Giá trị văn hóa trong Tuyên ngôn độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Ngày 2/9/1945, tại quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập, trịnh trọng tuyên bố trước toàn dân và toàn thế giới về sự ra đời của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, mở ra kỷ nguyên mới cho lịch sử dân tộc. (Ảnh tư liệu)
Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, mở ra kỷ nguyên mới cho lịch sử dân tộc. (Ảnh tư liệu)

Tuyên ngôn độc lập của Người là áng văn lập quốc vĩ đại, là văn kiện có giá trị cao về tư tưởng, lý luận, văn hoá vô cùng đặc sắc, trường tồn cùng dân tộc và nhân loại; là nơi kết tinh và tỏa sáng những nét đẹp văn hóa rất tiêu biểu của dân tộc như: yêu nước, đoàn kết, nhân ái, khoan dung và yêu chuộng hòa bình.

Có thể nói, Tuyên ngôn độc lập mà Hồ Chí Minh soạn thảo là sự khái quát cao nhất về khát vọng của dân tộc Việt Nam trong việc khẳng định chủ quyền dân tộc để xác lập quyền dân tộc và quyền con người trong thời đại mới. Chính Người từng khẳng định: “Tuyên ngôn độc lập là kết quả của những bản yêu cầu gửi cho Hội nghị Véc xây mà cụ Hồ đã viết năm 1919 và Chương trình Việt Minh cụ Hồ đã viết năm 1941. Hơn nữa bản Tuyên ngôn độc lập là kết quả của những bản tuyên ngôn khác của tiền bối như các cụ Thủ khoa Huân, Phan Đình Phùng, Hoàng Hoa Thám, Phan Bội Châu và của nhiều người khác, của bao nhiêu sách báo truyền đơn bí mật viết bằng máu và nước mắt của những nhà yêu nước từ hơn tám mươi năm nay” [1]. Đó là sự hy sinh cao quý của những người con ưu tú của dân tộc, đấu tranh bền bỉ không tiếc xương máu của bản thân cho sự nghiệp cao cả.

Người viết: “Bản Tuyên ngôn độc lập là hoa là quả của bao nhiêu máu đã đổ và bao nhiêu tính mạng đã hy sinh của những người con anh dũng của Việt Nam trong nhà tù, trong trại tập trung, trong những hải đảo xa xôi, trên máy chém, trên chiến trường... Bản Tuyên ngôn độc lập là một trang vẻ vang trong lịch sử Việt Nam” [2]. Từ những giá trị đó mà người viết Tuyên ngôn được xem là linh hồn của dân tộc Việt Nam, là hiện thân của chủ nghĩa dân tộc chân chính. Vì vậy, Tuyên ngôn không chỉ là sự kết tinh của văn hóa dân tộc và nhân loại mà còn chuyển tải được sự nghiệp văn hóa Hồ Chí Minh mà trong đó nội dung của Tuyên ngôn đã xác lập các khái niệm, phạm trù văn hóa chính trị Việt Nam hiện đại.

Nếu nhìn văn hóa ở góc độ hoạt động thực tiễn để tạo ra giá trị vật chất và tinh thần, nhà văn hóa lớn của Colombia khẳng định: “Bản thân cách mạng cũng là một sự nghiệp văn hóa, nó biểu hiện trọn vẹn một thiên hướng và khả năng sáng tạo, chứng minh và đòi hỏi ở tất cả chúng ta một niềm tin sâu sắc ở tương lai” [3]. Còn Đại tướng Võ Nguyên Giáp thì khẳng định: “Sự nghiệp văn hóa quan trọng nhất của Người là đã lãnh đạo toàn dân đánh đuổi giặc ngoại xâm trong thời đại mới, giành lại cho nhân dân những quyền sống của con người, một cuộc sống có văn hóa. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã góp phần cùng với loài người loại trừ một trở lực to lớn trên con đường tiến lên thế giới văn minh, xóa đi một vết nhơ trong lịch sử là chế độ thuộc địa” [4]. Nói như vậy, Hồ Chí Minh thực sự là một nhà văn hóa kiệt xuất và sự nghiệp cách mạng của Người chính là sự nghiệp văn hóa, giá trị văn hóa mà Hồ Chí Minh xác lập dựa trên giá trị của loài người.

