Theo thống kê, diện tích đất sản xuất nông nghiệp bình quân đầu người tại Việt Nam thuộc nhóm thấp nhất trên thế giới, chỉ 0,25 ha.
Phần lớn nhóm đất Việt Nam là các nhóm đất có vấn đề. Trong đó, 70% diện tích đất nằm trên địa hình đồi núi dốc, nên dễ bị xói mòn, rửa trôi dẫn đến mất các chất dinh dưỡng, đất thường chua, nghèo mùn và các chất dinh dưỡng...
Không chỉ vậy, ô nhiễm đất do sử dụng quá nhiều thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), phân bón hóa học làm ảnh hưởng sức khỏe đất và cây trồng.
Theo ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, việc cân đối được hiệu suất sử dụng phân bón, thuốc BVTV, không chỉ tiết giảm được chi phí mà còn giảm suy thoái đất, giảm được lượng nước tưới cùng nhiều lượng phát thải nhà kính.
Công tác quản lý sử dụng đất nông nghiệp bước đầu đã có những chuyển biến tích cực, góp phần vào nâng cao chất lượng nông sản của Việt Nam hướng đến sản xuất nông nghiệp bền vững. Dù đã có khung pháp lý để hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, sản xuất nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn và ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại … Tuy nhiên, cần thiết có những quy định chi tiết hơn về điều tra, đánh giá đất đai và bảo vệ, cải tạo, phục hồi đất thường xuyên.
Hướng đến việc thực hiện cam kết Netzero của Việt Nam vào năm 2050, thước đo giảm phát thải sẽ mang lại những lợi ích lâu dài để tái đầu tư phục hồi đất, ông Tùng nêu ý kiến: “Chúng ta lấy giá trị của một vùng đồng bằng quan trọng trên thế giới, đóng góp vào giảm phát thải. Còn việc thương mại hóa chứng chỉ Carbon bằng cách đo đạc phát thải thấp dựa trên những nền tảng thì mở ra những quy trình khác. Khi những điều này mang lại lợi ích thì sẽ được tái đầu tư cho những vùng sản xuất”.