Ông Chức tên thật là Hoàng Văn Chức, năm nay đã gần 60 tuổi, quê ở huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định. Năm 1986, ông Chức lên Lào Cai tham gia bảo vệ biên giới, nhập ngũ tại Trung đoàn 124, Sư đoàn 345.
Ông Chức tâm sự: Rời quân ngũ, để mưu sinh, tôi và vợ may mắn được học cách làm món tào phớ, thế mà cũng đủ trang trải, nuôi con cái học hành đến nơi đến chốn. Hồi ấy, tôi bán có 5 hào 1 bát tào phớ, gánh từ cửa ga đi khắp phường Lào Cai, nhiều người dân dọc đường còn mang ghế ra cửa ngồi chờ gánh tào phớ qua. Hôm nào quá 3 giờ chiều mới xuất hiện là khách lại trách khéo tôi đã làm họ phải nhịn, chờ quà chiều của bác Chức. Bán rong mấy năm, tôi mới về khu vực cổng đền Thượng ngồi bán. Tự nhiên đặt hàng xuống là khách cứ ghé thôi, lâu dần thành quen. Tôi chẳng quảng cáo gì nhưng ngày nào cũng nấu sẵn mấy nồi tào phớ ở nhà dự trữ mà không đủ phục vụ. Vui, nhưng giờ “có tuổi” nên cũng mệt lắm!
Ấy vậy mà gánh tào phớ của ông Chức đã được gần 30 năm. Người dân sống quanh đây đã quá quen thuộc với hàng tào phớ chẳng có biển tên ấy, quen với cảnh du khách đến đền chiêm bái xong lại “sà” vào gánh hàng giản dị của ông để thưởng thức bát tào phớ mát lành, thanh đạm. Sự nồng hậu, đôi mắt hay cười và cái cách mà ông Chức trò chuyện với từng vị khách ghé ăn chính là thứ khiến người ta vương vấn gánh tào phớ của ông.
Đôi tay thoăn thoắt dùng chiếc thìa mỏng bằng nhôm tự chế hớt từng lớp tào phớ, thạch găng vào bát cho tôi, ông Chức bật mí: Hằng ngày, hai vợ chồng ông phải bắt đầu các công đoạn chế biến từ 3 giờ sáng. Làm tào phớ không khó, nguyên liệu chính là đậu nành nhưng phải chọn lựa kỹ, sau đó ngâm với nước cho đủ thời gian, đãi vỏ và xay nhuyễn, rồi lọc kỹ lấy nước cốt. Tiếp đó, đun sôi, vừa đun vừa vớt hết bọt bên trên, khoảng hơn nửa tiếng đồng hồ là được, sau đó để nguội. Tào phớ thường được để trong những chiếc nồi nhôm. Ông Chức và vợ chia nhau mỗi người ngồi bán tại một điểm. Đều đặn mỗi ngày, hai vợ chồng ông bán vài trăm bát tào phớ, mỗi bát 10 nghìn đồng. Dịp đầu năm, khách đến chiêm bái đông, có khi phải đợi nửa tiếng mới đến lượt.
Mặc dù các quán tào phớ khác tìm cách đổi mới để phù hợp với nhu cầu của giới trẻ thì món tào phớ của ông Chức vẫn vẹn nguyên vị truyền thống, không biến thể, sáng tạo gì thêm. Có lẽ chính chất mộc mạc ấy lại khiến nhiều người nhớ và tìm đến gánh hàng của ông. Từng bát tào phớ đầy ăm ắp những bánh phớ trắng tinh mà mềm tơi, được hòa trong nước đường nâu mát lịm. Chỉ cần khoắng nhẹ thìa vào bát, những lát đậu mịn màng tan nhỏ như cánh hoa. Vị ngậy béo, mịn màng, thanh nhã của tào phớ, vị ngọt thanh của nước đường và mùi thơm của hoa nhài khiến cho cơn khát mau chóng được giải tỏa.
Chị Tạ Thu Trang, phường Cốc Lếu, thành phố Lào Cai là khách hàng thân quen của ông Chức chia sẻ: Ẩm thực đường phố ở Lào Cai rất đa dạng nhưng tôi và gia đình thích tìm đến gánh tào phớ của ông Chức vì cảm nhận được vị tào phớ truyền thống. Chiều đến, ngồi thưởng thức thứ quà quê dân dã, thanh mát và ngắm cảnh vật thơ mộng, yên bình dưới chân đền Thượng, những lo toan, muộn phiền của cuộc sống dường như tan biến.
Kể được dăm ba câu đãi, khách đến tấp nập, ông Chức lau vội giọt mồ hôi, rồi xắn tay, vừa múc tào phớ vừa tính tiền. Lâu lâu, ông Chức lại trở thành “hướng dẫn viên” khi du khách muốn hỏi thăm về lịch sử đền Thượng, đền Mẫu, chùa Tân Bảo.
Tôi hỏi đùa ông Chức: Ông định khi nào thì “nghỉ hưu”? Ông Chức cười bảo: “Duyên nợ với nghề còn lâu lắm. Mặc dù công việc buôn bán đôi khi vất vả, mệt nhọc, thức khuya, dậy sớm nhưng được gặp gỡ, trò chuyện với mọi người tại gánh hàng rong của mình cũng mang lại niềm vui tuổi già, khiến tôi thấy cuộc sống ý nghĩa, có ích hơn”.