Ðưa ấm áp về “thung lũng hoang vắng

 LCĐT - “Thung lũng hoang vắng” là tên một bộ phim của đạo diễn Phạm Nhuệ Giang, lấy bối cảnh ở xã Tả Giàng Phìn (Sa Pa) để quay. Đã 15 năm trôi qua kể từ khi bộ phim phát sóng, ít ai biết được diễn viên 8 tuổi Thào A Dê, cậu bé đóng vai học sinh trong phim ngày nào, giờ đã tốt nghiệp đại học, trở về quê hương lập nghiệp và có nhiều cố gắng để giúp đỡ trẻ em nghèo vùng cao.

Người đầu tiên tốt nghiệp đại học ở xã Tả Giàng Phìn

Tôi gặp Thào A Dê lần đầu tiên tại Đại hội “Thể thao thanh niên trẻ” ở Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 1. Tôi vô cùng ấn tượng khi thấy chàng sinh viên có dáng người nhỏ nhắn, nụ cười rạng rỡ, đã vượt qua nhiều đối thủ nặng cân khác để giành giải Nhất môn đẩy gậy nam. Khi đó, chúng tôi mới là những sinh viên năm thứ nhất. Vì là đồng hương nên sau giải đấu, tôi được Thào A Dê chia sẻ những tâm sự mà không phải ai cũng biết. Trong những câu chuyện đó, chuyện về hành trình đến với giảng đường đại học của Thào A Dê khiến tôi thật sự xúc động. Là người con của dân tộc Mông, Thào A Dê sinh ra và lớn lên tại xã Tả Giàng Phìn. Ở quê hương bạn, hầu như mọi người chỉ học hết lớp 9 rồi ở nhà làm ruộng nương, bởi hoàn cảnh gia đình khó khăn, không có điều kiện đi học tiếp. Năm 2001, khi đó Thào A Dê mới 8 tuổi, đạo diễn Phạm Nhuệ Giang cùng ekip làm phim đã chọn xã Tả Giàng Phìn làm bối cảnh quay bộ phim “Thung lũng hoang vắng” và Dê được nhận một vai diễn phụ trong bộ phim này. Chính những ngày tháng được tiếp xúc với các cô, chú trong đoàn làm phim, cùng với lời nhắn nhủ của mọi người đã nuôi trong cậu bé mơ ước được học đại học để thoát khỏi cảnh nghèo.

Nụ cười luôn nở trên môi thanh niên người Mông giàu nhiệt huyết.

Nụ cười luôn nở trên môi thanh niên người Mông giàu nhiệt huyết.

Khi tốt nghiệp Trường Trung học Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh, Thào A Dê bị bố mẹ bắt ở nhà làm ruộng, nương. Nhưng với lòng ham học, bạn đã mượn sách vở của bạn bè để tự ôn thi và giấu gia đình làm hồ sơ thi đại học. Ngày có giấy báo thi, Thào A Dê vô cùng lo lắng vì bản thân không thể kiếm được số tiền lớn để xuống Hà Nội. Và phải mất một thời gian dài thuyết phục, Thào A Dê mới có được sự ủng hộ của bố. Cuối cùng, sự quyết tâm của chàng trai dân tộc Mông cũng được đền đáp, đó là khi bạn nhận được giấy báo đỗ vào lớp K61A, khoa Quản lý giáo dục - Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Thào A Dê là người đầu tiên và cũng là người duy nhất (tính đến thời điểm đó) của xã Tả Giàng Phìn đỗ đại học chính quy. Cầm giấy báo nhập học trong tay, Thào A Dê vừa mừng, vừa lo vì gia đình nghèo, không có tiền để đi học.

Tôi vẫn nhớ như in ánh mắt chàng sinh viên năm thứ nhất khi kể về việc bố phải vay tiền cho mình đi học. Điều không may là trên đường đi nhập học, Thào A Dê bị trộm móc hết tiền, nhưng không thể để việc học bị trở ngại, bạn đã mạnh dạn lên Khoa trình bày với thầy, cô giáo và được mọi người thông cảm, còn cho vay tiền làm thủ tục nhập học.

