Gió Lũng Pô thổi dọc sông Hồng

Tôi không nhớ nổi đã lần thứ bao nhiêu quỳ ôm cái cột mốc đường biên mang số thứ tự 92 ấy. Tôi cũng chẳng lý giải được, cây cột mốc ấy có ma lực gì mà cứ mỗi lần nhìn thấy nó, lại một lần nôn nao.

Không gượng ép, cứ như lẽ tự nhiên, ôm nó kể từ lần gặp đầu tiên, khi cột mốc mới chỉ dựng bằng bê tông, khô khốc, vuông vức không khác cột cây số ven quốc lộ là mấy. Khi đó “92” nằm giữa vùng um tùm lau sậy, muốn xuống phải rẽ lau, lội cỏ dại, lá lau cứa ngang mặt mới gặp.

Cột mốc số 92 - nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt.

Lần đầu tiên thấy “92” khi cậu bạn biên phòng cưỡi con win Tàu nghênh ngang ra đón rồi thồ tôi men đường mòn, rẽ lau xuống cột mốc, cười khinh khích: "Đồn Biên phòng A Mú Sung quản lý đường biên giới dài 27 km, với 4 cột mốc, được đánh số từ 90 đến 94. Mốc biên giới 92 này là nơi con sông Hồng “chồ” vào đất Việt mà". Tôi ngẩng mặt nhìn hắn. Cái chữ “chồ” hắn vừa nói ra nghe vừa lạ lẫm, vừa ngồ ngộ lại ám ảnh. Điểm đặt cột mốc ấy nơi con sông Hồng “chồ vào” - điểm đầu tiên sông Hồng chảy vào đất Việt có tên gọi Lũng Pô, nằm trên địa phận xã A Mú Sung, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai. Nó là điểm cực Bắc huyện Bát Xát, thuộc địa bàn quản lý của Đồn Biên phòng A Mú Sung.

Lang thang trò chuyện với người dân bản, mới biết, Lũng Pô - tên Việt cổ gọi là Long Bồ, là một dòng suối vốn là nhánh nhỏ của sông Thao, bắt nguồn từ dải núi biên giới Việt - Trung ở phần Bắc xã Nậm Xe, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu. Suối nguồn có hướng chảy Đông Nam đến hết địa phận xã Nậm Xe. Khi sang vùng đất xã Y Tý, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai thì đổi hướng Đông Bắc và chảy đến bản Lũng Pô, xã A Mú Sung, tiếng địa phương là Đồi con rồng lớn, cũng có nghĩa là đầu rồng, dòng suối uốn mình lượn quanh mỏm đồi tựa đầu rồng, đổ ra ngã ba bản Lũng Pô.

Khi đó, nó gặp dòng chảy con sông Nguyên Giang (theo tên gọi của phía Trung Quốc) chảy vào Việt Nam với tên gọi sông Hồng, chia đường phân thủy hai nước Việt - Trung ở cột mốc 92. Đó cũng chính là điểm đầu tiên sông Hồng “chồ” vào đất Việt như người bạn biên phòng của tôi giới thiệu. Từ đây, sông Hồng chảy miệt mài trên đất Việt, qua trung du rừng cọ, đồi chè rồi mang phù sa bồi đắp nên châu thổ phì nhiêu, màu mỡ với nền văn minh sông Hồng rực rỡ gắn với bao thăng trầm của lịch sử dân tộc.

Và rồi, không là điểm cực Bắc như Lũng Cú - Hà Giang, không là điểm cực Tây như A Pa Chải - Điện Biên, không là nơi đặt nét bút để vẽ nên hình chữ S của tấm bản đồ nước Việt ở Trà Cổ - Móng Cái - Quảng Ninh, Lũng Pô với cột mốc số 92 ghi đậm dấu ấn trong lòng mỗi người dân đất Việt bởi ở đó không chỉ là điểm đánh dấu nơi dòng sông Cái - sông Hồng chảy vào nước Việt mà còn là hồn vía, là nơi gìn giữ những trang sử lặng thầm về cội nguồn, về cả những hưng thịnh, những máu xương của bao thế hệ người Việt Nam trên miền biên viễn.

Nơi con sông Hồng hòa vào suối Lũng Pô chảy vào đất Việt.

Mang trong mình những ngân rung ấy, lẳng lặng leo lên đỉnh đồi Rồng, phóng tầm mắt theo dòng chảy của sông Hồng về xuôi, những bản làng thấp thô bên những thửa ruộng nằm gối nhau xanh mướt một màu ngập tràn mắt tôi. Gió mang hương đất, hương rừng ngập tràn lá phổi, tôi bỗng thấy rưng rưng. Phải chăng, cái màu nước nơi sông Hồng “chồ” vào đất Việt, nơi nước sông mang hai màu nâu đỏ và xanh dương như một dấu ấn không hạn định về sự tiếp giáp thiêng liêng, là sự định danh nhưng cũng là sự hội nhập cùng phát triển nơi dải đất biên viễn này.

