Học đại học hay không?
Trong một tháng đầu tiên đi làm, công việc mà tôi hay làm nhất là đi… photocopy tài liệu, ngoài ra là rót nước pha trà, chạy việc lặt vặt. Tôi tốt nghiệp ngành luật, và nơi làm việc đầu tiên cũng là một văn phòng luật, hoàn toàn khớp với ngành được học. Chuyện này diễn ra cách đây gần 20 năm.
Bằng của tôi được xếp loại khá, chứng chỉ ngoại ngữ và tin học văn phòng đầy đủ. Nhưng trong một tháng đầu tiên, tôi phải học lại… từ đầu. Thực tế là các kiến thức chuyên ngành đã được học không giúp gì nhiều cho tôi trong quá trình làm việc.
Chuyện đơn giản nhất là chuẩn bị hồ sơ và đi nộp đăng ký thành lập doanh nghiệp tôi cũng phải đánh vật một thời gian. Một là đường đi nước bước thì chưa thạo, hai là kỹ năng mềm còn kém, và ba là các mối quan hệ để hồ sơ được xử lý với tốc độ làm hài lòng khách hàng.
10 năm sau, tôi trưởng thành trong vai trò một… phóng viên (tôi đã từ bỏ ngành mình được đào tạo), và đến lượt mình vào vai nhà tuyển dụng. Trong vai trò của một thư ký tòa soạn, tôi gặp nhiều bạn trẻ giống hệt mình trước đây: có thể bằng cấp rất ổn, nhưng không thể làm việc ngay lập tức.
Có một bạn có bằng tiếng Anh rất ổn đã dịch từ “strike” thành “cú đánh”, thay vì một “cuộc không kích”. Có bạn thì dịch tin nhưng bỏ qua hoàn toàn các yếu tố “chính trị phải đạo” (political correctness), để lại những từ ngữ phân biệt chủng tộc và thô tục. Họ có thể có năng lực ngoại ngữ, nhưng không có các kỹ năng cơ bản của một phóng viên, dù tốt nghiệp đại học khoa báo chí.
Trong khi đó, các chi phí đang ngày một tăng lên. 10 năm sau, một bức hình trên mạng về một phòng trọ cho sinh viên chỉ có diện tích 5m2 lan truyền trên mạng có thể làm nản lòng bất cứ phụ huynh nào muốn cho con lên các thành phố lớn học đại học: dù “phòng” rộng chỉ vừa đủ một người nằm dọc, nó vẫn có được rao giá thuê gần… 2 triệu đồng/ tháng.
Thời tôi học, mỗi năm học phí đại học công lập chỉ mất khoảng 1-2 triệu đồng, tương đương khoảng hơn 1 chỉ vàng. Bây giờ, học phí trung bình tăng gấp 10 lần theo giá tiền đồng, khoảng 18-20 triệu/năm, tương đương 2,5 chỉ. Tức là nếu lấy giá vàng neo để tính hệ số lạm phát, thì học phí cũng đắt gấp đôi.
Gần đây, tôi cũng đọc được thêm vài mẩu tin về giáo dục đại học hiện tại: thống kê năm 2022 cho thấy 31% người mất việc có trình độ đại học trở lên; và với nhu cầu tuyển dụng 4 tháng đầu năm 2023, vị trí cho sinh viên mới tốt nghiệp giảm đến 49%.
Các con số này khớp với trải nghiệm cá nhân của tôi 20 năm qua, về nhân lực có trình độ đại học. Và đây không chỉ là chuyện riêng ở Việt Nam. Một nghiên cứu vào đầu tháng 2/2024 chỉ ra rằng 50% số sinh viên tốt nghiệp đại học ở Mỹ làm việc ở những vị trí không yêu cầu trình độ đại học.
Một nghiên cứu khác của công ty tư vấn giáo dục HEA Group (Mỹ) cũng cho thấy 10 năm sau khi tốt nghiệp đại học, cứ 4 cử nhân thì có 1 người kiếm được ít hơn 32.000 USD/năm, dù đây chỉ là mức thu nhập trung bình hàng năm của những lao động chỉ có trình độ… trung học phổ thông.