Những ngày đầu sống ở Hà Nội, cuộc sống của Thào A Dê vô cùng vất vả; rất nhiều ngày, bạn chỉ ăn mì tôm qua bữa. Khắc phục khó khăn, Thào A Dê đi làm thêm để tự nuôi bản thân, nhưng vẫn luôn cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ học tập của mình. Đặc biệt, trong rất nhiều hội thi do nhà trường tổ chức, cái tên Thào A Dê thường xuyên được xướng trên bục nhận giải, trong đó có Huy chương Đồng môn điền kinh, Huy chương Vàng môn đẩy gậy nam ở trường. Năm 2012, Thào A Dê còn được nhận giải “Sinh viên nghèo vượt khó” do Thành đoàn Hà Nội trao tặng.

Sau lần gặp gỡ này, chúng tôi ít gặp nhau, dần dần mất liên lạc bởi Thào A Dê luôn bận rộn với việc ngày đi học, tối làm thêm...

Đam mê tình nguyện vì trẻ em vùng cao

Một ngày “lang thang” trên mạng xã hội, tôi vô tình biết đến Câu lạc bộ từ thiện mang tên “Lời kêu gọi ấm từ trái tim” đang tuyển tình nguyện viên đi tặng quần áo cho các em nhỏ ở Sa Pa. Tôi cùng mấy người bạn đăng ký tham gia, dù chẳng rõ ai là người đứng ra tổ chức chuyến đi. Sáng sớm, tôi và các bạn xuất phát, đến điểm hẹn là thị trấn Sa Pa khi trời vẫn còn mù mịt sương. Và thật ngạc nhiên! Trưởng đoàn đón chúng tôi chính là Thào A Dê - người thanh niên dân tộc Mông quê Tả Giàng Phìn tôi đã gặp ở Hà Nội ngày nào. Không còn là chàng thanh niên gầy gò, nhỏ nhắn ngày xưa, sau 5 năm gặp lại, Thào A Dê chững chạc và trưởng thành hơn rất nhiều. Nhưng có một đặc điểm vẫn không thay đổi ở bạn, đó là nụ cười tươi và cách nói chuyện rất chân thành.

Chúng tôi tiếp tục hành trình chở quần áo bằng xe máy từ thị trấn Sa Pa đến thôn Cửa Cải, xã Tả Giàng Phìn để tặng cho các em nhỏ tại đây. Suốt cả chuyến đi, tôi và Thào A Dê lại có dịp trò chuyện rôm rả. Bạn tâm sự: “Sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 1, mình về quê với mong muốn kiếm được một việc làm để ổn định cuộc sống, sau đó sẽ cố gắng làm những việc có ích giúp các em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn tại quê hương. Thật may mắn là sau khi nộp hồ sơ, mình được nhận ngay vào làm cán bộ hợp đồng tại Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Sa Pa. Công việc chính của mình là tham gia dự án “Bạn hữu trẻ em” do tổ chức UNICEF tài trợ. Mỗi tháng ít nhất một lần, mình đến 4 xã là Lao Chải, Sa Pả, Tả Phìn, Trung Chải để tuyên truyền về phòng, tránh xâm hại tình dục trẻ em và phòng, tránh buôn bán người. Từ những chuyến công tác, thấy được sự thiếu thốn của những em nhỏ vùng cao, điều này đã thôi thúc thành lập Câu lạc bộ “Lời kêu gọi ấm từ trái tim” để kêu gọi sự ủng hộ của cộng đồng”.

Tại trang mạng của Câu lạc bộ, Thào A Dê đăng nhiều bức ảnh về trẻ em chụp được trong các chuyến đi cơ sở, kèm theo đó là kêu gọi cộng đồng mạng ủng hộ quần áo ấm cho các em. Bạn bảo, bản thân mình không có điều kiện hỗ trợ nhiều về vật chất, nhưng may mắn hơn nhiều người ở Tả Giàng Phìn là biết sử dụng mạng xã hội. Thông qua đó, bạn có thể kết nối được với các nhà hảo tâm, các câu lạc bộ tình nguyện để giúp đỡ các em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn. Mùa đông vùng cao rất lạnh, chẳng cần làm được những việc lớn như xây nhà, xây trường, đôi khi chỉ cần một việc làm nhỏ như tặng một chiếc áo cũng giúp các em cảm thấy ấm lòng. Chính vì suy nghĩ này mà hằng ngày, chàng thanh niên dân tộc Mông vẫn kêu gọi các nhà hảo tâm quan tâm, sẻ chia khó khăn với trẻ em nghèo vùng cao.

