được mở ra với quy mô lớn, cũng tạo điều kiện cho họa sĩ trẻ thể hiện tài năng…

[Ảnh] Miệt mài truyền dạy chữ Nôm Dao

[Ảnh] Miệt mài truyền dạy chữ Nôm Dao

Thôn Pờ Hồ, xã Thanh Bình (Mường Khương) là nơi quần cư của dân tộc Dao tuyển. Cũng như những ngành Dao khác, người Dao tuyển cũng có chữ cổ là chữ Nôm Dao. Trong nhịp sống hiện đại, việc đọc thông, viết thạo chữ cổ của dân tộc không được mấy người trẻ biết đến. Trăn trở với giá trị văn hóa cổ truyền của cha ông, những người tâm huyết đã cùng tạo nên lớp học “0 đồng” để cùng lưu truyền vốn văn hóa cổ.

Lào Cai có thêm 7 nghệ nhân dân gian

Lào Cai có thêm 7 nghệ nhân dân gian

Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam vừa có Quyết định phong tặng danh hiệu Nghệ nhân dân gian và tặng Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp văn hóa văn nghệ dân gian Việt Nam cho các nghệ nhân đã có nhiều cống hiến trong gìn giữ và phát huy văn hóa văn nghệ dân gian dân tộc đợt 2 năm 2024.

fb yt zl tw