Nói đến văn hóa là nói tới giá trị, là bàn tới trình độ con người trong các mối quan hệ xã hội và tự nhiên, trong đó nổi lên là tầm trí tuệ văn hóa. Từ phương diện này chúng ta thấy Tuyên ngôn độc lập năm 1945, là một điển mẫu của việc sử dụng tri thức trong việc giải quyết các mối quan hệ xã hội. Đó là việc, Người đã kế thừa giá trị văn hóa nhân loại trong việc khẳng định quyền con người. Mở đầu Tuyên ngônđộc lập, Hồ Chí Minh đã dùng các khái niệm như “tất cả mọi người...”, “người ta sinh ra...”, để mở đầu cho sự khẳng định điều tự nhiên của con người văn minh, tiến bộ phải được thừa hưởng giá trị “tự do”, “bình đẳng”...

Như vậy, cách mạng Mỹ và cách mạng Pháp đã xác lập một giá trị văn hóa mà không ai có thể chối cãi, Người gọi đó là lẽ phải, là chân lý hiển nhiên của con người. Có thể nói Hồ Chí Minh đến với cách mạng, xác lập sự nghiệp mới của cách mạng từ giá trị văn hóa của nhân loại. Một sự trùng hợp đến lạ lùng, đó là Chủ tịch Hồ Chí Minh ngồi trong căn nhà của một gia đình tư sản dân tộc để viết Tuyên ngôn độc lập mà mở đầu cũng chính là sự kế thừa những giá trị văn hóa của tư sản để khẳng định chủ quyền dân tộc Việt Nam. Ở sự trùng hợp lạ lùng này có nhiều nhà nghiên cứu đã khẳng định đây là cơ sở để Người “phát huy khả năng tiên tri, tiên giác về một nền văn hóa nhân văn của thời đại mới mang tính phổ quát của toàn nhân loại. Với nguồn lực văn hóa lớn lao và tươi mới như vậy, Hồ Chí Minh đã cùng với cả dân tộc ta làm nên sự nghiệp chính trị vĩ đại: giành độc lập, tự do cho dân tộc và nhân dân, đem lại hạnh phúc cho con người” [5].

Văn hóa là một kho tàng kiến thức của con người về thiên nhiên, cuộc sống cũng như đánh giá sự tồn tại mà giá trị của nó có thể tăng cường lòng tin vào tính hoàn thiện không ngừng của con người. Muốn tồn tại, cùng với việc xây dựng, chắt chiu những giá trị văn hóa, thì phải loại bỏ khỏi cuộc sống những tư tưởng và hành vi phản văn hóa. Trên phương diện đó, chúng ta thấy điểm chung của văn hóa được biểu hiện ở trình độ tri thức làm người - trình độ người là văn hóa. Trình độ người ở đây, được hiểu là sự tôn trọng về quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc “Tạo hoá cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được, trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc” [6]. Đặc trưng của văn hóa là sự tiếp biến và vượt gộp. Có nghĩa là tiếp thu những giá trị văn hóa của nhân loại từ đó biến đổi thành cái riêng cái đặc sắc của chính mình; còn vượt gộp là thâu thái những giá trị văn hóa của nhân loại từ đó vượt lên trên tất cả. Về phương diện này, mở đầu Tuyên ngôn độc lập năm 1945, chúng ta thấy rất rõ, Hồ Chí Minh đã tiếp thu giá trị văn hóa của nhân loại mà trực tiếp là di sản văn hóa về quyền con người trong Tuyên ngôn độc lập của nước Mỹ năm 1776, và Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền của Cách mạng Pháp năm 1791, để nâng nó lên thành quyền dân tộc, Người viết: “Tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do” [7]. Người gọi đó là lẽ phải - tức là chân lý khách quan, hiển nhiên. Từ giá trị văn hóa này mà nhân loại không thể phủ nhận quyền con người và quyền dân tộc của cách mạng Việt Nam cho dù họ không muốn. Vì vậy mà quyền dân tộc được Hồ Chí Minh xác lập đã trở thành một giá trị phổ biến trong thế giới đương đại hiện nay.