Gia đình Thào A Dê hiện nay vẫn thuộc hộ khó khăn, vì thế, ngoài giờ hành chính, bạn còn làm thêm để tăng thu nhập. Hình ảnh chàng cử nhân chạy xe ôm hay cười, hay trò chuyện đã trở nên quen thuộc với nhiều người ở thị trấn Sa Pa vào những buổi chiều tối. Cuối năm nay, Thào A Dê sẽ hết hợp đồng làm việc tại Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Sa Pa. Bạn chia sẻ: Dù sau này có làm công việc gì thì mình vẫn sẽ cố gắng duy trì việc kêu gọi ủng hộ các em nhỏ vùng cao. Việc làm tuy không lớn, nhưng mình thấy rất cần thiết. 

Kết thúc buổi tình nguyện, Thào A Dê không quên dặn tôi: “Bạn đi nhiều, quen nhiều người, nếu có cơ hội nhớ hỏi xin giúp mình quần áo ấm để gửi cho các em vùng cao nhé!”. Cảm nhận được những nụ cười, ánh mắt hạnh phúc, vui mừng của các em nhỏ khi được mặc chiếc áo ấm càng thấy việc làm của Thào A Dê thật ý nghĩa.

Có thể bạn quan tâm

Tin cùng chuyên mục

Hơn 100 đại biểu được tập huấn nâng cao năng lực thông tin về ứng phó sự cố, thiên tai

Hơn 100 đại biểu được tập huấn nâng cao năng lực thông tin về ứng phó sự cố, thiên tai

Ngày 22/11, tại thành phố Lào Cai, Cục Thông tin cơ sở - Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Lào Cai tổ chức Hội nghị tập huấn công tác tuyên truyền đề án Phát triển, nâng cao năng lực ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn đến năm 2030, định hướng đến năm 2045 trên hệ thống thông tin cơ sở.

Hàng không Việt Nam tăng thêm hơn 650.000 chỗ Tết Ất Tỵ 2025

Hàng không Việt Nam tăng thêm hơn 650.000 chỗ Tết Ất Tỵ 2025

Nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại dịp Tết nguyên đán Ất Tỵ 2025, các hãng hàng không Vietnam Airlines, Pacific Airlines, VASCO sẽ cung ứng thêm hơn 650.000 ghế, tương đương hơn 3.000 chuyến bay trên các chặng bay nội địa Việt Nam trong giai đoạn từ 13/1/2025 đến 12/2/2025 (tức 15 tháng Chạp năm Giáp Thìn đến 15 tháng Giêng năm Ất Tỵ).

Nâng cao năng lực số cho tuyến y tế cơ sở

Nâng cao năng lực số cho tuyến y tế cơ sở

Sáng nay (21/11), Bộ Y tế phối hợp với Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tổ chức lễ khởi động dự án: ''Ứng dụng y tế từ xa nhằm tăng cường tiếp cận dịch vụ y tế cho các nhóm yếu thế tại Việt Nam''.

Sáng tạo vì học sinh thân yêu

Sáng tạo vì học sinh thân yêu

Quá trình đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đang đòi hỏi mỗi giáo viên phải tự nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ để đáp ứng tốt nhất yêu cầu giảng dạy. Trong đó, giáo viên không chỉ là người truyền thụ kiến thức đơn thuần, mà phải sáng tạo trong tổ chức, điều hành các hoạt động dạy học.

Những cán bộ gác việc nhà lo việc dân

Những cán bộ gác việc nhà lo việc dân

Trong trận lũ vừa qua, Bảo Yên là địa phương chịu thiệt hại nặng nề nhất. Nhiều cán bộ cơ sở mặc dù nhà ở bị ngập lụt, tài sản bị cuốn trôi nhưng vẫn ưu tiên lo cho dân. Họ tạm gác việc nhà, tập trung hỗ trợ đồng bào ổn định cuộc sống. Chỉ khi mọi người được an toàn, họ mới trở về lo cho gia đình mình.

Hành trình trở thành chuyên gia giáo dục sáng tạo toàn cầu

Hành trình trở thành chuyên gia giáo dục sáng tạo toàn cầu

Gắn bó với sự nghiệp “trồng người”, những nhà giáo trên địa bàn tỉnh luôn dành trọn tâm huyết, tình yêu học trò qua từng trang giáo án. “Người đưa đò” thầm lặng học hỏi, nâng cao trình độ chuyên môn, tích cực ứng dụng khoa học - công nghệ, trở thành những “Chuyên gia giáo dục sáng tạo toàn cầu của Microsoft”, là tấm gương sáng cho học sinh về rèn đức, luyện tài.

fbytzltw