Người Mỹ làm gì với tình trạng này? Họ… chẳng làm gì cả. Bản thân giáo dục đại học đã không dành cho tất cả mọi người. Mỗi sinh viên tốt nghiệp thường sẽ mang theo mình một khoản nợ khoảng 30.000 USD cho quá trình học tập, và không phải ai cũng phù hợp với thử thách kiểu đó.
Một thống kê vào năm 2018 ghi nhận rằng chỉ khoảng 61% những người trên 25 tuổi ở Mỹ đã từng học đại học. Và chỉ 1/3 người Mỹ trên 25 tuổi thực sự hoàn thành chương trình đại học 4 năm. Như các con số cho thấy, hầu hết mọi người đều không hoàn tất chương trình học, kể cả… Bill Gates.
Lý do? Sau cùng, học đại học chỉ là một trong số nhiều lựa chọn, không phải là tất cả. Đại học có thể là lựa chọn học thuật cao nhất, nhưng nếu một người có nhu cầu kiếm sống rất cấp bách, anh ta có thể học các trường dạy nghề, nơi đi thẳng vào nhu cầu thực tiễn nhanh nhất.
Năm ngoái, tại Hà Tĩnh, chỉ có khoảng 30% số học sinh các trường THPT quyết định đi học đại học. Số còn lại chọn đi… xuất khẩu lao động. Theo thống kê của Bộ Giáo dục & Đào tạo, có khoảng 320.000 thí sinh đã bỏ xét tuyển đại học, chiếm 30% tổng số đã đăng ký.
Bạn có thể cho rằng chuyện này thật đáng buồn. Nhưng với cương vị một người đã trải qua 4 năm học đại học và tuyển dụng những người đã học đại học, tôi cũng phân vân rằng liệu đi xuất khẩu lao động có phải là một con đường đáng để thử hay không?
Vì học đại học nhiều người đã thử rồi, và kỹ năng nó trang bị để kiếm sống đang chứng tỏ là không hiệu quả, so với chi phí tiền nong và cả chi phí cơ hội. Tiền thì chi cho giáo dục chẳng ai kêu cả, nhưng chi phí cơ hội thì nhiều người đã nghĩ đến rồi: biết đâu không học đại học, mà chọn một lối đi khác, lại đỡ mất 4 năm hơn?
Mùa đi tìm nhà trọ
Mùa khai giảng, cũng là mùa đi tìm nhà trọ của lớp sinh viên mới từ tỉnh xa về các thành phố lớn.
Những phụ huynh và sinh viên tần ngần đứng trước căn nhà tầng, nhìn lên những cửa sổ. Bên cạnh là người môi giới bất động sản đang giải thích, đôi lúc trông như đang thanh minh: nếu giá hợp lý, họ sẽ thanh minh về việc phòng hơi chật hoặc thiếu ánh sáng; còn nếu một căn phòng có đầy đủ ánh sáng, diện tích và tiện nghi lúc này ở thủ đô, chắc chắn cần chút thanh minh về giá cao.
Nhà trọ trong thập kỷ thứ ba của thế kỷ XXI đã không còn chút ký ức nào của phim “Phía trước là bầu trời”, với bố cục kinh điển của dãy nhà mái tôn quây xung quanh khoảng sân rộng. Đó là hình ảnh của 20 năm trước, khi tác giả bài viết này, hoặc thế hệ phụ huynh của các bạn sinh viên hôm nay đi trọ học. Năm 2024, sinh viên về thành phố chủ yếu sẽ vào một căn “chung cư mini” – thứ khái niệm được gọi khá tùy tiện bởi các anh chị môi giới.
Quỹ đất trong nội thành đã cạn kiệt, chính sách nhà ở xã hội và nhà ở sinh viên triển khai bế tắc, những căn nhà cho thuê trong thành phố đang trở nên mất kiểm soát, về chất lượng xây dựng, chất lượng sống và mặt bằng giá. Chúng lên báo cùng những thảm kịch về phòng cháy chữa cháy và lời than thở không ngừng về giá thuê.
Kinh tế tăng trưởng, nhưng các thống kê của World Bank năm 2020 cho thấy tỷ lệ chi phí cho một thanh niên đi học đại học của các hộ gia đình giờ cũng đang tăng theo. Nếu năm 2010, nuôi một bạn trẻ đi học chỉ chiếm hơn 8% tổng chi tiêu của một hộ gia đình, thì con số này năm 2018 đã lên đến 11%. Xu hướng là chi phí đi học đại học đã tăng nhanh hơn thu nhập và chi tiêu trung bình.
