Tại buổi thảo luận, đại diện cho Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lào Cai, đồng chí Sùng A Lềnh, Phó Trưởng đoàn đã có tham luận sâu sắc, đóng góp ý kiến xây dựng Luật Viễn thông (sửa đổi).
Sửa đổi là cần thiết
Theo đại biểu Sùng A Lềnh, việc xây dựng Luật Viễn thông (sửa đổi) là phù hợp với Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết số 29 ngày 17/2/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, trong đó khẳng định “hạ tầng số là thiết yếu, bảo đảm an toàn thông tin mạng là then chốt, ưu tiên đầu tư phát triển nhanh, đi trước một bước” và cũng phù hợp với các nghị quyết của Đảng, Quốc hội và Chính phủ.
Trên thực tế, Luật Viễn thông năm 2009 đã phát huy ý nghĩa rất quan trọng đối với tiến trình phát triển, hội nhập của nền kinh tế nói chung và ngành viễn thông nói riêng, đánh dấu bước phát triển mới về pháp luật viễn thông nước ta. Tuy nhiên, đến nay Luật Viễn thông năm 2009 đã bộc lộ những bất cập, hạn chế, không còn phù hợp với bối cảnh mới, nhất là cuộc cách mạng khoa học - công nghệ 4.0. Yêu cầu đặt ra là sớm bổ sung, hoàn thiện Luật Viễn thông để tạo hành lang pháp lý, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, nâng cao chất lượng đời sống của Nhân dân.
Gỡ khó cho doanh nghiệp viễn thông
Góp ý vào những nội dung cụ thể, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lào Cai - Sùng A Lềnh chỉ rõ: Về chính sách của Nhà nước đối với lĩnh vực viễn thông và sự bảo đảm an toàn cơ sở hạ tầng viễn thông và an ninh thông tin (Điều 4 và Điều 5 dự thảo Luật), trong đó có nội dung: “Bảo đảm an toàn cơ sở hạ tầng viễn thông và an ninh thông tin là trách nhiệm của mọi tổ chức, cá nhân; trường hợp phát hiện các hành vi cản trở việc xây dựng hợp pháp, phá hoại, xâm phạm cơ sở hạ tầng viễn thông, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm thông báo kịp thời cho Ủy ban nhân dân hoặc cơ quan công an nơi gần nhất”. Theo đại biểu, trên thực tế, nhiều nhà đầu tư tiến hành xây dựng các công trình hạ tầng viễn thông đang gặp khó khăn, nhất là địa bàn miền núi, vùng cao, hải đảo, biên giới... do địa hình chia cắt mạnh, dân cư sinh sống rải rác.
Trong khi đó, công tác quy hoạch mạng lưới viễn thông của các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực viễn thông tại một số địa phương còn có bất cập, hạn chế, chồng chéo. Quỹ đất dành cho xây dựng các công trình hạ tầng viễn thông chưa được rõ ràng, cụ thể: Trong chính sách các công trình hạ tầng viễn thông sử dụng diện tích đất là không lớn nên các doanh nghiệp chủ yếu thỏa thuận, mua, thuê đất của người dân để xây dựng công trình trên đất rừng, đất nông nghiệp... chưa chuyển đổi mục đích sử dụng đất, hoặc chuyển đổi mục đích sử dụng đất với diện tích nhỏ, rải rác là rất khó khăn, phức tạp về thủ tục hoặc vướng vào các quy hoạch khác.
Một khía cạnh khác, do yêu cầu phục vụ mục đích chính trị và đảm bảo bảo quốc phòng - an ninh nên các doanh nghiệp viễn thông vẫn phải thực hiện đầu tư xây dựng hạ tầng nhiều công trình viễn thông mà không vì yếu tố kinh tế (phi lợi nhuận) trong khi chưa được đảm bảo tính pháp lý nên không được pháp luật bảo vệ tại quy định Điều 5 (dự thảo Luật).
Các công trình viễn thông được triển khai đầu tư ở địa bàn khó khăn, phức tạp, suất đầu tư lớn, đối tượng dịch vụ ít (phi lợi nhuận) nên khó khăn trong kêu gọi đầu tư, huy động nguồn lực.
Theo đại biểu Sùng A Lềnh, để đảm bảo thực hiện tốt yêu cầu nhiệm vụ chính trị, cần bổ sung, làm rõ các chính sách đối với công trình hạ tầng viễn thông (tại Điều 4, dự thảo Luật), nhất là chính sách về sử dụng đất, chính sách hỗ trợ kêu gọi đầu tư.
“Luật hóa” để tăng tính minh bạch của Quỹ dịch vụ Viễn thông công ích
Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lào Cai - Sùng A Lềnh nhấn mạnh: Quỹ dịch vụ Viễn thông công ích (Điều 33, dự thảo Luật) có mục tiêu là hỗ trợ dịch vụ viễn thông cho người dân thuộc hộ nghèo vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; hỗ trợ một số dự án xây dựng công trình hạ tầng viễn thông... nhằm giảm bớt sự chênh lệch về “khoảng cách số” giữa các vùng, miền; đáp ứng cam kết của Việt Nam về quản lý nhà nước dịch vụ viễn thông công ích khi gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và phù hợp với xu thế thời đại.
Theo đại biểu, điều cần thiết là tiếp tục duy trì Quỹ dịch vụ Viễn thông công ích một cách có hệ thống. Tuy nhiên, qua theo dõi thì Quỹ có tổng nguồn thu lớn, nguồn thu đối với Chương trình cung cấp dịch vụ viễn thông là 11.000 tỷ đồng nhưng nội dung chi sử dụng cho việc thực hiện chức năng nhiệm vụ còn thấp, trùng lặp với nhiệm vụ chi của ngân sách nhà nước, chủ yếu chi đảm bảo bộ máy, chi hỗ trợ là chính nên tồn Quỹ đang rất lớn, có thời điểm gần đây tồn dư tới 5.145 tỷ đồng.
Từ lý do trên, đại biểu Sùng A Lềnh đề nghị Chính phủ xem xét chỉ đạo “luật hóa” các nội dung đã được quy định tại các quyết định của Thủ tướng Chính phủ về nguyên tắc hoạt động, nhiệm vụ, quyền hạn của Quỹ dịch vụ Viễn thông công ích để đảm bảo tính minh bạch, rõ ràng nhằm tăng tính hiệu quả của Quỹ.
Đề nghị phân định rõ từng dịch vụ viễn thông công ích; bổ sung quyền và trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành tại các địa phương trong việc sử dụng và quản lý... để phù hợp với mục tiêu của Quỹ và các quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.
Đại biểu Sùng A Lềnh cũng đề nghị Chính phủ xem xét mở rộng phạm vi sử dụng của Quỹ đối với hoạt động đầu tư, phát triển sản xuất thiết bị viễn thông; mô hình, giải pháp, nền tảng số, dịch vụ mới, phục vụ các hoạt động viễn thông công ích.
Ngoài tham luận của đại biểu Sùng A Lềnh, dưới dự chủ trì của Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lào Cai - Đặng Xuân Phong, các đại biểu tỉnh Vĩnh Phúc, Gia Lai, Vĩnh Long cũng đã có các ý kiến đóng góp vào 2 dự án luật (sửa đổi).
Hết ngày 10/6, kỳ họp thứ 5 (đợt 1), Quốc hội khóa XV tạm nghỉ đến hết ngày18/6/2023 để Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan hữu quan có thời gian tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện các dự thảo luật, dự thảo nghị quyết. Đợt 2 của kỳ họp sẽ trở lại từ ngày 19/6 đến hết ngày 24/6/2023.