Giới thiệu tác giả - tác phẩm: Nguyễn Văn Cự

LCĐT - Tác giả Nguyễn Văn Cự (ảnh dưới), sinh năm 1950, là hội viên Hội Văn học - Nghệ thuật Lào Cai, hội viên Hội Văn học - Nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam.

Tác giả từng giữ các cương vị lãnh đạo chủ chốt như: Bí thư Huyện ủy Bảo Yên; Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh; Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh. Là cán bộ quản lý, nhưng tác giả Nguyễn Văn Cự vẫn dành thời gian để viết. Ông đã cho ra mắt bạn đọc 4 đầu sách: Tập truyện ngắn Hoa trinh nữ; tập truyện dân gian dân tộc Tày: Anh nông dân và con rùa vàng; Tiểu thuyết Đất thiêng và tiểu thuyết Một vòng đời.

Tác giả đã đoạt được một số giải thưởng VHNT tỉnh hằng năm; giải văn học - nghệ thuật 10 năm tái lập tỉnh Lào Cai và giải của Hội VHNT các dân tộc thiểu số Việt Nam. Các sáng tác của tác giả Nguyễn Văn Cự có cái nhìn sâu sắc về mảnh đất và con người nơi ông từng gắn bó, ở đó còn có những trăn trở và tình yêu thương da diết đằng sau những câu chữ. Lối viết dung dị nhưng dễ đi vào lòng người đã tạo cho những tác phẩm của Nguyễn Văn Cự có dấu ấn riêng trong lòng độc giả.

Thời gian này, tác giả đang ấp ủ những dự án viết kịch bản phim. Đây sẽ là những khám phá mới để ông trải nghiệm trên con đường sáng tác văn học của mình.

Hoa trinh nữ (truyện ngắn)

Đã lâu rồi, tôi mới lại có dịp đi tàu hoả về quê ăn tết. Qua một đêm ngồi tàu, hành khách đều mệt mỏi. Cả không gian hình như chỉ còn có tiếng gõ đều đặn của con tàu. Bỗng có tiếng mời thuốc, mời nước ở đầu toa, tôi chờ để uống một chén nước cho tỉnh ngủ. Uống xong, khi trả chén cho cô hàng nước, tôi chợt nhận ra cô đang nhìn tôi thì phải. Lấy tiền ra trả thì cô ta lại ấn cả ấm vào tay tôi và bảo: "Anh khát thì cứ uống đi!". Nói rồi, cô vội vã quay về cuối đoàn tàu. Tôi không kịp nói gì, tay cầm ấm, chén mà ngỡ ngàng lúng túng.

Một lúc sau trấn tĩnh lại, tôi chợt nhận ra một nét rất quen qua cái nhìn ấy. Ừ!... Đôi mắt ấy… Cả người tôi nóng lên như có một dòng điện chạy qua. Thôi! Đúng là Trinh rồi, khuôn mặt có gầy đi, mái tóc đã vương vấn bụi trần, nhưng ánh mắt ấy thì không thể nào khác được. Tôi bàng hoàng cả người. Bất giác những kỷ niệm của một thời choáng ngợp cả tâm trí của tôi.

… Ngày ấy… chúng tôi là bạn học của nhau. Phố huyện của tôi nghèo lắm! Gọi là phố, nhưng cũng chỉ như một làng nhỏ ở miền xuôi. Mọi người trong phố sống với nhau đầm ấm như ở những làng quê. Là năm học cuối cấp III, nên chúng tôi thường ghép đôi với nhau. Mọi người thường bảo, tôi với Trinh là đẹp đôi nhất! Trinh có đôi mắt đẹp như mắt Đức mẹ đồng trinh. Có cái nhìn đằm thắm và tha thiết lạ thường. Một lần tan học, Trinh bảo tôi: "Hôm nay nhà mình đi vắng cả, về nhà mình ăn cơm đi!". Dọn cơm xong, nhưng tôi thấy trên mâm cơm chỉ có một bát và một chiếc thìa. Trinh xới cơm đưa cho tôi. Tôi đói quá, muốn vồ lấy bát cơm ăn ngay, nhưng cố kìm lại và lưỡng lự hỏi: "Thế còn bát của Trinh?". Trinh không nói, chỉ nhìn tôi tủm tỉm cười: "Thôi, đói thì cứ ăn đi!". Và thế là tôi cắm cúi ngồi ăn… Ăn xong, Trinh rót cho tôi một chén nước. Có điều Trinh cầm chén lên và uống đi một nửa rồi mới đưa lại cho tôi. Ánh lửa bập bùng làm cho mắt Trinh sóng sánh. Tôi ngây ngất nhìn Trinh, như người leo dốc hụt hơi, muốn nói mà không sao nói được. Tôi lơ đãng cầm lấy uống luôn mà không hề nghĩ đằng sau động tác ấy có ẩn ý gì không? (Sau này nghĩ lại tôi mới biết, hôm ấy Trinh muốn cùng tôi ăn chung một thìa, một bát, cùng uống chung chén nước).