Tấm bằng ngày càng trở nên đắt đỏ. Nhưng lại có nhiều bằng chứng cho thấy giá trị của tấm bằng đại học đang sa sút trên thị trường lao động.
Một thống kê cuối năm ngoái của Trung tâm Dự báo nguồn nhân lực TP Hồ Chí Minh khẳng định rằng có đến 77% lao động tìm việc làm có trình độ đại học trở lên. Nếu lấy thu nhập trung bình của những người chỉ học hết tiểu học làm cơ sở, thì thu nhập của người tốt nghiệp đại học đã giảm 30% từ năm 2010 đến năm 2020. Tức là giá trị lao động của những người không học đại học đang tăng nhanh hơn người học đại học.
Phụ huynh đang chi nhiều tiền hơn để đầu tư cho tấm bằng đại học, nhưng để đổi lấy một tỷ suất sinh lời thấp đi.
Có những câu hỏi, mà chính ngành giáo dục cũng đang vất vả trả lời, về chất lượng của tấm bằng đại học. Ngoài tỷ lệ đầu tư công quá thấp so với các nước cùng khu vực, quản trị đại học cũng bị chỉ ra còn nhiều tồn tại. Tại một hội nghị lớn cuối năm 2023, Thứ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo Hoàng Minh Sơn khẳng định, rằng “Cơ chế đánh giá cũng như giám sát chất lượng có thể chưa thực sự hiệu quả, thực chất” (theo Báo điện tử Chính phủ).
Đơn cử chất lượng giảng viên, một vấn đề được chính Bộ và các đại học chỉ ra từ nhiều năm qua: cho đến tận gần đây, nhiều trường đại học trong cả nước mới bắt đầu “thí điểm” việc lấy ý kiến sinh viên về chất lượng giảng viên.
Các đại học lớn như Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, dưới sự trợ giúp của nhiều nhóm chuyên gia trong nước và quốc tế, đang bắt đầu xây dựng các bộ KPI – bộ chỉ số đo lường hiệu quả nhân sự - riêng cho mình. Các nhà quản lý bắt đầu nhận ra rằng nếu chỉ đo số giờ dạy để làm tiêu chí đánh giá, thì sinh viên sẽ không thể có những thứ mà thị trường đang kêu thiếu: nào là khả năng tự nghiên cứu; nào là kỹ năng mềm... Những điều đó chỉ có thể hình thành nếu họ được đầu tư bởi những người giỏi và tâm huyết nhất.
Đã qua một giai đoạn mà kinh tế Việt Nam tăng trưởng nóng tới mức có cơ hội dành cho hầu hết những người cầm được tấm bằng trên tay. Trên đường phố, ngày càng dễ bắt gặp các lao động cổ cồn xanh, như tài xế công nghệ, sở hữu tấm bằng cử nhân của những trường có điểm đầu vào cao chót vót như Bách Khoa hay Kinh tế Quốc dân. Có những thay đổi cần thực hiện ngay, trước khi tấm bằng đại học đánh mất sự trọng vọng mà xã hội đã dành cho nó suốt cả thế kỷ.
Năm 2008, Intel nói rằng kết quả sát hạch đầu vào của họ tại Việt Nam là thấp nhất trong số các nước tập đoàn này từng đầu tư. Giữa 2.000 sinh viên công nghệ họ chỉ chọn được 40 người đảm bảo trình độ.
Năm 2023, Viettel kỳ công đi chọn 2.000 hồ sơ xuất sắc nhất ở các trường. Sau sát hạch, họ cũng chỉ chọn được 90 người đáng tin tưởng để tiếp nhận.
Năm 2008, những dãy nhà trọ sinh viên là mái tôn nóng hầm hập, nhà vệ sinh chung và tiếng chuột chạy trên tấm trần cách nhiệt. Năm 2024, những khối nhà trọ sinh viên đã có máy lạnh, có nhà vệ sinh riêng nhưng lại chất chồng lên nhau trong nguy cơ mất an toàn, và ở một mặt bằng giá đầy thách thức. Đi học đại học, vẫn là một khái niệm chứa đầy vất vả, thậm chí là hy sinh, với cả gia đình và bản thân người học. Và những chịu đựng ấy, đang có nguy cơ trở nên vô nghĩa dần đi, khi cuộc đầu tư của học sinh lời ít đi qua từng năm.
