
Với việc Quốc hội chính thức thông qua chủ trương đầu tư bổ sung vốn điều lệ 38.251 tỷ đồng cho Công ty mẹ - Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) giai đoạn 2024 - 2026, lãnh đạo VEC nhấn mạnh đây là thời cơ, động lực quan trọng để tổng công ty phát huy lợi thế, nâng cao hiệu quả hoạt động, đổi mới mạnh mẽ, phát triển bền vững trong kỷ nguyên phát triển của dân tộc Việt Nam.
“Cởi trói” cơ chế để bứt phá
Sau khi tăng vốn điều lệ, VEC nằm trong top 5/19 tập đoàn, tổng công ty Nhà nước có vốn chủ sở hữu cao nhất hiện nay đồng thời chuyển giao cơ quan đại diện chủ sở hữu Nhà nước từ Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp về Bộ Tài chính.
Theo bà Hàn Mai Nga, Kế toán trưởng VEC, việc Quốc hội chính thức thông qua chủ trương đầu tư bổ sung vốn điều lệ chính là “cởi trói” cơ chế để VEC “bứt phá” sau hai thập kỷ vượt gian khó.
Lý giải rõ hơn, bà Nga cho biết VEC có xuất phát điểm bằng số vốn điều lệ tương đối thấp, chỉ 1.000 tỷ đồng khi thành lập năm 2004 theo Quyết định số 3033/QĐ-BGTVT của Bộ Giao thông Vận tải.
“Sau hai lần tăng vốn, đến năm 2021, vốn điều lệ của VEC là hơn 1.115 tỷ đồng. Trong khi đó, tổng mức đầu tư 5 dự án đường cao tốc của VEC lên tới hơn 108.000 tỷ đồng, vốn vay hơn 56.000 tỷ dẫn đến khó khăn của tổng công ty khi không bảo đảm tỷ lệ hệ số nợ/vốn chủ sở hữu theo quy định,” nữ Kế toán trưởng VEC chỉ ra thực tế.

Chính điều này dẫn đến năng lực tài chính bị hạn chế, do đó, VEC gặp rất nhiều khó khăn trong việc huy động các nguồn vốn đầu tư, đặc biệt là tiếp cận và huy động vốn từ các tổ chức tài chính, tín dụng để phát triển hệ thống đường bộ cao tốc cũng như các hoạt động sản xuất kinh doanh khác.
Trước thách thức ấy, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành đã quan tâm, chỉ đạo, hỗ trợ các biện pháp để tăng cường năng lực tài chính cho VEC, song quá trình thực hiện tăng vốn điều lệ gặp nhiều vướng mắc do thay đổi cơ chế, chính sách dẫn đến việc xác định nguồn vốn nằm ngoài quy định của pháp luật hiện hành.
“Việc tăng vốn điều lệ sẽ tạo cơ sở pháp lý đối với các tài sản đường cao tốc để VEC thực hiện hạch toán kế toán đối với các tài sản là đường cao tốc hiện nay, giúp giải quyết điểm nghẽn quan trọng trong hoạt động, khơi thông nguồn lực đầu tư, thúc đẩy doanh nghiệp tăng trưởng và phát triển,” bà Nga khẳng định.
Sẽ “nâng đời” hàng loạt cao tốc
Để khẳng định vai trò doanh nghiệp nòng cốt, thuộc nhóm dẫn đầu của Quốc gia trong lĩnh vực đầu tư phát triển đường cao tốc, ông Trương Việt Đông, Chủ tịch Hội đồng thành viên VEC cho biết tổng công ty tiếp tục thực hiện hiệu quả chiến lược phát triển đến hết năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035; kế hoạch sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển đến hết năm 2025 của VEC và đề án cơ cấu lại VEC đến năm 2025.
Theo đó, VEC đặt mục tiêu triển khai ngay đầu tư mở rộng các tuyến cao tốc đang quản lý, vận hành khai thác; đầu tư hoàn thiện theo quy mô hoàn chỉnh một số tuyến thuộc cao tốc Bắc - Nam.
VEC cũng sẵn sàng tham gia đầu tư các tuyến cao tốc còn lại chưa thực hiện trong quy hoạch quốc gia nhằm phục vụ mục tiêu an ninh, quốc phòng, phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo đồng thời phấn đấu đến năm 2035 thực hiện quản lý khai thác 1.500 km đường cao tốc trên cả nước.
Sau khi được bổ sung 38.251 tỷ đồng vốn điều lệ giai đoạn 2024 - 2026, VEC đủ điều kiện để huy động tối đa nguồn lực, kể cả các tổ chức tín dụng để thực hiện mở rộng các tuyến cao tốc hiện hữu, đầu tư các dự án mới và kinh doanh các dịch vụ gia tăng dọc tuyến bảo đảm tiến độ, chất lượng và hiệu quả.

Đối với các nhiệm vụ sản xuất kinh doanh triển khai ngay sau khi tăng vốn, ông Phạm Hồng Quang, Tổng Giám đốc VEC cho biết tổng công ty đang tập trung mọi nguồn lực, dốc sức đẩy nhanh tiến độ hoàn thành và đưa vào khai thác đoạn tuyến phía Tây (Km3+420-Km21+739,5) và đoạn phía Đông (Km35+900-Km50+530) thuộc Dự án xây dựng đường cao tốc Bến Lức - Long Thành trước ngày 30/4/2025; tiến tới thông xe toàn tuyến trong năm 2026.
VEC tăng tốc hoàn thành các thủ tục điều chỉnh để triển khai, hoàn thành các hạng mục còn lại của Dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi trong năm nay.
Tổng công ty cũng rốt ráo đẩy nhanh tiến độ sửa chữa hư hỏng mặt đường và hệ thống an toàn giao thông, nâng cấp các tuyến cao tốc do Tổng công ty làm chủ đầu tư và quản lý, vận hành khai thác gồm: Nội Bài - Lào Cai, Cầu Giẽ - Ninh Bình, Đà Nẵng - Quảng Ngãi và Thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành-Dầu Giây.
Riêng tuyến cao tốc Nội Bài-Lào Cai, các nhà thầu hiện đang tập trung nhân lực, vật lực để đồng loạt thi công 11 gói thầu sửa chữa vào cuối tháng Hai này.
“VEC đồng thời tích cực công tác chuẩn bị, dự kiến khởi công thực hiện đầu tư mở rộng Dự án đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai đoạn Yên Bái - Lào Cai và Dự án đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình trong quý 4/2025”, ông Quang nhấn mạnh.
Ngoài ra, VEC cũng đang nghiên cứu đầu tư đồng bộ, khẩn trương hoàn thiện các khu dịch vụ, trạm dừng nghỉ tuyến cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi và Bến Lức - Long Thành; trang bị hệ thống kiểm soát tải trọng phương tiện trên các tuyến cao tốc do tổng công ty làm chủ đầu tư.