Khẳng định và xác lập về chủ quyền của một dân tộc độc lập cũng chính là sự sáng tạo ra một sự nghiệp văn hóa mới của Hồ Chí Minh. Chúng ta biết, chủ nghĩa thực dân là một vết nhơ của lịch sử, là phản văn hóa. Đấu tranh đánh đổ chủ nghĩa thực dân, xóa bỏ một vết nhơ của lịch sử là một sự nghiệp văn hóa vĩ đại, Người vạch trần bản chất phản văn hóa đó của thực dân: “Hơn 80 năm nay, bọn thực dân Pháp lợi dụng lá cờ tự do, bình đẳng, bác ái, đến cướp đất nước ta, áp bức đồng bào ta”. Từ sự xâm lược thuộc địa, vi phạm quyền dân tộc tất yếu dẫn đến vi phạm các quyền cơ bản của con người như quyền dân chủ, dân sinh, tự do... Cụ thể: “Chúng lập ra nhà tù nhiều hơn trường học. Chúng thẳng tay chém giết những người yêu nước thương nòi của ta. Chúng tắm các cuộc khởi nghĩa của ta trong những bể máu. Chúng ràng buộc dư luận, thi hành chính sách ngu dân. Chúng dùng thuốc phiện, rượu, cồn, để làm cho nòi giống ta suy nhược” [8].

Có thể nói, Tuyên ngôn độc lập là một sáng tạo văn hóa độc đáo của Hồ Chí Minh. Thông qua Tuyên ngôn, Hồ Chí Minh đã thể hiện tính sáng tạo, lưu giữ, giáo dục cho cái đúng, cái tốt, và tạo điều kiện cho cái đẹp được nảy nở trong xã hội. Sau khi vạch trần tội ác man rợ của thực dân Pháp gây ra đối với nhân dân Việt Nam, như việc chúng hai lần bán nước ta cho Nhật, thẳng tay khủng bố Việt Minh, thậm chí khi thua chạy, chúng còn nhẫn tâm giết nốt số đông tù chính trị, v.v.. Nhưng khi chúng ta giành được thắng lợi “đồng bào ta vẫn giữ một thái độ khoan hồng và nhân đạo,… cứu nhiều người Pháp ra khỏi nhà giam Nhật và bảo vệ tính mạng và tài sản cho họ” [9]. Đoạn văn trên đã thể hiện trình độ người của quan hệ xã hội. Chúng ta ứng xử với thực dân Pháp trên góc độ của văn hóa người - cốt lõi là văn hóa khoan dung được đúc kết hàng nghìn năm của dân tộc Việt Nam, là đặc biệt tôn trọng tính mạng con người. Với tư tưởng này, Hồ Chí Minh thực sự là một nhà chính trị có một nhãn quan văn hóa toàn diện bao quát và sâu sắc.

Bản Tuyên ngôn độc lập của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Bản Tuyên ngôn độc lập của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Từ lời mở đầu bản Tuyên ngôn độc lập cho đến đoạn kết của Tuyên ngôn, chúng ta thấy, điều xuyên suốt trong tư tưởng Hồ Chí Minh đều hướng tới một quan hệ văn hóa. Người kiến giải trên góc độ của văn hóa, nền tảng của văn hóa; từ văn hóa chính trị, văn hóa đạo đức cho đến văn hóa pháp luật. Về văn hóa chính trị, Người tố cáo chủ nghĩa thực dân Pháp thực thi một nền chính trị độc tài, phi dân chủ, phản dân chủ và mất nhân tính, để đi đến khẳng định chủ nghĩa thực dân là thú tính: “Về chính trị - Chúng tuyệt đối không cho dân ta một chút tự do dân chủ nào” [10].

Nhận thức về văn hóa chính trị ở Hồ Chí Minh đã có trước đó, trong tác phẩm Nhật ký trong tù năm 1942, ở mục đọc sách Người đã nêu lên năm điểm lớn của nền văn hóa mới, trong đó về chính trị, Người viết: “Xây dựng một nền chính trị dân quyền”. Chính yếu tố văn hóa trong Tuyên ngôn độc lập đã làm cho Tuyên ngôn trường tồn cùng dân tộc. Là một nhà văn hóa kiệt xuất của Việt Nam, hơn ai hết, Hồ Chí Minh thấu hiểu rằng không thể nào có ý thức độc lập, tự do, xây dựng chính trị dân quyền nếu nhân dân còn mù chữ. Vì vậy, Người tố cáo chính sách giáo dục của thực dân “chúng lập nhà tù nhiều hơn trường học” và “thi hành chính sách ngu dân”. Hành động phản văn hóa của thực dân đã mang một tội ác to lớn “chúng dùng thuốc phiện, rượu cồn để làm cho nòi giống ta suy nhược”.