Lũng Pô - điểm nhớ của lịch sử

Chuyện bắt đầu bên bếp lửa nhà già Thào Mí Lở từ thuở thực dân Pháp xâm lược Việt Nam. Trước đó, vùng rừng núi này vốn là địa bàn của người Mông, người Dao, người Giáy cùng sinh sống. Câu ca “Giáy thấp, Mông cao, Dao lơ lửng” là để kể về sự phân chia vùng dựng nhà của mỗi tộc người. Họ cứ sống yên bình cùng rừng, cùng suối, cùng những lễ hội, tết mùa của riêng mình. Chỉ đến khi có sự xuất hiện của tộc người lạ: da trắng, mắt xanh, mũi lõ, tiếng nói như chim không phải tiếng Mông, tiếng Dao, tiếng Giáy thì cánh rừng, con suối Lũng Pô này xáo động.

Già làng Thào Mí Lở tợp ngụm rượu, khục khặc đầu: “Người già Lũng Pô nói lại: “Năm 1886, các nhà buôn dẫn đường tàu chiến Pháp mang cái súng khềnh khàng ngược sông Hồng lên đánh chiếm Lào Cai. Tàu nó chạy ùng ục ngoài sông, miệng cái súng nó khạc lửa vào bản. Người chết, trâu chết, nhà cháy... Người Mông mà nhiều nhất là người dòng họ Thào đã cùng các dòng họ khác, cùng người Dao, người Giáy... hợp sức, đánh lại bọn nhà buôn và bọn Pháp.

Rừng suối Lũng Pô hằng ngày cho cái rau, cái ngô, cái thịt nuôi họ thì nay lại cùng dân đánh bọn cướp đất, cướp bản. Bằng súng kíp, bẫy đá, người Mông, người Dao, người Giáy, Hà Nhì đã đánh lại quân mũi lõ. Trận đầu tiên, bà con đã phục kích và tiêu diệt quân Pháp tại Trịnh Tường. Chỗ ấy, giờ vẫn còn thác Tây đấy. Yên được một dạo, sau chúng lại kéo lên. Tám năm sau, tại Lũng Pô này, người Lũng Pô lại phục kích đánh tan tác một đoàn quân Pháp”.

Câu chuyện của già Thào Mí Lở chính là khúc khởi đầu của truyền thống chống giặc giữ biên cương hào hùng của địa danh lịch sử này, để sau đó những cuộc chiến đấu của bao người lính biên phòng bảo vệ biên giới thiêng liêng của Tổ quốc trong suốt dặm dài lịch sử được nối tiếp, đặc biệt nơi đây trở thành địa danh ghi nhớ về sự hy sinh của những người lính biên phòng và bà con các dân tộc ít người trong cuộc chiến đấu chống quân xâm lược bảo vệ biên cương Tổ quốc tháng 2/1979.

Câu chuyện về sự mất mát hy sinh của quân dân dọc tuyến biên giới phía Bắc miên man như hành trình ngược khúc sông Hồng từ Lũng Pô phân chia biên giới Việt Nam - Trung Quốc ở Bát Xát - Lào Cai khiến cả người nói và người nghe đều day dứt. Trên tấm bia nơi mảnh đất địa đầu tại Đồn Biên phòng A Mú Sung, đúng nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt, vẫn khắc tên 30 người lính đã hy sinh trong cuộc chiến bảo vệ biên giới ngày 18/2/1979.

Những nén hương cháy đỏ lập lòe trong sương mù sớm nay nơi đài tưởng niệm tại vị trí đồn mới như những đôi mắt đỏ nhắc nhớ người đến sau về tinh thần dũng cảm, kiên quyết tấn công kẻ địch đến hơi thở cuối cùng. Dòng chữ trên tấm bia tưởng niệm thêm lần nữa khẳng định chủ quyền biên giới thiêng liêng là bất biến.

Lũng Pô - cột mốc của lòng tự hào, của tình yêu Tổ quốc

“Dưới bóng vàng sao nơi biên giới

Đá cũng là dân đất nước tôi

Chiều xuống sương bò ra mặt đá

Như người giữ nước đổ mồ hôi

Cả đá lẫn người đều lẫm liệt...”.

Những câu thơ của Đỗ Trung Lai không chỉ khắc chạm bao gian khó của quân dân biên giới nói chung, Đồng Văn nói riêng mà còn khắc khoải một tình yêu Tổ quốc gửi trên mảnh đất Lũng Pô này. Khi Lũng Pô không chỉ là điểm đánh dấu nơi dòng sông Hồng chảy vào đất Việt mà còn là điểm gìn giữ những trang sử lặng thầm miền biên viễn, nơi ghi công những hy sinh của quân dân biên giới đã chiến đấu và ngã xuống để bảo vệ Tổ quốc.