Đêm ấy về nhà, tôi nghĩ ra bao nhiêu là câu nói hay, để mai đến trường nói với Trinh. Nhưng khi gặp Trinh, tôi không còn nhớ ra một điều gì nữa. Mãi đến lúc tan học trên đường về nhà, tôi mới hỏi nhỏ: "Hôm qua Trinh đói lắm phải không?". Trinh đấm tôi thùm thụp: "Người đâu mà ngố thế?"…

Cuối năm học ấy, cũng là lúc chúng tôi đủ tuổi tham gia vào tổng động viên chống Mỹ cứu nước. Ngày sắp lên đường, chúng tôi thường rủ nhau ra đứng trên cầu phố huyện để tâm sự, vì chỉ có nơi ấy mới là thơ mộng hơn cả. Những ngày đầu thu, gió nhè nhẹ thổi, nước dưới sông lấp lánh như ánh bạc, thỉnh thoảng lại có một vài đám mây chạy lang thang trên bầu trời cao vời vợi, sương đầu mùa mỏng tang như lụa càng làm cho không gian thêm huyền ảo. Trinh nép vào người tôi và trao cho tôi một tấm khăn vải, trên đó có thêu một nhành hoa trinh nữ. Trinh nữ là một loài hoa dại, nó không đẹp khi đem cắm vào lọ, nhưng lại đẹp đến mê hồn nếu ta được ngắm cả một cánh đồng trinh nữ đang độ nở hoa. Trinh thường ước ao có một sức sống mãnh liệt như loài hoa trinh nữ này. Và ký ức về loài hoa trinh nữ trong tôi từ đó trở thành một kỷ niệm đẹp không thể phai mờ.

Huấn luyện xong là chúng tôi được đưa ra chiến trường ngay. Tôi may mắn được trở ra Bắc làm liên lạc cho một đơn vị nhận quân. Địa điểm nhận quân lại chính là quê hương của mình. Được lãnh đạo cho về thăm nhà mấy hôm. Tối đó, tôi cùng Trinh lặng lẽ cầm tay nhau đi dọc theo bờ sông phố huyện. Trinh trầm ngâm, tựa sát vào tôi. Linh cảm trong tình yêu mách bảo tôi sẽ có một điều gì đó… Bỗng Trinh ôm chầm lấy tôi nói khẽ: "Tối nay…, tối nay… chúng mình ở lại với nhau bên bờ sông này nhé!". Tôi lưỡng lự: "Nhưng…, nhưng…". Trinh dứt khoát: "Không nhưng gì cả, ngày kia là họ đến ăn hỏi rồi". Tôi bàng hoàng: "Sao?... Ăn hỏi ai? Có liên quan gì đến chúng mình?". Trinh vẫn ôm chặt lấy tôi: "Chuyện dài lắm! Họ ăn hỏi thì kệ họ, em chỉ yêu mình anh thôi, chờ anh bao lâu em cũng chờ được".