Sau khi tố cáo những tội ác của thực dân Pháp, Hồ Chí Minh đi đến tuyên bố “Xây dựng nước Việt Nam độc lập”, lập lên chế độ dân chủ cộng hòa, thoát ly hẳn quan hệ thực dân với Pháp. Kể từ đây một sự nghiệp văn hóa mới ra đời. Sự nghiệp văn hóa đó gắn liền với độc lập dân tộc, tự do cho nhân dân, quyền con người và quyền dân tộc được đảm bảo trên thực tế “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thực đã thành một nước tự do và độc lập” [11]. Để xứng đáng với một nước tự do độc lập, Người đã đề ra những nhiệm vụ cấp bách, trong đó có hai nhiệm vụ được xem là đỉnh cao của văn hóa là chống nạn đói và nạn dốt. Người chủ trương “phát động một chiến dịch tăng gia sản xuất”..., và “mở một chiến dịch để chống nạn mù chữ” [12]. Bởi vì một dân tộc dốt là một dân tộc yếu; một dân tộc nghèo là một dân tộc hèn. Người xem nghèo đói, dốt nát là một thứ giặc; xem thói quen và những truyền thống lạc hậu cũng là một loại kẻ thù. Cho nên “Chúng ta có nhiệm vụ cấp bách là phải giáo dục lại nhân dân chúng ta. Chúng ta phải làm cho dân tộc chúng ta trở nên một dân tộc dũng cảm, yêu nước, yêu lao động, một dân tộc xứng đáng với nước Việt Nam độc lập” [13].

Kể từ sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập, trên cơ sở pháp lý quốc tế, nhân dân ta đã được tiếp thêm động lực tinh thần để tự mình xây dựng một nền văn hóa mới, trong đó nhân dân là chủ thể của những giá trị văn hóa và sự sáng tạo ra văn hóa.

Tuyên ngôn độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh vừa có ý nghĩa sâu sắc về chính trị, nó trở thành một giá trị văn hóa chính trị trong việc xác lập quyền con người và quyền dân tộc từ đó toát lên giá trị đạo đức của đạo lý và pháp lý. Tuyên ngôn độc lập còn nói với nhân dân Việt Nam rằng, cách mạng Việt Nam quyết thực hiện những mục tiêu cao cả ấy: Độc lập, Tự do, Hạnh phúc cho đất nước, cho dân tộc, cho con người Việt Nam.

Trong bối cảnh mới của tình hình quốc tế, khu vực và đất nước hiện nay, tư tưởng chính trị của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Tuyên ngôn độc lập vẫn còn giữ nguyên giá trị, ý nghĩa mở đường đổi mới, soi sáng tương lai, trường tồn cùng dân tộc và nhân loại. Vì vẫn còn phải đấu tranh xây dựng một nền văn hóa chính trị với những chuẩn mực pháp lý và đạo lý trong sự tôn trọng quyền độc lập, quyền tự do, quyền bình đẳng cho mỗi dân tộc, và quyền tự do, quyền bình đẳng, quyền hạnh phúc cho mỗi con người.

----------------------------

Chú thích:

[1] Trần Dân Tiên, Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2017, tr.157-158

[2] Trần Dân Tiên, Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch, Sđd, tr.158.

[3] Bùi Đình Phong, Trí tuệ và bản lĩnh Hồ Chí Minh, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005, tr.365.

[4] Trung tâm Khoa học xã hội và nhân văn quốc gia, Hội thảo Quốc tế Chủ tịch Hồ Chí Minh - Anh hùng giải phóng dân tộc, Nhà văn hoá lớn, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1995, tr.21.

[5] Trần Văn Bính, Vai trò văn hoá trong hoạt động chính trị của Đảng ta hiện nay, Nxb Lao động Hà Nội, 2000, tr.51.

[6] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb Sđd, tập 4, tr.1.

[7] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb Sđd, tập 11, tr.285.

[8] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb Sđd, tập 4, tr.2.

[9] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb Sđd, tập 4, tr.2.

[10] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb Sđd, tập 4, tr.1.

[11] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb Sđd, tập 4, tr.3.

[12] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb Sđd, tập 4, tr.7.