Giá trị của tri thức
Những ngày cuối tháng 8, đầu tháng 9 này, một trong những thông tin được chú ý nhất chính là điểm chuẩn của các trường đại học. Sức hút của những công bố điểm chuẩn là rất lớn trong bối cảnh xã hội Việt Nam vẫn luôn rất trọng khoa cử và đại học vẫn là một ngưỡng cửa mục tiêu mà nhiều bậc phụ huynh đặt ra cho con mình. Trong các trường đã công bố điểm chuẩn, Học viện Báo chí và Tuyên truyền (HVBCTT) là trường công bố sớm nhất, và sốc nhất với mức điểm thấp nhất là 34,98 (ngành báo in) và cao nhất là 37,7 (ngành Quan hệ công chúng).
Khi HVBCTT công bố điểm chuẩn, khá nhiều người đã đùa rằng “đấy, cứ chê nhà báo là ba môn 9 điểm đi” với hàm ý nhấn mạnh chất lượng đầu vào của ngành này. Nhưng với riêng cá nhân tôi, một người tạm gọi có thâm niên làm báo, tôi chỉ tự đặt ra một câu hỏi “nếu các sĩ tử nộp đơn ứng thí cho HVBCTT thử đi làm như một phóng viên ở 1 tòa soạn nào đó trong khoảng 1 tháng thôi, liệu họ có thay đổi ngay ý định đầu quân cho ngành học nghe thì sang chảnh nhưng chắc chắn ra đời sẽ lắm chông gai hay không?”.
Sự thay đổi chóng mặt của xã hội trong thời cách mạng công nghiệp lần thứ tư này đã kéo theo sự chuyển mình của rất nhiều ngành nghề. Báo chí là ngành chịu tác động lớn nhất, nhưng thực tế lại thay đổi chậm chạp nhất. Vô số tòa soạn vẫn đang duy trì phương thức hoạt động của thế kỷ trước. Làm báo chỉ đủ nuôi bản thân mình, sống trong tằn tiện. Nhược bằng không, sẽ lại là một con đường dễ dẫn đến lao lý: dùng cái mác báo chí để “bóp cổ” doanh nghiệp. Chấm hết. Vậy thì học giỏi và vào trường báo chí có phải là một con đường sáng sủa hay không?
Vậy thì các cử nhân tốt nghiệp các ngành khác có thể có một sự nghiệp sau đại học tốt hơn dân báo chí hay không? Cũng vậy thôi. Học đại học đã từ rất lâu rồi không phải là con đường định hướng nghề nghiệp mà nó chỉ đơn thuần là một quá trình tích luỹ tri thức cá nhân. Học một ngành, ra làm một ngành khác là việc quá phổ biến. Nguyên nhân thì có rất nhiều. Từ việc thiếu định hướng hướng nghiệp ngay từ khi còn ngồi ghế phổ thông của chính học sinh cho tới chuyện cha mẹ áp đặt ngành nghề cho con cái; từ việc nhiều ngành học trong giáo dục đại học đang giữ một khoảng cách khá xa so với thực tiễn cuộc sống… tất cả cùng cộng hưởng để tạo nên những thế hệ cử nhân ra trường và loay hoay không biết mình nên làm việc gì.
Và hơn hết, chúng ta đang sống và làm việc trong một môi trường thực tế rất thiếu tôn trọng tri thức. Những nhà tuyển dụng chuộng kinh nghiệm thực chiến đến mức độ sẵn sàng bỏ qua chiều sâu tri thức bởi bản thân các dự án của họ cũng chỉ mang tính ngắn hạn, xu thời. Hệ thống lương bậc ngạch tưởng như ưu đãi trình độ học vấn hơn nhưng cuối cùng cũng vẫn chưa hợp lý, thậm chí tước bỏ toàn bộ quyền đàm phán của người lao động. Chính hai yếu tố này đã khiến tấm bằng đại học không có giá trị tương xứng với đầu tư cho giáo dục đại học.