Thực tình chúng tôi mới chỉ yêu nhau theo cách yêu của tuổi học trò, còn tình yêu đôi lứa thì cũng chỉ như nụ hoa chớm nảy trên cành. Cái tuổi 19 của tôi được nắm tay một người con gái đã là lãng mạn lắm rồi. Tôi thấy sợ… mặc dù cái khát vọng được yêu trong tôi như một ma lực… Cùng lúc ấy, dưới sông đám thuyền chài cũng bắt đầu về bến. Tôi và Trinh rời nhau. Tôi nói nhỏ: "Thôi ở đây không tiện, tối mai kể cho anh nghe nhé". Vào thu, nên kho hợp tác trống không, tôi hẹn Trinh tối mai tới đó. Cũng không ngờ rằng đây là một buổi tối cuối cùng êm đềm nhất chúng tôi được ở bên nhau. Chiến tranh như một lực đẩy vô hình đưa dần chúng tôi ra đầu xa cách. Tối sau, vừa đến đống rơm của nhà kho, chúng tôi đã quấn quýt bên nhau, tưởng như trời sinh ra thế gian này chỉ là sở hữu của riêng mình. Bỗng có tiếng chân người và một chuỗi âm thanh nặng trịch phát ra trong cổ họng: "Con này giỏi thật, dám bỏ nhà theo giai à?". Trinh bật người đứng dậy: "Anh chạy đi! Bố em đấy!". Tôi chưa kịp phản ứng gì thì ông đã sấn vào nắm lấy tay Trinh. Tôi vội nói: "Thưa bác, lỗi là tại cháu, Trinh không có lỗi gì đâu ạ!". Ông gạt tôi ra dằn giọng: "Anh tránh ra để tôi dạy con tôi!". Nói rồi, ông lao vào góc kho, lấy chiếc đòn cân lúa bằng gốc tre đực, nhằm thẳng vào Trinh mà vụt. Tôi vội kêu lên: "Trinh chạy đi!". Nhưng Trinh vẫn đứng như trời trồng. Và sau đó, tôi chỉ còn biết làm như một cái máy, lao đầu vào người ông, cây gậy văng ra, ông ngã ngửa vào đống rơm. Tôi vác Trinh chạy một mạch ra bãi soi bên bờ suối…

Hôm sau ra xe trở về đơn vị, biết Trinh không đến tiễn được, nhưng tôi vẫn mong, vẫn đợi. Khi xe chạy ra đến đầu phố huyện, thấy một một người con gái mặc áo màu tím hoa cà đứng vẫy nón bên đường, mắt tôi nhoè đi vì sung sướng! Người con gái đó là Trinh. Tôi nhoài người ra cửa xe: "Trinh!... Anh đây!...". Tôi cứ nhoài người như vậy cho đến khi bóng Trinh khuất vào bóng núi...

…Tàu về đến ga, tôi vội xuống tìm Trinh. Nhưng… Trinh đã lên đoàn tàu chạy ngược. Ở cửa tàu, tôi vẫn còn kịp nhận ra một bóng người mặc áo màu tím hoa cà, bóng em nhoè dần, nhoè dần… Tôi chợt tỉnh, đi về cửa ga, thầm nghĩ: "Đời tôi và Trinh cũng giống như những con tàu, vội vã đến ga rồi lại vội vã ra đi…".