Để khắc ghi điều ấy, ngay tại vị trí cột mốc số 92 dưới chân mỏm núi Rồng của bản Lũng Pô, ngày 26/3/2016, cột cờ Lũng Pô cao 41m, trong đó, phần thân của cột cờ là 31.34m gắn với biểu tượng “Nóc nhà Đông Dương” của đỉnh Phanxipang huyền thoại được khởi công xây dựng với khuôn viên rộng 2.100 m2 do Tỉnh đoàn Lào Cai làm chủ đầu tư và hoàn thành vào ngày 16/12/2017.

Leo qua 125 bậc thang hình xoắn ốc qua 9,57m chiều dài thân cột, bạn sẽ lên đỉnh cột cờ nơi lá cờ đỏ sao vàng rộng 25 m2 tượng trưng cho 25 đồng bào dân tộc anh em đang sinh sống tại tỉnh Lào Cai kiêu hãnh tung bay trong gió biên thùy.

Tuần tra bảo vệ cột mốc số 92.

Cột cờ Tổ quốc nơi điểm Lũng Pô thêm một lần nhắc nhớ về những chiến công, về sự hy sinh kiên cường của quân dân nơi này đã giữ cho mảnh đất biên giới được bình yên và là biểu tượng của lòng tự hào dân tộc. Từ trên đỉnh cột cờ, phóng tầm mắt thật xa theo sắc đỏ của dòng sông Hồng đang cuộn chảy dưới chân, nơi hun hút một màu xanh bạt ngàn phía dưới là ngã ba sông của miên man nương ngô, chuối, sắn... đôi bờ đủ cho lòng ta ngân lên những ngân rung khi ta hiểu màu xanh ấy, sắc đỏ kia ở từng tấc đất, từng cành cây, ngọn cỏ nơi này đều thấm máu của bao người đã ưỡn ngực trần giữ đất, bảo vệ cương thổ đất nước. Lá cờ bay phấp phới hiên ngang giữa nắng, gió khẳng định dù bất cứ giá nào, biên giới quốc gia luôn vững chắc.

Giờ đây, khi chiến tranh đã lùi xa, khi dòng sông Hồng từ điểm “chồ” vào đất Việt vẫn lớn ròng cùng con nước thì chủ quyền Tổ quốc được bảo vệ bằng thế trận lòng dân. Đó cũng vẫn là một câu chuyện rất rất dài. Kết thúc chiến tranh, cái khó, cái khổ, cái cơ cực của đồng bào nơi đây nhiều như lá cây rừng, nhiều đến nỗi không thể nào nhớ hết.

Địa bàn quần cư của 5 dân tộc Mông, Dao, Tày, Nùng, Kinh cùng tập quán canh tác nương rẫy và khai thác các sản vật từ rừng, khi tắt tiếng súng, cuộc sống của đồng bào hầu như bắt đầu với chữ số 0: không nước, không đường, không điện, không trường, không trạm; rồi bom mìn trong chiến tranh còn sót lại...

Tất cả những khó khăn ấy dưới sự khéo léo, gần dân, gắn bó với dân nơi biên giới của bộ đội biên phòng - họ đi tiên phong trong các phong trào, làm cho dân nhìn để nói dân nghe dần được gỡ bỏ... Để hôm nay, rất nhiều cái mới, nhiều mô hình làm kinh tế có hiệu quả giúp bà con cải thiện cuộc sống, có ăn, có mặc tiến tới làm giàu được khẳng định. Bây giờ, điện, đường, trường, trạm đã lên tới tận cột mốc Lũng Pô, cuộc sống người dân đã ấm no, dần bắt kịp với bản làng dưới thấp.

Từ Lũng Pô, dòng sông Hồng cuồn cuộn chảy về xuôi. Theo dòng chảy ấy, truyền thống quật cường của dân tộc được truyền tụng qua bao thế hệ người dân đất Việt. Sông Hồng kia vẫn ngày đêm từ Lũng Pô chảy vào thân thể Tổ quốc bằng chiều dài 517 km với 10 tên gọi khác nhau tùy vào cách gọi của mỗi địa phương, tùy theo nền văn hóa của mảnh đất nó chảy qua.