Cách đây chưa lâu, khi còn giữ vai trò cố vấn cao cấp cho một tập đoàn truyền thông, tôi đã từng góp ý cho sếp ở đó đại ý rằng “tập đoàn của anh đang hoạt động dựa trên làn sóng mạng xã hội. Vậy mà nhân viên của anh không một ai có hiểu biết tương xứng về xã hội học. Các anh quá chú trọng kỹ năng cùng những mẹo vặt mà quên đi cái cốt lõi nhất, cơ bản nhất. Nếu không thay đổi, các anh sẽ phải trả giá rất đắt”. Vị sếp sòng đó chỉ cười, và nhỏ nhẹ: “Anh biết chứ. Nhưng anh chỉ cần dự án này phát triển tốt lên trong thời gian ngắn, sau đó anh sẽ bán nó đi. Chuyện đó, để nhà đầu tư sau họ phải làm, hơi đâu mình mất thời gian cho nó”.
Chỉ một câu trả lời ấy thôi, đủ để chúng ta hiểu rằng giá trị của tri thức thực sự đang nằm ở đâu trong cách vận hành chung của xã hội Việt Nam hiện nay. Và xét ở cương vị của một doanh nhân, ông sếp ấy đã đúng, còn tôi đã sai. Chính cái đúng tạm thời đó lại càng củng cố hơn cho một tập quán xấu: xem nhẹ tri thức.
Quay trở lại với môi trường nhà nước, chúng ta cũng sẽ nhận ra giá trị thực sự của tri thức được định đoạt thế nào. Không ít người giỏi, được các đơn vị quốc doanh mời về làm việc. Nhưng hành trình của cái sự mời ấy sẽ diễn ra như thế nào? Sau khi đối tượng được mời bị thuyết phục bằng những hứa hẹn, đối tượng ấy vẫn phải hoàn tất hồ sơ bằng một lá đơn xin việc. Kế đến là lương, sẽ là bậc ngạch theo đúng quy định nhà nước, phần chênh lệch so với hứa hẹn ban đầu sẽ được trả ngoài lương, bằng các thủ thuật bút toán kế toán.
Rõ ràng, đây là một thái độ không sòng phẳng, không chuyên nghiệp. Người được mời vẫn phải làm đơn xin đã là phi lý thứ nhất rồi. Và ngay cả thù lao xứng đáng được nhận của người được mời cũng không minh bạch. Giả sử, ở một thời điểm nào đó trong tương lai, tổ chức kia thay đổi lãnh đạo, và lãnh đạo mới không thích người được mời về kia thì sao nhỉ? Sẽ có một cuộc chia tay chưa biết êm thấm hay không nhưng phúc lợi mà người lao động nhận được hoàn toàn dựa trên cái hợp đồng lao động với mức thu nhập hàng tháng thấp hơn rất nhiều so với thực tế lời cam kết ban đầu.
Với trường hợp có năng lực, có tài, có uy tín và được mời về làm việc còn lắt léo thế, huống gì với những người chân ướt chân ráo mới tốt nghiệp đại học, chưa có uy tín gì. Thi tuyển sòng phẳng và được tuyển dụng, nhưng người lao động lại không được quyền đàm phán, mặc cả về lương thưởng của mình đối với đơn vị tuyển dụng là cơ quan nhà nước. Cứ đúng lương bậc, ngạch theo quy định mà nhận, cấm kiến nghị lằng nhằng. Nhưng lương bậc ngạch đó có tương xứng với học phí đại học hay không? Học phí đại học thấp nhất hiện nay cũng 35 - 40 triệu đồng/ năm, ngang mức lương bậc ngạch cho cử nhân mới tốt nghiệp. Nói chung, đi học đại học dứt khoát không thể sinh lời về mặt tài chính. Cái lợi thu được chỉ là tri thức, cho chính bản thân mình là chủ yếu vì tri thức ấy nhiều khi cũng chỉ là chuyện viển vông đối với những nhà tuyển dụng mà thôi.
Nhiều người bắt đầu thiên về quan điểm nên học nghề hơn là học đại học, hoặc đi làm luôn sau khi tốt nghiệp phổ thông. Quan điểm đó không sai. Một xã hội toàn thầy cả mà chẳng có mống thợ nào sẽ không thể phát triển được. Nhưng khát vọng đại học vẫn luôn là khát vọng chính đáng nhất của mỗi con người, mỗi gia đình mà không ai có quyền ngăn cản. Chỉ có điều, học xong đại học rồi có dám làm thợ hay không hay vẫn ảo tưởng câu chuyện “tôi là thầy nên không thể làm thợ”.