Mồng hai tết, tôi đến thăm mẹ Trinh. Tôi chúc tết và mừng tuổi bà theo phong tục. Bà cảm ơn tôi, rồi nói: "Nhìn anh thì tôi không nhận ra, nhưng nghe giọng nói, tôi biết ngay anh là bạn của con Trinh thời trước!". Thế rồi bà cứ nói, hình như lâu lắm bà không được giãi bày với ai. Bà nói: "Bác nói chuyện cũ nó buồn, nhưng anh thông cảm, bác nói là nói hộ cho con Trinh. Cái hôm ông nhà tôi bắt gặp anh và con Trinh ở nhà kho, về nhà nó run lẩy bẩy, cứ ôm lấy mẹ mà khóc. Ông ấy chẳng nói chẳng rằng, cầm con dao vót nan đặt lên bàn, uống hết nửa chai rượu, rồi gọi bác và con Trinh ra. Hai mẹ con đứng nép vào cây cột này. Ông ấy đứng lên giơ thẳng con dao nhằm hướng trên đầu vợ con mà chém. Bác ấn con Trinh ngồi thụp xuống thì con dao cũng bập vào cột. Ông ấy lắc đi lắc lại một lúc mới gỡ được con dao ra khỏi cột. Để con dao xuống bàn, ông ấy nói dằn từng tiếng: Khi nào vết chém trên cột này liền thì tôi mới thay lời ước hẹn!". Lời ước hẹn của bố Trinh thì tôi đã biết: Chuyện nói lại thì dài, nhưng đấy là lời hứa gả con cho nhau của hai người bạn. Không ngờ lời hứa ấy lại là tai hoạ cho mối tình đầu của tôi và cho cuộc sống của Trinh sau này. Trinh kiên quyết từ chối đám ăn hỏi do bố sắp đặt. Còn tôi sau khi vào lại chiến trường, trong một trận đánh bom, tôi bị thất lạc và đã có báo tử về địa phương. Di vật của tôi gửi về có cả tấm khăn thêu nhành hoa trinh nữ mà Trinh tặng tôi lúc lên đường. Trinh sang nhà tôi xin phép bố mẹ tôi để thắp nén hương cho tôi. Sau đó ba năm, như một định mệnh, Trinh vẫn phải lấy người chồng do bố sắp đặt…

Tôi ngước mắt nhìn lên cột nhà, nơi có vết chém, nhưng vết chém hình như đã liền! Thấy vậy tôi lưỡng lự hỏi bà: "Thưa bác thế còn…?". Bà hiểu ý tôi và giải thích: "À! Thằng chồng con Trinh sau này không ngờ lại thành một người hư hỏng… Ông ấy nhà tôi ân hận quá, tự tay nấu sáp ong gắn vào vết chém trên cột. Lúc sắp chết, cho gọi con Trinh về, không nói được nữa, nhưng vẫn còn kịp cầm tay nó và chỉ vào vết chém trên cột. Con Trinh nhìn theo, rồi gục xuống ôm lấy bố mà khóc!...

Tôi như vừa trải qua một giấc mơ… Trời ơi! Nếu như không nhìn thấy Trinh trên tàu, nếu như không đến thăm mẹ Trinh thì với tôi, những chuyện này sẽ mãi mãi như hòn đá vô tình trơ trơ bên bờ suối. Trinh là như vậy! Những người ở phố huyện quê tôi là như vậy! Thì ra con người ta chỉ chưa hiểu nhau thôi, chứ thực lòng thì ai cũng muốn sống tốt với nhau.

Trên đường về nhà, tôi thả cho tâm hồn vương vấn với những kỷ niệm xa xưa: Đây là con đường chúng tôi thường đi học về; kia là bến sông đầu phố, con đò cũ được thay bằng cây cầu treo, xa xa như điểm vào không gian một đường cong huyền diệu; ngoài bãi sông là ngút ngàn những vạt hoa trinh nữ đang nảy lộc vào xuân… Gần 30 năm!... những dấu ấn của không gian, của cuộc đời cũng đã phôi pha, chỉ còn có tình yêu của con người ở nơi này là vẫn còn xanh như cánh rừng xa phía chân trời!...

Có thể bạn quan tâm

Tin cùng chuyên mục

Triển lãm ảnh tri ân những người mẹ Việt Nam huyền thoại

Triển lãm ảnh tri ân những người mẹ Việt Nam huyền thoại

Những ngày tháng Tư lịch sử, có một triển lãm ảnh diễn ra giữa trung tâm Thủ đô Hà Nội mà hầu như ai bước vào xem cũng xúc động, nhiều người rơm rớm nước mắt…, đó là triển lãm “Ký ức và huyền thoại” tại Trung tâm Thông tin văn hóa Hồ Gươm (Hoàn Kiếm, Hà Nội), trưng bày 50 chân dung Mẹ Việt Nam được Đại tá, nhà báo, nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Hồng ghi lại trong suốt gần nửa thế kỷ qua.

