Đây là ngôi nhà được xây dựng từ thập niên 80 của thế kỷ 20, nơi đã lưu giữ những dấu mốc của một gia đình người Hà Nội.
Tại đây, khi trải nghiệm các màn trình diễn các loại hình văn hóa đặc sắc, bạn Hà Thị Thu, sinh viên năm cuối trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) khá bất ngờ vì không gian khu tập thể cũ ngay gần phố cổ Hà Nội. Không gian khu tập thể ngay sát Thành uỷ Hà Nội, thuộc khu phố cổ, nếu trở thành điểm du lịch sẽ ấn tượng và thu hút nhiều bạn trẻ.
Ông Ken Wood, Giám đốc dự án “Du lịch Thụy Sỹ vì sự phát triển bền vững tại Việt Nam” (ST4SD) cho biết, khá ấn tượng với không gian Tết Việt tại khu tập thể cũ thời bao cấp. Đây là không gian mới có thể khai thác thành điểm du lịch với di sản văn hóa.
"Tôi đã ở Việt Nam khoảng 2 năm, nhưng vẫn luôn bị thu hút bởi những điều mới mẻ, như các nét văn hóa hoặc các loại hình nghệ thuật, di sản phi vật thể. Việt Nam có nhiều điều để giới thiệu tới du khách", ông Ken Wood chia sẻ.
Bà Dương Thị Thanh Tâm, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch quận Hoàn Kiếm cho biết: “Những người làm du lịch, luôn mong muốn được chia sẻ những di sản quý báu này đến với du khách. Quận Hoàn Kiếm đã, đang, sẽ tiếp tục và mãi mãi bảo tồn các di sản văn hóa, để thế hệ trẻ hiểu và yêu mến di sản, từ đó bảo vệ và lan tỏa tình yêu ra toàn thế giới”.
Gợi mở không gian căn nhà trong Khu tập thể cũ ở số 6 Tông Đản cũng có thể trở thành một điểm du lịch di sản tại Hà Nội, TS. Lê Thị Minh Lý, Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia, nguyên Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa nhận định, chủ nhân đã giữ lại khá nguyên vẹn hiện trạng ngôi nhà và những ký ức về thời bao cấp, một phần lịch sử hiện đại. Thông qua các đồ vật hay bức ảnh trưng bày trong nhà, du khách chắc chắn sẽ có cơ hội tìm hiểu, cảm nhận về một góc cạnh khác của Hà Nội trong giai đoạn lịch sử trước.
TS. Lê Thị Minh Lý cho hay: “Ngôi nhà này có thể trở thành không gian trực quan giáo dục di sản cho học sinh, sinh viên hoặc là một “chốn” của những người lớn tuổi. Họ sẽ mang đồ vật xưa cũ tới và chia sẻ những kỷ niệm, câu chuyện cá nhân. Tôi đã nhìn thấy mô hình này được khai thác ở Thuỵ Điển và trở thành bảo tàng ký ức của cộng đồng”.
Tuy nhiên, khi gắn giữa di sản và du lịch, ông Ken Wood cho rằng, du lịch Việt Nam đang phát triển nhanh, gây ra áp lực không nhỏ cho các loại hình di tích, di sản: "Trong mối liên kết giữa du lịch và di sản, Việt Nam cần phải cân bằng bảo tồn và phát triển, giữ đúng bản chất và giá trị của các di sản, không nên thay đổi nhiều. Tuy nhiên, đây là việc không dễ dàng khi lượng khách tăng nhanh với số lượng lớn".
TS Lê Thị Minh Lý cho rằng, phát triển du lịch và bảo tồn di sản có mối liên hệ chặt chẽ, đòi hỏi cách tiếp cận bền vững của các bên liên quan. "Sản phẩm du lịch cần chất liệu từ di sản, ngược lại các di sản cũng cần ngành du lịch để được giới thiệu đến du khách. Tuy nhiên, mỗi loại hình di tích hay di sản văn hóa phi vật thể lại cần cách tiếp cận khác nhau cho phù hợp với hoạt động du lịch. Ví dụ việc tổ chức tour trải nghiệm các loại hình nghệ thuật trình diễn như ca trù, xẩm, quan họ... khá đơn giản, nhưng tại các lễ hội hay tri thức dân gian, khách quốc tế khó tiếp cận hơn. Điều quan trọng là gìn giữ nguyên vẹn những giá trị tại di tích, sau đó bổ sung thêm trải nghiệm cho khách du lịch. Khi hai bên tìm được tiếng nói chung, sự phát triển du lịch và di sản, di tích mới bền vững".
Theo các chuyên gia, dựa trên giá trị di tích, di sản tại Hà Nội cũng như tại Việt Nam, các công ty du lịch có thể xây dựng nhiều sản phẩm khác nhau như du lịch học đường, giáo dục di sản cho học sinh sinh viên; du lịch trải nghiệm cuộc sống bản địa dành cho khách quốc tế... Để các di tích và di sản có một "đời sống" mới và bền vững, có thể áp dụng các công nghệ hiện đại để mô phỏng, tái hiện lịch sử hoặc kêu gọi đóng góp để hình thành bảo tàng ký ức cộng đồng. Ngoài ra, các di tích có thể là không gian giao lưu, trình diễn văn hóa của các nghệ sĩ chuyên nghiệp và không chuyên, hướng tới nuôi dưỡng tình yêu di sản và nghệ thuật truyền thống cho giới trẻ.