Cái bất tương xứng giữa đầu tư đại học và giá trị thực tế nhận được khi cầm tấm bằng đại học trên tay vẫn là thứ đáng nói đến nhất, đáng bàn nhất. Làm thầy hay làm thợ là lựa chọn cá nhân của mỗi người. Có nghị lực sống thì làm gì cũng được, miễn là kiếm ra tiền một cách trong sạch. Nhưng nếu một cá nhân xuất sắc, được tuyển dụng đúng nghĩa để “làm thầy”, phúc lợi cho họ cần phải ở mức độ tương xứng, phải vượt xa phúc lợi của một người làm thợ đúng nghĩa. Chỉ có mức phúc lợi lớn như thế mới cho thấy những vất vả đầu tư cho mấy năm đằng đẵng trên giảng đường là xứng đáng, và nó cũng tạo ra cuộc cạnh tranh khốc liệt để nhận thức xã hội phải thay đổi.
Những người “thắng”, được mời “làm thầy” là thắng xứng đáng; những người “thua”, buộc phải chọn “làm thợ” dù có bằng đại học trong tay, cũng thua tâm phục khẩu phục. Có như thế, số đông mới hiểu rằng học đại học chỉ là bước trang bị tri thức cho chính mình và so với nhu cầu xã hội, nhu cầu tuyển dụng, tri thức ấy không phải là đã đủ để có thể nhận một vị trí “làm thầy” được trọng vọng bằng cả thái độ lẫn phúc lợi nhận về. Và khi ấy, tri thức đã được đánh giá đúng giá trị của nó, được trân trọng đúng đắn trong môi trường của nó.
Chính vì tri thức chưa được trân trọng nên mới hình thành hiện tượng đổ đồng như hôm nay. Cứ có bằng đại học là được ghi nhận ngang nhau nên bởi vậy, càng ngày, tình trạng cử nhân thất nghiệp hoặc phải đi làm việc trái ngành, đi làm với mức thu nhập không hơn gì (thậm chí còn kém) so với lao động chân tay càng tăng. Nó tạo ra câu hỏi hồ nghi về hiệu quả của giáo dục đại học trong khi đó đào tạo nghề chuyên nghiệp thì cứ yếu ớt, làng nhàng. Bối cảnh nhân lực như thế, thử hỏi chúng ta sẽ phát triển kinh tế xã hội theo chiều hướng nào.
Tôi muốn kết thúc câu chuyện bằng chính những gì mà tôi trải qua. Tốt nghiệp đại học ngành kinh tế năm 1998 và sau đó tôi đi làm báo. Học kinh tế là từ định hướng của cha mẹ trong khi tôi đã viết lách, cộng tác cho các báo từ thời học phổ thông. Và sau hơn 20 năm làm báo, thực tế lương của tôi vẫn thua lương… bảo vệ. Đơn giản, bảo vệ một cơ quan là một nhiệm vụ cụ thể, có định lượng được, và cần kíp vì lý do an toàn. Thế nên bảo vệ có quyền được mặc cả lương, dưới mức nào đó họ sẽ không nhận việc. Cũng như nghề giúp việc vậy. Giữa thành phố lớn ồn ào và đắt đỏ, nếu trả dưới 10 triệu/tháng gồm nuôi ăn ở, sẽ khó có thể kiếm được người giúp việc. Còn nhà báo như tôi, tạm cũng gọi là có chút ít người biết đến, lương tháng chưa được 7,5 triệu sau đợt tăng lương vừa rồi. Vậy thì đại học có gì vui, có tri thức có gì vui?
Nhiều khi tôi nghĩ, với khả năng nấu ăn khá ngon của mình, hay là thôi, về mở gánh phở nho nhỏ đầu phố. Nhưng sĩ diện của cái gọi là “trí thức” có cho phép tôi dũng cảm quyết định đi “làm thợ” sau hơn nửa đời người đã “làm thầy”. Lỗi tại ai? Tôi cũng có một phần lỗi rất lớn trong đó thì phải?