Chương trình nghệ thuật “Mừng ngày hội non sông” - Khúc tráng ca mừng 50 năm ngày Giải phóng miền Nam

Chương trình nghệ thuật “Mừng ngày hội non sông” - Khúc tráng ca mừng 50 năm ngày Giải phóng miền Nam

Chào mừng kỷ niệm 50 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025), tối 30/4, UBND thành phố Lào Cai đã tổ chức chương trình nghệ thuật “Mừng ngày hội non sông”, nhằm tôn vinh những trang sử hào hùng của dân tộc và khẳng định thành tựu trong hành trình xây dựng, phát triển quê hương, đất nước hôm nay.

Kỷ vật Trường Sơn - giá trị lịch sử

Kỷ vật Trường Sơn - giá trị lịch sử

Tại Bảo tàng tỉnh Lào Cai, hơn 100 hiện vật Trường Sơn - những kỷ vật vô giá, những dấu ấn của một thời chiến tranh gian khổ đang được lưu giữ cẩn thận. Những kỷ vật này được tiếp nhận từ Hội Truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh Việt Nam tại Lào Cai vào năm 2019.

Vinh danh 18 “Trạng Nguyên nhỏ tuổi”

Vinh danh 18 “Trạng Nguyên nhỏ tuổi”

Ngày 29/4, tại Di tích Quốc gia đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội), Vòng Chung kết toàn quốc Ngày hội “Trạng Nguyên nhỏ tuổi”, Viết chữ đẹp: “Nét chữ - Nết người” lần thứ XXIII và Bảng vàng ghi danh lần thứ V, năm học 2024 - 2025 đã diễn ra trong không khí sôi nổi.

Hấp dẫn chương trình nghệ thuật 'Sức sống Trường Sa'

Hấp dẫn chương trình nghệ thuật 'Sức sống Trường Sa'

Tối 29/4, tại thành phố Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa, Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân phối hợp cùng Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh tổ chức chương trình chính luận nghệ thuật mang chủ đề “Sức sống Trường Sa”. Đây là hoạt động kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng Quần đảo Trường Sa (29/4/1975 - 29/4/2025) và 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2025).

Trưng bày chuyên đề lịch sử “Lào Cai thời Pháp thuộc” và Triển lãm tranh, ảnh nghệ thuật Lào Cai

Trưng bày chuyên đề lịch sử “Lào Cai thời Pháp thuộc” và Triển lãm tranh, ảnh nghệ thuật Lào Cai

Bảo tàng tỉnh Lào Cai phối hợp với Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh tổ chức trưng bày chuyên đề lịch sử “Lào Cai thời Pháp thuộc” và Triển lãm tranh, ảnh nghệ thuật về Lào Cai. Đây là hoạt động chào mừng kỷ niệm 50 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025).

Tinh thần yêu nước đỏ thắm mạng xã hội

Tinh thần yêu nước đỏ thắm mạng xã hội

Những ngày tháng 4 lịch sử, cả nước hướng về kỷ niệm 50 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Trên khắp các nền tảng mạng xã hội cũng nhuộm màu đỏ tươi của quốc kỳ, áo cờ đỏ sao vàng hay những bản nhạc, điệu nhảy, lời ca mang tinh thần yêu nước. Mạng xã hội đang trở thành “mặt trận” lan tỏa niềm tự hào dân tộc theo những cách rất riêng.

Vượt qua định kiến "ký ức lưu trữ"

Vượt qua định kiến "ký ức lưu trữ"

Trong dòng chảy của điện ảnh, phim tài liệu luôn giữ vai trò như một chứng nhân lịch sử, ghi lại chân thực đời sống con người và xã hội. Tuy nhiên, ở thời đại công nghệ số, phim tài liệu Việt Nam đứng trước thách thức phải vượt qua định kiến “ký ức lưu trữ” để trở thành tác phẩm nghệ thuật sống động.

Nghĩa Đô sẵn sàng cho Lễ hội quả Còn

Nghĩa Đô sẵn sàng cho Lễ hội quả Còn

Sáng 30/4 tới đây, tại xã Nghĩa Đô (huyện Bảo Yên), Lễ hội quả Còn sẽ chính thức diễn ra. Đến thời điểm này, các công đoạn chuẩn bị cho lễ hội đang được ban tổ chức và người dân gấp rút hoàn tất sẵn sàng cho sự kiện lần đầu tiên được tổ chức.

fb yt zl tw