Nỗ lực trở thành miền quê đáng sống
Chúng tôi có dịp về thăm Bảo Thắng - huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Lào Cai. Đón chúng tôi là cung đường ngoằn ngoèo nhưng phẳng phiu với những hàng cây nối tiếp nhau, xen giữa là các loại hoa đầy màu sắc. Các ngõ dẫn vào khu dân cư cũng sạch sẽ, thoáng mát.
Dẫn chúng tôi dạo một vòng quanh Bảo Thắng, anh Trần Duy Trinh, cán bộ Trung tâm Văn hoá và Truyền thông huyện tâm sự: “Diện mạo nông thôn của huyện Bảo Thắng gần đây khởi sắc thật nhiều. Từ vùng thấp đến vùng cao, những con đường bê tông được mở rộng, trải dài tới tận các bản, làng, thôn xóm với những đường hoa rực rỡ. Những ngôi nhà cao tầng, công trình trường học, trạm y tế, nhà văn hóa được đầu tư xây dựng kiên cố, khang trang”.
Dấu ấn tạo tạo nên một Bảo Thắng như hôm nay là Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Nhờ có sự đột phá, sáng tạo, linh hoạt trong lãnh đạo, chỉ đạo, sự chung sức, đồng lòng của toàn dân nên đã thu hút được nhiều nguồn lực đầu tư xây dựng hạ tầng nông thôn.
Người dân Bảo Thắng tích cực với công tác xây dựng nông thôn mới.
Hơn 10 năm qua, Bảo Thắng đã làm mới và mở rộng hơn 800km đường giao thông nông thôn và xây dựng nhiều công trình phúc lợi. Riêng năm 2023, chính quyền và người dân trên địa bàn huyện đã mở rộng hơn 81km đường giao thông nông thôn từ 4m lên 7m. Giao thông thuận lợi đã góp phần mở ra cơ hội thoát nghèo cho người dân trong huyện.
Nhờ xây dựng nông thôn mới mà đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân các dân tộc huyện Bảo Thắng ngày càng được nâng cao. Năm 2023, thu nhập bình quân đầu người toàn huyện đạt 72,8 triệu đồng; tỷ lệ hộ nghèo còn 4,72%; tỷ lệ hộ khá và giàu đạt gần 50%.
Quan điểm của huyện Bảo Thắng là xây dựng nông thôn mới phải thực chất, hướng tới mục tiêu nâng cao đời sống nhân dân và trở thành miền quê đáng sống. Người dân, cộng đồng dân cư luôn là chủ thể của các phong trào với phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân thụ hưởng”. Từ đó, đặt lợi ích của từng người dân, cộng đồng lên trước, nhằm đảm bảo cho sự phát triển liên tục và bền vững.
Nhiều năm nay, huyện Bảo Thắng ghi dấu ấn với những khẩu hiệu ấn tượng trong xây dựng nông thôn mới nói chung, xây dựng nông thôn kiểu mẫu nói riêng như: “Đường rộng, sáng điện, nhiều hoa/Nhân dân đồng lòng, nông thôn phát triển”; “Đường rộng hè thoáng văn minh/Xóm thôn không rác, nhà nhà chung tay”…
Nông thôn mới của Bảo Thắng bừng sáng với nhiều ngôi nhà khang trang.
Chia tay các bản làng vùng cao, chúng tôi trở về trung tâm huyện Bảo Thắng. Là trung tâm của huyện vùng cao nhưng Phố Lu hiện ra như một khu đô thị tráng lệ với những ngôi nhà cao tầng, cửa hàng tiện ích đầy đủ các mặt hàng.
Ông Trần Minh Sáng, Bí thư huyện ủy Bảo Thắng chia sẻ: “Hết năm 2023, huyện Bảo Thắng có 87 thôn được công nhận thôn kiểu mẫu, đạt 60% so với tổng số thôn xây dựng thôn kiểu mẫu trên địa bàn. Bảo Thắng tiếp tục đặt mục tiêu có thêm 45 thôn kiểu mẫu trong năm 2024 để nối dài những miền quê ấm no, trù phú, những miền quê đáng sống”.
Tạo sinh kế giúp dân thoát nghèo
Công tác giảm nghèo bền vững luôn được huyện Bảo Thắng chú trọng trong quá trình xây dựng nông thôn mới. Mục tiêu phấn đấu của huyện là tỷ lệ giảm nghèo bình quân hằng năm trên 4% theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giai đoạn 2021-2025.
Từ đầu giai đoạn triển khai thực hiện đến nay, tỷ lệ giảm nghèo bình quân hằng năm của huyện đều đạt từ 3-5%. Năm 2023, Bảo Thắng chỉ còn 4,72%, đây là tỷ lệ nghèo ít nhất so với các địa phương trong tỉnh Lào Cai.
Mô hình nuôi ong của thanh niên xã Xuân Quang, huyện Bảo Thắng giúp giảm nghèo đi vào thực chất và bền vững.
“Năm 2024, chúng tôi phấn đấu đưa tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 2,1%. Để hiện thực hoá điều này, Bảo Thắng sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác giảm nghèo tại cơ sở, chủ động nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân để có giải pháp chỉ đạo phù hợp. Khơi dậy ý chí chủ động, tinh thần tự lực, tự cường, vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng. Cùng với đó, đẩy mạnh xây dựng và nhân rộng mô hình Tổ tự quản giảm nghèo để tập hợp những hộ khá giả hoặc đã thoát nghèo với hộ nghèo, cận nghèo giúp nhau giảm nghèo bền vững” – ông Trần Minh Sáng cho biết.
Để tăng thu nhập cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ dân tộc thiểu số, huyện Bảo Thắng chú trọng đào tạo nghề, tư vấn, giải quyết việc làm ổn định. Quan tâm làm tốt công tác định hướng nghề nghiệp, phân luồng học sinh từ sớm, từ xa. Bên cạnh đó, tiếp tục làm tốt công tác đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm; tổ chức khảo sát, đánh giá hiệu quả công tác tìm kiếm việc làm sau đào tạo nghề. Đẩy mạnh tư vấn, giới thiệu, tăng cường kết nối cung - cầu lao động, mở rộng hợp tác tìm kiếm việc làm cho người lao động trong và ngoài nước.
Mô hình chè hữu cơ của huyện Bảo thắng góp phần hiệu quả giúp người dân thoát nghèo.
Bên cạnh đó, huyện Bảo Thắng đã thực hiện có hiệu quả chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, xây dựng và phát triển các chuỗi liên kết giá trị trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp. Gắn với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số để người dân thuộc đối tượng được tiếp cận phát triển kinh tế tự vươn lên thoát nghèo. Thực hiện cho vay và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội…
“Thành tựu gặt hái được trong những năm qua là “trái ngọt”, góp phần củng cố và tăng niềm tin, ý chí, động lực cho chính quyền và nhân dân huyện Bảo Thắng. Từ đó, làm động lực để tiếp tục xây dựng huyện Bảo Thắng ngày càng phát triển” – ông Trần Minh Sáng khẳng định.