Đoạn chảy từ Lũng Pô về đến Việt Trì chạm mặt sông Lô nó có cái tên rất thơ: Sông Thao; từ Việt Trì ngã ba sông về Hà Nội nó mang tên gọi Nhị Hà (hoặc Nhĩ Hà theo âm vựng địa phương) để rồi sau đó, sông Hồng thong dong chảy về xuôi làm nên cả nền văn minh sông Hồng rực rỡ với bạt ngàn châu thổ mỡ màu trước khi đổ ra biển ở cửa Ba Lạt. Dù tên gọi của nó là gì thì dòng chảy bắt đầu từ Lũng Pô, dấu ấn của Lũng Pô, của truyền thống yêu nước nơi điểm nó “chồ” vào đất Việt ngàn đời không thay đổi.

baohatinh.vn

Có thể bạn quan tâm

Tin cùng chuyên mục

Sáng trong một người thầy

Sáng trong một người thầy

Tôi biết ơn thầy nhiều lắm, sau cha tôi là thầy, cha sinh ra tôi nhưng thầy là người dưỡng dục. Nếu không có thầy làm sao tôi có được như ngày hôm nay, từ đứa bé nhà quê chân lấm tay bùn, “đầu tắt mặt tối” quanh năm... được học đại học rồi trở về cống hiến cho quê hương!

Sức lan tỏa từ lời kêu gọi của Mặt trận

Sức lan tỏa từ lời kêu gọi của Mặt trận

Kế thừa truyền thống vẻ vang trong suốt chiều dài lịch sử 94 năm qua (18/11/1930 - 18/11/2024), với vai trò là tổ chức liên minh chính trị, đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, là một bộ phận cấu thành quan trọng của hệ thống chính trị, MTTQ Việt Nam có vai trò nòng cốt trong việc xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Nét đẹp văn hóa Việt Nam qua múa rối nước dưới góc nhìn của truyền thông Trung Quốc

Nét đẹp văn hóa Việt Nam qua múa rối nước dưới góc nhìn của truyền thông Trung Quốc

Với dòng tít “Những câu truyện cổ tích dưới nước” - chủ đề vĩnh cửu dẫn dắt con người hướng thiện”, bài viết trên trang Thời báo Hoàn Cầu - một ấn phẩm của Nhân dân nhật báo - Cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc đã ca ngợi nét đẹp văn hóa của Việt Nam thông qua múa rối nước đã được lưu truyền hàng nghìn năm nay.

Khai mạc Tuần Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản văn hóa Việt Nam năm 2024

Khai mạc Tuần Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản văn hóa Việt Nam năm 2024

Tối 16/11 tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội), lễ khai mạc Tuần Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản văn hóa Việt Nam năm 2024 đã chính thức diễn ra. Đây là sự kiện thường niên, hướng tới việc tôn vinh truyền thống đại đoàn kết dân tộc và di sản văn hóa của 54 dân tộc anh em.

Nghề làm mã ở Bảo Hà

Nghề làm mã ở Bảo Hà

Cầm tinh tuổi Ngọ, như lời ông nói đó cũng là nhân duyên khi ông được coi là người đầu tiên đưa nghề làm mã về đất Bảo Hà. Năm nay đã gần 60 tuổi, ông Trần Văn Nghị ở bản Bảo Vinh, xã Bảo Hà (Bảo Yên) hào hứng nhớ lại câu chuyện của 24 năm về trước, ông khăn gói về Yên Bái học nghề đan và làm mã.

Thưởng trà, ngắm tranh - sức hút mới từ thú vui tao nhã

Thưởng trà, ngắm tranh - sức hút mới từ thú vui tao nhã

Văn hóa thưởng trà của người Việt vốn ấm cúng, gần gũi và mộc mạc. Trải qua thời gian, văn hóa ấy không ngừng được bổ sung những giá trị mới. Trong đó, có thể tới nhiều mô hình: thưởng trà nghe nhạc, thưởng trà mạn đàm, thưởng trà vịnh thơ... và thời gian gần đây còn là "trà - tranh"một trải nghiệm hoàn toàn khác biệt.

Giữ gìn và phát huy văn hóa truyền thống

Giữ gìn và phát huy văn hóa truyền thống

Thành phố Lào Cai là vùng đất cổ, có bề dày truyền thống văn hóa. Sự đa sắc màu của tộc người, với những lễ hội độc đáo, nét văn hóa riêng biệt đã làm nên bức tranh văn hóa đầy màu sắc của thành phố biên cương. Để tiếp nối mạch nguồn lặng lẽ chảy suốt ngàn năm, thành phố Lào Cai đã và đang bảo tồn, phát huy các giá trị để văn hóa thực sự là nền tảng, là trụ cột quan trọng trong tiến trình xây dựng và phát triển.

Đưa văn học thiếu nhi ra biển lớn

Đưa văn học thiếu nhi ra biển lớn

Suốt một thời gian dài, văn học thiếu nhi có phần bị xao nhãng, thậm chí bỏ trống. Tuy nhiên gần đây, với nhiều giải thưởng và nhất là văn học thiếu nhi của Việt Nam được dịch ra tiếng nước ngoài cho thấy con đường ra biển lớn đã rộng mở.

fbytzltw