[13] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb Sđd, tập 4, tr.7.

Theo dangcongsan.vn

Có thể bạn quan tâm

Tin cùng chuyên mục

13 đơn vị nghệ thuật tham dự Liên hoan Ca múa nhạc toàn quốc năm 2024 đợt 1

13 đơn vị nghệ thuật tham dự Liên hoan Ca múa nhạc toàn quốc năm 2024 đợt 1

Theo thông tin từ Cục Nghệ thuật biểu diễn, Liên hoan Ca múa nhạc toàn quốc năm 2024 đợt 1 sẽ diễn ra từ ngày 21 đến 30/11, tại Nhà hát tỉnh Vĩnh Phúc. Liên hoan do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch giao Cục Nghệ thuật biểu diễn chủ trì, phối hợp Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Phúc, Nhà hát Nghệ thuật tỉnh Vĩnh Phúc tổ chức.

Lùi thời gian nhận tác phẩm Cuộc thi ảnh nghệ thuật "Nét đẹp người chiến sĩ QĐND Việt Nam - Nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt"

Lùi thời gian nhận tác phẩm Cuộc thi ảnh nghệ thuật "Nét đẹp người chiến sĩ QĐND Việt Nam - Nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt"

Hội Văn học - Nghệ thuật vừa có thông báo lùi thời gian nhận tác phẩm Cuộc thi ảnh nghệ thuật “Nét đẹp người chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam - Nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt”. Theo đó, thời gian nhận tác phẩm sẽ kết thúc vào ngày 25/11/2024.

Hai nhà giáo 'bắc cầu yêu thương' bằng âm nhạc cho trẻ vùng cao

Hai nhà giáo 'bắc cầu yêu thương' bằng âm nhạc cho trẻ vùng cao

Đinh Phương Anh, nữ nhạc sĩ hiếm hoi của Hội Nhạc sĩ Việt Nam, mới đây đã cho ra mắt ca khúc “Bắc cầu yêu thương” đặc biệt dành cho các em nhỏ vùng cao. Ca khúc là những lời yêu thương dành cho chặng đường đi tìm con chữ của các em, dù còn rất nhiều khó khăn gian khổ, nhưng vẫn có sự lạc quan và hướng tới ngày mai tươi sáng.

Sáng trong một người thầy

Sáng trong một người thầy

Tôi biết ơn thầy nhiều lắm, sau cha tôi là thầy, cha sinh ra tôi nhưng thầy là người dưỡng dục. Nếu không có thầy làm sao tôi có được như ngày hôm nay, từ đứa bé nhà quê chân lấm tay bùn, “đầu tắt mặt tối” quanh năm... được học đại học rồi trở về cống hiến cho quê hương!

Sức lan tỏa từ lời kêu gọi của Mặt trận

Sức lan tỏa từ lời kêu gọi của Mặt trận

Kế thừa truyền thống vẻ vang trong suốt chiều dài lịch sử 94 năm qua (18/11/1930 - 18/11/2024), với vai trò là tổ chức liên minh chính trị, đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, là một bộ phận cấu thành quan trọng của hệ thống chính trị, MTTQ Việt Nam có vai trò nòng cốt trong việc xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Nét đẹp văn hóa Việt Nam qua múa rối nước dưới góc nhìn của truyền thông Trung Quốc

Nét đẹp văn hóa Việt Nam qua múa rối nước dưới góc nhìn của truyền thông Trung Quốc

Với dòng tít “Những câu truyện cổ tích dưới nước” - chủ đề vĩnh cửu dẫn dắt con người hướng thiện”, bài viết trên trang Thời báo Hoàn Cầu - một ấn phẩm của Nhân dân nhật báo - Cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc đã ca ngợi nét đẹp văn hóa của Việt Nam thông qua múa rối nước đã được lưu truyền hàng nghìn năm nay.

Khai mạc Tuần Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản văn hóa Việt Nam năm 2024

Khai mạc Tuần Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản văn hóa Việt Nam năm 2024

Tối 16/11 tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội), lễ khai mạc Tuần Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản văn hóa Việt Nam năm 2024 đã chính thức diễn ra. Đây là sự kiện thường niên, hướng tới việc tôn vinh truyền thống đại đoàn kết dân tộc và di sản văn hóa của 54 dân tộc anh em.

fbytzltw